Quảng Ninh: Mùa Xuân hạnh phúc của những người nông dân
Đó chính là cuộc sống mà mỗi người dân nông thôn Quảng Ninh đang thụ hưởng. Chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày đã không còn là trăn trở, thay vào đó là làm sao cho cuộc sống ngày càng chất lượng hơn.
Với lợi nhuận trên 3 tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất, kinh doanh rượu mơ Yên Tử, ông Vũ Anh Tuấn (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi trở thành một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh.
Từ một cơ sở nhỏ lẻ để sinh nhai ban đầu, nhờ bàn tay khối óc và tư duy đổi mới, áp dụng công nghệ vào chế biến, đến nay quy mô sản xuất rượu mơ Yên Tử của gia đình ông Tuấn ngày càng mở rộng. Cơ sở của ông hiện tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Rượu mơ Yên Tử đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, gia đình ông Tuấn đã vận động nông dân địa bàn trồng mơ trên đất hoang hóa, đến nay đã phát triển được gần 7ha vùng nguyên liệu. Cơ sở của gia đình ông hiện bao tiêu quả mơ cho các vùng trồng ở Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long.
“Hạnh phúc với tôi không chỉ là danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, cũng không đơn thuần là lợi nhuận mang về mỗi năm, mà đó còn là việc nông sản quê hương ngày càng được vươn xa, nông dân thôn mình, xã mình ngày càng giàu có, ấm no hơn” - Ông Tuấn chia sẻ.
Còn đối với nông dân Lê Sĩ (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), hạnh phúc chính là được gắn bó với nghề nông, được làm đẹp cho mọi nhà bằng những bông hoa do tay mình vun xới, chăm trồng. Anh Sĩ chia sẻ: "Vui nhất là dịp Tết, nhìn những chậu hoa rực nở, được mọi người đến đón đi, người làm nông như tôi phấn khởi lắm. Thấy giá trị mình mang lại chính là làm đẹp cho mọi nhà khi Tết đến, Xuân về. Năm nay thời tiết thuận lợi, hơn 2.000 chậu hoa hồng của tôi sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Những ngày này tôi đang tích cực chăm sóc cho vườn hoa của mình thêm tươi, thêm đẹp để chờ đón khách hàng".
Với gia đình bà Đặng Thị Bình và gần 900 hộ dân thôn Hợp Thành (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên), hạnh phúc là nước sạch đã về đến tận sân nhà. Năm nay công trình Đập nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ được khánh thành, đi vào hoạt động, mang lại niềm hân hoan, phấn khởi cho người dân xã vùng cao. “Trước đây người dân chúng tôi dùng nước khe, suối để sinh hoạt. Mùa mưa thì đủ dùng, nhưng mùa khô thì hầu như nhà nào cũng thiếu nước. Năm nay xã, huyện đầu tư xây trạm nước, lại cho cả đường ống chảy đến tận nhà, ai ai cũng vui mừng. Hạnh phúc là đây chứ đâu xa, khi những nhu cầu thiết yếu của người dân được chính quyền quan tâm kịp thời” - Bà Bình chia sẻ.
Khi sinh nhai và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống đã được đảm bảo, những nông dân thôn quê dành nhiều thời gian hơn để thụ hưởng cuộc sống. Khép lại một ngày cùng công việc đồng áng, bà Triệu Kim Thành cùng các chị em CLB dân vũ thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) lại gặp gỡ nhau bên tiếng nhạc rộn rã. Bà Thành cho biết: "Chúng tôi cùng nhau khiêu vũ, tập luyện. Ai nấy đều rất vui, không chỉ rèn luyện sức khỏe, mà còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với nhau sau một ngày lao động vất vả".
Chị Đỗ Thị Gấm (xã Hải Đông, TP Móng Cái), Chủ nhiệm CLB bóng chuyền hơi, chia sẻ: "Nông dân chúng tôi giờ đã khác xưa nhiều, không còn cảnh một nắng hai sương lo bữa cơm, tấm áo nữa. Nông dân thời đại mới, ngoài chuyện trồng cây lúa, cây khoai, nuôi con tôm, con lợn..., còn học hỏi, tiếp thu công nghệ, giao lưu văn hóa thể thao. Đó chính là cuộc sống của một nông dân hạnh phúc".
Niềm hạnh phúc có được sau mỗi điệu nhảy, mỗi trận cầu thêm gắn kết những người nông dân lại với nhau để cùng xây dựng một cộng đồng hạnh phúc. Ở những miền quê đáng sống đó, mỗi người nông dân từng ngày tiếp tục vun đắp, dựng xây bản, làng, thôn, xã ngày càng giàu có, phồn vinh hơn.
Nguyên Ngọc