Phát triển tài sản trí tuệ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm
Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm hoạt động SHTT có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT), đồng thời, thúc đẩy các hoạt động tạo ra TSTT và khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác TSTT là một trong các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tập trung thực hiện để triển khai hiệu quả Chiến lược.
Kết quả chung trong giai đoạn 2014 - 2023
Tại Hội nghị Quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2024, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết giai đoạn 2014 – 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,8%/năm. Các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 60.517 đơn, cao hơn gấp 7 lần so với chủ thể Việt Nam (7.560 đơn). Tuy nhiên, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ vừa qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 1,3 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 12%/năm, cũng cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (9,4%).
Giai đoạn 2013 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký và giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp của người nộp đơn Việt Nam lần lượt là 7,7%/năm và 7,2%/năm, cao hơn 32,7%/năm và 58%/năm so với tốc độ tăng đó của người nộp đơn nước ngoài. So sánh với hai loại tài sản trí tuệ khác là sáng chế và giải pháp hữu ích thì các chủ thể Việt Nam giành sự quan tâm nhiều hơn cho tài sản nhãn hiệu.
Tuy nhiên, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/7 so với chủ thể nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chúng ta chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế;
Số lượng đối tượng SHTT chuyển giao (trong đó có sáng chế) quyền sử dụng và quyền sở hữu TSTT chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp, chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác TSTT nói chung và sáng chế nói riêng chưa thực sự hiệu quả. Một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là: năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa được chặt chẽ; liên kết theo chuỗi giá trị giữa các tác nhân nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu.
Sản phẩm OCOP 4 sao trở lên phải có nhãn hiệu đăng ký
Ông Lê Huy Anh cũng cho biết, năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các địa phương đánh giá thực trạng và nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước cho các sản phẩm OCOP (công văn 4080/SHTT-NĐHT ngày 11/10/2023 của Cục SHTT).
Tính đến hết tháng 12/2023, đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với kết quả như sau: Đã có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm so với tháng 12/2022), trong đó 68,9% sản phẩm 3 sao, 29,9% sản phẩm 4 sao, 42 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao; có 5.724 chủ thể OCOP, trong đó có 37,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Thống kê từ 27 địa phương có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, có 978 sản phẩm được công nhận 4 sao, trong đó 62% sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các sản phẩm còn lại đều đã nộp đơn đăng ký tại Cục.
Các sản phẩm đã được công nhận 4 sao nhưng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các sản phẩm được công nhận từ trước năm 2023 khi Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm với quy định một trong những bắt buộc đối với sản phẩm đề nghị xét, công nhận 4 sao trở lên là phải có nhãn hiệu được đăng ký.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kiến nghị xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu tại Việt Nam cho các chủ thể OCOP và tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu cho các chủ thể OCOP tại các thị trường: Đông Bắc Á, EU, Mỹ, Australia và New Zealand, Singapore, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Myanmar; đề xuất nhiệm vụ hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước và nước ngoài cho các chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 4, 5 sao tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương kiến nghị hỗ trợ đăng ký bảo hộ trong nước cho 267 sản phẩm 3 sao để làm căn cứ lập hồ sơ đăng ký, xét phân hạng 4 sao cấp tỉnh; hỗ trợ đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho 135 sản phẩm đã được công nhận 4 và 5 sao, là các sản phẩm đã và đang được xuất khẩu ra nước ngoài, các quốc gia đề nghị đăng ký bảo hộ nhiều nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Những thành tựu ấn tượng trong công tác phát triển tài sản trí tuệ
Theo ông Lê Huy Anh cho biết, tính đến hết tháng 2/2024, 32 nhiệm vụ đang được triển khai từ Chương trình ở Trung ương do Cục SHTT quản lý, bao gồm: 04 nhiệm vụ tập huấn, đào tạo về SHTT cho các cán bộ thuộc hệ thống tư pháp, các chủ thể OCOP và Hội nữ trí thức Việt Nam; 01 nhiệm vụ xây dựng tài liệu giới thiệu và hướng dẫn về SHTT trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; 01 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ và quản lý biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia; 01 nhiệm vụ hỗ trợ áp dụng sáng chế và 25 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương.
Bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. Nhờ vậy, trong khuôn khổ chương trình, 150 nhiệm vụ từ chương trình do các địa phương quản lý, sử dụng nguồn ngân sách địa phương. Các nhiệm vụ này tập trung vào công tác hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức tập thể, người dân và hỗ trợ bảo hộ cho các sản phẩm OCOP.
Đối với các nhiệm vụ từ Chương trình của các địa phương: Cục theo dõi chung, hỗ trợ để việc đặt hàng, quản lý nhiệm vụ phù hợp với quy định của Luật SHTT và Chương trình. Hướng dẫn việc phân kỳ, cân đối thời gian kết thúc các nhiệm vụ của các địa phương để hạn chế việc rất nhiều nhiệm vụ kết thúc vào cùng thời điểm gây áp lực cho việc thẩm định của Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế.
Những bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển trong thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Huy Anh cũng lưu ý, vẫn còn những thách thức trong công tác bảo hộ, phát triển TSTT như: Chưa có nhiều sản phẩm chế biến được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; chủ yếu là sản phẩm hoa quả, chiếm 35% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, thủy sản 14%, dược liệu 10%, sản phẩm từ cây công nghiệp 10%, gạo 9%... Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ cho sản phẩm chế biến có xu hướng tăng gần đây. Quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ chủ yếu là địa danh và khu vực địa lý cấp huyện, xã, chiếm khoảng 65% chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Để khắc phục hạn chế trên, ông Lê Huy Anh cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tạo ra tài sản trí tuệ, đặc biệt là cho các nhóm chủ thể doanh nghiệp và nhóm sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP địa phương; Tăng cường hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm chủ lực ra nước ngoài; nghiên cứu xây dựng mô hình sàn giao dịch, đầu tư tài chính khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Cần đổi mới cách tiếp cận, cần xem SHTT như công cụ để bảo vệ, quản lý và phát triển giá trị, chứ không chỉ là mục tiêu, kết quả cuối cùng là sản phẩm được bảo hộ. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về quản lý, kiểm soát nguồn gốc chất lượng sản phẩm được bảo hộ. Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT nói chung và nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nói riêng ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, phát triển hình ảnh, khẳng định vị thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian tới, định kỳ có khảo sát, đánh giá về các kết quả, tồn tại, khó khăn của công tác quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Triển khai nghiên cứu xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản ưu tiên đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ giai đoạn 2021 – 2030. Tăng cường nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng và sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đặt hàng, giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng từ nhu cầu, đề xuất của doanh nghiệp. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT.
Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện và hiệu quả hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, làm giàu tài sản trí tuệ - một nguồn tài nguyên tạo nên nội lực quốc gia phục vụ trực tiếp cho sự phát triển bền vững.
Minh Thơm