Điểm danh những linh vật rồng hấp dẫn nhất ở Huế Tết Giáp Thìn 2024.
Cặp song long trước Bia Quốc Học Huế và một linh vật rồng tại công viên Lý Tự Trọng là các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật dựa trên công nghệ hiện đại kết hợp với yếu tố lịch sử vùng đất gắn với triều đại nhà Nguyễn.
Nguyên mẫu rồng triều Nguyễn được nghiên cứu chất liệu, lịch sử, tham khảo làm việc với các chuyên gia, nhà sử học để thiết kế đạt chuẩn hài hòa về kích thước, tỷ lệ và chi tiết.
Cặp song long được đặt trước Bia Quốc Học Huế khổng lồ dài 30m thể hiện sự tôn trọng đặc biệt đối với di sản giáo dục của Huế nhanh chóng dành được thiện cảm của công chúng, thu hút khách du lịch và trở nên “hot” mạng xã hội những ngày cuối năm.
Các linh vật rồng ở thế “Rồng chầu mặt nguyệt” hình thái vòm tự nhiên bao quanh bởi hình hoa sen truyền thống thể hiện là một tác phẩm nghệ thuật được thiết kế, thực hiện công phu, kỹ lưỡng và ý nghĩa với các đường nét uyển chuyển ở mọi chi tiết đặc biệt phần thân rồng. Không có dáng vẻ hiền từ như rồng nhà Lý, không dũng mãnh như rồng thời nhà Trần, Lê nhưng trông rất uy nghiêm mà vẫn gần gũi.
“Mấy năm nay lãnh đạo Huế cực kỳ quan tâm tới bộ mặt thành phố. Vừa nâng cao đời sống tinh thần bà con lại thúc đẩy du lịch”, sinh viên Thảo Linh (tỉnh Thái Bình) vừa chiêm ngưỡng vừa bày tỏ cảm tình với sự tinh xảo của linh vật rồng Huế và cho rằng đây sẽ là điểm check in tuyệt vời cho người dân và du khách về thăm cố đô.
Theo bà Phi Ngọc Linh – Giám đốc Mỹ thuật công ty cổ phần Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS), từ bản phác thảo để tìm kiếm vật liệu thân rồng đáp ứng các yêu cầu gắt gao về kỹ thuật và mỹ thuật đến bản in 3D đầu tiên linh vật đòi hỏi đơn vị thiết kế công phu trong tìm kiếm loại vật liệu đặc tả những vảy rồng, đan chồng từng miếng và các mảng màu đan xen tạo hiệu ứng thị giác từ xa.
Thân rồng được thiết kế sống động với phần vảy mô phỏng ngói thanh lưu ly Huế - loại ngói sử dụng phổ biến cho các công trình cung điện, lăng tẩm và đền, chùa cố đô. Đây cũng là biểu tượng hòa hợp đất và trời, gửi gắm ước muốn cuộc sống mưa thuận gió hòa, hòa bình và ổn định.
Những chiếc vảy rồng được làm kỳ công với hàng trăm giờ đính kết thủ công bởi đơn vị thiết kế AGS. Bên ngoài là lớp vải da màu làm nền, điểm xuyết thêm họa tiết hình chữ Thọ bắt mắt với ý nghĩa chúc phúc trường thọ. Từng chiếc vảy sắp xếp thủ công có màu sắc hài hòa, thân rồng uốn lượn tạo tổng thể mềm mại và tinh tế.
Dự kiến, Lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 do UBND TP Huế tổ chức sẽ diễn ra đến hết ngày 14/2 (mùng 5 Tết) tại công viên Lý Tự Trọng. Được biết, đây cũng là lễ hội xuân có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Linh vật của năm Giáp Thìn cũng là biểu tượng nổi bật trên kiến trúc cung đình Huế. Rồng là linh vật đứng đầu tứ linh (long, ly, quy, phụng). Rồng được được xem là vật tổ của người Việt theo truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Linh vật có mặt trên các họa tiết trang trí, điêu khắc hội họa theo trí tưởng tượng của người Việt trên nhiều công trình kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật.
Mỗi thời điểm cụ thể, rồng được người Việt tưởng tượng có hình tướng khác nhau. Đến thời nhà Nguyễn, dáng rồng uy nghi, tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng của triều đại, hội tụ ý nghĩa biểu tượng của quyền lực và vương quyền. Rồng còn thể hiện uy quyền tuyệt đối cho các đấng thiên tử trong cung đình Huế.
Đỉnh cao của hình tượng rồng trên công trình, kiến trúc nhà Nguyễn cho thấy rồng đẹp thường sừng dài có chạc vòng cung, mắt lồi, râu và bờm căng đầy, vây lưng chạy suốt thân mình, móng rồng sắc nhọn, đuôi xoắn trôn ốc loa tròn. Rồng xuất hiện ở nhiều đền đài, cung điện, miếu vũ, đình chùa, trong và ngoài cung đình. Rồng cũng được dùng trang trí trên các vật ngự dụng, tế ngự… bằng Pháp Lam, đồng, vàng, bạc qua các góc độ: Chạm lộng, chạm nổi, đúc đồng, gia công…vv.
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Huế, lăng Khải Định là điểm đến có đa dạng hình tượng linh vật rồng nhất tạo hình bằng Pháp Lam.
Ngoài những linh vật mới chế tác rực rỡ, tươi mới hay linh vật trên những công trình kiến trúc, nghệ thuật nổi tiếng, tại tỉnh Thừa Thiên Huế con rồng ở lòng hồ Thủy Tiên đang được cộng đồng mạng chú ý bởi vẻ ngoài đặc biệt kỳ bí với màu sắc xám xịt, rêu mốc, đổ nát do bị bỏ hoang hàng chục năm.
“Tôi đến Huế và chỉ muốn được check in Rồng giữa lòng hồ Thủy Tiên. Trông nó có vẻ đẹp bí ẩn, khác lạ vì có dấu vết thời gian”, ông Nguyễn Dũng (Đồng Nai) cho hay.
Con rồng nằm trong công trình xây dựng từ năm 2001, đưa vào sử dụng năm 2004 được chuyển nhượng từ Công ty Du lịch Cố đô sang dự án của Công ty TNHH Haco Huế vào năm 2008. Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư 270 tỉ đồng song vẫn chưa thực hiện nên hàng chục năm qua con rồng “bí ẩn” lâm vào cảnh hẩm hiu vì bị bỏ hoang cùng công viên.
Năm 2016, công trình hoang phế này xuất hiện trên tờ Hufington Post - Mỹ. Tờ báo Mỹ nổi tiếng đánh giá về điểm đến này là điểm “du lịch rùng rợn” qua bài viết có nhan đề: “Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát”. Năm 2020, tạp chí Insider bất ngờ đưa công viên hồ Thủy Tiên vào danh sách những công viên bỏ hoang hấp dẫn du khách nhất thế giới. Đài truyền hình CNN thậm chí còn đánh giá công viên hồ Thủy Tiên bỏ hoang này là top 10 công viên giải trí đã đóng cửa mãi mãi đẹp mê hồn.
Năm 2024 là năm của linh vật rồng. Con rồng ở lòng hồ Thủy Tiên bỗng được gọi tên rất nhiều, nhiều người thích thú đến đây check in du xuân vì vẻ đẹp độc, lạ hơn so với những linh vật mới chế tác nhân dịp Tết Giáp Thìn theo một số người trẻ thích du lịch mạo hiểm. Nhiều du khách nước ngoài lên mạng xã hội bày tỏ sẽ cảm thấy rất tiếc nuối trước thông tin hình tượng con rồng này có thể sẽ bị dỡ bỏ để thực hiện dự án.
Bảo Hòa