Phát triển tài sản trí tuệ để xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương
Tham dự hội thảo có ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Lưu Văn Liêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu và hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đặc sản địa phương, các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành khu vực phía Nam, lãnh đạo các phòng ban của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bạc Liêu, báo đài và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo ông Lê Huy Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân nơi có đặc sản. Việc này giúp nâng cao năng lực, vị thế của các địa phương và doanh nghiệp, giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị thương hiệu lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Huy Anh đưa ra dẫn chứng nhiều đặc sản của Việt Nam đã trở thành những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài như: Nước mắm Phú Quốc, bưởi da xanh Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, gạo thơm Sóc Trăng, muối Bạc Liêu, cua Cà Mau,...
"Tuy nhiên, nhiều đặc sản nổi tiếng của vùng đang bị mai một và biến mất dần khỏi trí nhớ của người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do địa phương chưa quan tâm đầu tư đúng mức việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương", ông Lê Huy Anh chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Hội - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu - cho biết Bạc Liêu hiện có trên 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động đã tạo giá trị sản phẩm hàng hóa hàng ngàn tỷ đồng/năm. Nhìn chung, năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như số lượng sản phẩm còn hạn chế.
"Hàng hóa của các doanh nghiệp địa phương phát triển chưa bền vững bởi vì còn nhiều sản phẩm chưa được bảo hộ, chưa xây dựng và định vị được thương hiệu. Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là sản xuất các mặt hàng nhỏ, gia công và phân phối hàng hóa là chính. Do đó, ý thức trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ về đăng ký nhãn hiệu còn chưa được chú trọng", ông Lê Quốc Hội nêu lên thực trạng.
Ông Hội cũng cho rằng những người có ý thức bảo vệ tài sản trí tuệ không nhiều và thường là đăng ký cho có, để đó rồi quên. Mặt khác, các sản phẩm làm ra cũng không đạt được các tiêu chí, giá cả bấp bênh cũng là nguyên nhân tác động đến ý thức của chủ sở hữu.
Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam - Cục Sở hữu trí tuệ, để khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản cần chú trọng đặc thù riêng, giá trị khác biệt của sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá bằng cả hình thức truyền thống và online; chú trọng chất lượng sản phẩm theo nhu cầu thị trường; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và phát triển thương hiệu; đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, vùng trồng để tạo niềm tin với người tiêu dùng; đồng thời chú ý với những vấn đề mới như: kinh tế tuần hoàn, netzero, trách nhiệm cộng đồng, hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu;...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng cáo tại điểm bán hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng; đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm chế biến sâu; phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo các kênh tiêu thụ khác nhau như siêu thị, đại lý, khách sạn, nhà hàng,…
"Để khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản ở nước ngoài, doanh nghiệp nên tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài - nơi dự kiến xuất khẩu sản phẩm hoặc được đánh giá là thị trường tiềm năng của sản phẩm, bên cạnh việc đăng ký bảo hộ các tài sản trí tuệ ở trong nước để tránh "mất bò mới lo làm chuồng"", ông Trần Giang Khuê nói.
Tính đến tháng 12/2023, 132 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam, bao gồm 13 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 119 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể.
Bình Tú
TIN LIÊN QUAN
-
Đà Nẵng đẩy mạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương hiệu hàng hóa năm 2024
-
Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo đạt giải 'Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường'
-
Nhiều sản phẩm độc đáo tại chương trình Đặc sản bản địa - Làng nghề truyền thống
-
Đặc sản từng tiến vua quả Thanh Trà được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý 'Huế'