SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Phim Vị và câu chuyện từ bỏ quyền tác giả để được kiểm duyệt

07:18, 19/10/2021
(SHTT) - Những ngày gần đây, “Vị”, bộ phim của đạo diễn Lê Bảo, đang làm nóng dư luận. Việc từ bỏ quyền tác giả của đạo diễn, từ bỏ quyền sở hữu của nhà sản xuất phim Vị cho thấy một số vấn đề của quy định duyệt và phổ biến phim, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay.

 Phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo có nội dung xoay quanh cầu thủ đá bóng người Nigeria đến Việt Nam lập nghiệp, hợp đồng chấm dứt và lâm cảnh khốn khó, anh ta chấp nhận ở chung nhà, cùng sinh hoạt với bốn người phụ nữ lớn tuổi là lao động nghèo. Tác phẩm từng nhận giải Dự án triển vọng nhất tại Silver Screen Awards, Singapore. Vị đoạt giải Special Jury Award tại hạng mục Encounters của Liên hoan phim Berlin 2021. Tuy nhiên theo thông tin từ Hội đồng thẩm định, “Vị” có những cảnh khỏa thân của cả năm nhân vật rất trực diện.

Và với lý do tác phẩm "không phù hợp với văn hóa Việt Nam, phim "Vị" nhận quyết định cấm phổ biến tại Việt Nam của Cục Điện ảnh. Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã xem, họp thẩm định và đưa ra quyết định cấm phổ biến phim này. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, phim có trường đoạn khỏa thân kéo dài tới vài chục phút, nhiều cảnh khỏa thân trực diện không phù hợp văn hóa Việt Nam.

“Khi thẩm định phim “Vị”, trong Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện chỉ một thành viên duy nhất đề nghị xem xét phổ biến phim này ở phạm vi hẹp, phục vụ các nhà chuyên môn, các thành viên còn lại đều nhất trí không phổ biến. Sau đó, Cục tiếp tục tổ chức chiếu phim, mời các chuyên gia tư vấn ngoài Hội đồng đến xem và cho ý kiến. Cuối cùng, 100% Hội đồng tư vấn nhất trí không phổ biến “Vị” ở Việt Nam. Khi đó, Cục mới ra quyết định không cho phổ biến”, ông Thành cho hay.

phim vi

Một cảnh trong phim Vị 

Trước quyết định đáng tiếc này, do không thể cứu vãn tình hình, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo đã tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với phim, để “Vị” không còn mang “quốc tịch” Việt Nam nữa. Đây là giải pháp nhằm tránh cho “Vị” trở thành một bộ phim “chết”, theo đúng nghĩa đen của nó.

“Chúng tôi phải ký một văn bản với các công ty đồng sản xuất ở Pháp, Singapore, Đức và Thái Lan. Chúng tôi phải từ bỏ vì đó là hy vọng duy nhất của chúng tôi. Khi phim không còn “quốc tịch” Việt Nam, không liên quan đến chúng tôi ở Việt Nam nữa thì nó còn cơ hội sống, cơ hội đi. Đó là cách duy nhất chúng tôi có thể nghĩ đến. Tôi cũng không biết điều đó ở Việt Nam có được chấp nhận không”, nhà sản xuất Phương Thảo chia sẻ.

Sau khi văn bản này được ký, công ty tại Singapore của nhà đồng sản xuất Lai Weijie hiện là công ty giữ nhiều quyền nhất với phim Vị. Như vậy, Vị đã không còn “quốc tịch” Việt Nam mà mang “quốc tịch” Singapore.

Luật sư Phạm Duy Khương chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu với tác phẩm của nhà sản xuất không có vấn đề gì về pháp lý. Tuy nhiên, việc từ bỏ quyền nhân thân của đạo diễn phức tạp hơn nhiều. Ông Khương cho biết hiện tại ở Việt Nam tuy luật không cấm, song không có quy định cụ thể về việc từ bỏ quyền nhân thân. Vì thế, việc từ bỏ quyền tác giả này sẽ khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu việc từ bỏ được thực hiện theo pháp luật Singapore thì có thể.

Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn (chủ của Heritage Space) đánh giá việc Vị không còn mang “quốc tịch” Việt Nam là một điều đáng buồn. Ông cũng nhận định đây là cách “giữ an toàn” khi kiểm định nghệ thuật phải đối mặt với những nội dung “khó hiểu”, “nhạy cảm” mà chưa có thang bậc pháp lý nào quy định rõ ràng.

Về mối quan hệ giữa quyền tác giả và các tác phẩm bị cấm xuất bản ở Việt Nam, cần nhắc tới điều 6 và điều 7của Luật SHTT Việt Nam hiện hành.

Theo điều 6 liên quan tới căn cứ phát sinh, xác lập quyền SHTT, thì “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Đây là một nguyên tắc có nguồn gốc từ Luật SHTT của Pháp, cụ thể là từ điều 2 Luật về quyền tác giả ban hành ngày 11/3/1957. Nguyên tắc này thể hiện đúng tinh thần của luật Cộng hòa Pháp: quyền tác giả được công nhận khi tác phẩm được sáng tạo ra, và không phải chịu sự “phân biệt đối xử” nào cả.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của luật Việt Nam nằm ở điều 7, liên quan tới giới hạn của quyền SHTT. Theo đó, “Việc thực hiện quyền SHTT không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như thế, có thể hiểu rằng, theo Luật SHTT Việt Nam, thì tác phẩm bị cấm lưu hành có thể vẫn được sự bảo hộ của luật về quyền tác giả, nhưng chủ sở hữu sẽ không thể thực hiện quyền tác giả đó (như công bố, hay phân phối tác phẩm đến công chúng), vì việc thực hiện quyền này vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Nhìn chung, có thể nói quy định này không đi ngược lại nguyên tắc chung của các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Hà Châu

Tin khác

Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
(SHTT) - Tại sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IPDAY 2024), sáng 26/4 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Hoài Đức chia sẻ rằng người Việt chưa quen biến tài sản trí tuệ thành tiền.
Tài sản trí tuệ 3 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 04/4/2024 đến ngày 15/4/2024, lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra phát hiện 5 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, vi phạm về nhãn và không niêm yết giá. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 117.000.000 đồng.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Cấp quyền hình ảnh nhân vật (Character Licensing) là chiến lược kinh doanh được nhiều tập đoàn sáng tạo trên thế giới áp dụng thành công và đem về những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Vậy Character Licensing là gì và cơ hội nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Tài sản trí tuệ 20 giờ trước
(SHTT) - Shimano - công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các bộ phận xe đạp đã tiết lộ một phát minh đột phá. Bằng sáng chế mới cho thấy Shimano đang phát triển một bộ truyền động không dây hoàn toàn mới mang lại hiệu suất tối đa cho các tay đua và người yêu xe đạp.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 25/4, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương phối hợp với Đội 3 Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Ninh Giang và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương tổ chức giám sát việc tiêu hủy 10.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.