SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 03/04/2024
  • Click để copy

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng mạnh nhờ cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro

06:30, 24/10/2020
(SHTT) - 9 tháng đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận một số ngân hàng vẫn tăng nhờ "nhẹ tay” trích lập dự phòng rủi ro. Phải chăng, khả năng phòng thủ nợ xấu của các ngân hàng đã bền vững?

Hiện tại, các ngân hàng đang lần lượt công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020. Trước tình hình nợ xấu còn diễn biến phức tạp và tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số ngân hàng đã phải tính đến phương án chấp nhận hy sinh lợi nhuận, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro (DPRR).

Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng không thực sự muốn hy sinh lợi nhuận trước mắt để gia tăng "bộ đệm" chống chịu nợ xấu dự kiến phát sinh trong tương lai bởi dịch Covid-19 thực sự gây tiềm ẩn nguy cơ tổn thất lớn trong thời gian tới.

Lợi nhuận tăng nhờ “nhẹ tay” trích lập dự phòng rủi ro bất chấp nợ xấu tăng vọt

Tại LienVietPostBank, riêng quý 3/2020, chi phí DPRR tín dụng giảm 15% so với cùng kỳ, từ 124 tỷ đồng xuống còn 105 tỷ đồng nên lợi nhuận trước và sau thuế tăng 42% và 43% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 737 tỷ đồng và 589 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí DPRR chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ 2019, từ gần 314 tỷ đồng lên gần 322 tỷ đồng. Do đó, LPB ghi nhận 1.741 tỷ đồng lãi trước thuế và hơn 1.395 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 6% so cùng kỳ. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, LPB đã vượt kế hoạch so với chỉ tiêu 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế cả năm 2020.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại LienVietPostBank. 

Tuy nhiên, về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của LPB tăng mạnh 29% so với cuối năm 2019, lên mức 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 42% lên mức 397 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 27% ở mức gần 412 tỷ đồng; nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 26% lên mức 1.801 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,44% đầu năm lên 1.64%.

Hay tại MSB, trong quý 3/2020 chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 23%, xuống còn gần 392 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước và sau thuế của MSB tăng 39% và 38% so với cùng kỳ, đạt lần lượt gần 692 tỷ đồng và hơn 553 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí DPRR tại MSB cũng chỉ tăng 15% so với cùng kỳ 2019 nên lợi nhuận trước và sau thuế của MSB tăng đến 57% và 53%, ghi nhận hơn 1.666 tỷ đồng và gần 1.328 tỷ đồng. Với kế hoạch đạt 1.439 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020, MSB đã vượt 16% so với chỉ tiêu đã đặt ra chỉ sau 9 tháng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại MSB.

Đáng lưu ý, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của MSB tăng 31% so với cuối năm 2019, lên mức 1.702 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng gấp 2,4 lần từ 151 tỷ đồng lên 362 tỷ đồng và nợ nhóm 4 tăng gấp 2,1 lần từ gần 168 tỷ đồng lên 359 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của MSB tăng từ mức 2,04% lên mức 2,32%.

Tương tự, trong quý 3/2020, TPBank giảm 7% chi phí DPRR so với cùng kỳ, chỉ còn gần 416 tỷ đồng, do đó, lợi nhuận trước và sau thuế tăng 26% lên mức hơn 989 tỷ đồng và gần 792 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPbank tăng 23% chi phí DPRR so với cùng kỳ, lên mức gần 1.182 tỷ đồng (trong khi 6 tháng đầu năm 2020, TPBank tăng đến 49% chi phí dự phòng). Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế của TPBank tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận gần 3.023 tỷ đồng và gần 2.420 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại TPbank

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 9/2020, tổng nợ xấu của TPBank tăng đến 60% so với thời điểm cuối năm 2019, lên mức gần 1.971 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 76% lên mức 846 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 82% lên mức 555 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tăng 27% lên 569 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPBank tăng từ mức 1,29% lên 1,79%.

Ngoài ra, tại ABBank trong quý 3/2020, chi phí DPRR cũng giảm 6% so với cùng kỳ, ở mức 135 tỷ đồng nên lợi nhuận trước và sau thuế tăng nhẹ 4% và 14%, đạt gần 351 tỷ đồng và gần 282 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí dự DPRR tại ABBank cũng giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, ở mức gần 403 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng nợ xấu tính đến ngày 30/9/2020 tại ABBank tăng 24% so với cuối năm 2019, lên mức 1.632 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,31% lên 2,77%.

Có thể thấy, các ngân hàng trên đều công bố con số nợ xấu cao hơn năm trước, nhưng ngược lại, chi phí DPRR tín dụng thấp hơn. Phải chăng đây là một thủ thuật kế toán để nhằm làm đẹp các chỉ tiêu lợi nhuận của những ngân hàng này?

Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận để phòng ngừa nợ xấu

Ngoài một số ngân hàng trên, vẫn có ngân hàng tăng cường trích lập DPRR song chính điều này lại đang “ăn mòn” lợi nhuận của các ngân hàng. Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến thu nhập của ngành ngân hàng do nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, trong năm 2020, việc tăng trích lập dự phòng có thể làm giảm thu nhập của các tổ chức tín dụng khoảng 6.736 tỷ đồng.

Chẳng hạn như VietBank, trong quý 3/2020 chi phí CPRR tín dụng tăng đến 65% so với cùng kỳ, tăng lên 25 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng giảm đến 52% và 54%, chỉ còn gần 86 tỷ đồng và gần 66 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của Vietbank vẫn sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ khi chỉ mang về hơn 487 tỷ đồng lãi thuần. Chi phí dự phòng tín dụng tăng đến 80%, ở mức 66 tỷ đồng, do đó, lãi trước và sau thuế giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 374 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại VietBank.

Tương tự, quý 3/2020, Sacombank cũng trích lập gấp đôi chi phí DPRR so cùng kỳ, lên mức gần 1.288 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước và sau thuế của Ngân hàng giảm 7% so cùng kỳ, chỉ còn hơn 897 tỷ đồng và hơn 716 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, chi phí DPRR cũng tăng mạnh 69% so với cùng kỳ, lên mức gần 2.853 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế của Sacombank giảm lần lượt 7% và 4% so cùng kỳ, ghi nhận gần 2.326 tỷ đồng và hơn 1.845 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 tại Sacombank.

Tại Saigonbank, chi phí DPRR tín dụng riêng quý 3/2020 tăng đến 94% so với cùng kỳ, lên mức gần 21 tỷ đồng. Kết quả, lãi trước thuế và sau thuế của Ngân hàng giảm đến 61% và 64%, chỉ còn gần 52 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng.

Thực tế, dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng chính là tấm đệm phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng. Khi một khoản nợ xấu phát sinh, trích lập từ các khoản dự phòng sẽ giúp ngân hàng tránh được những cú sốc về tài chính.

Hiện nay, sử dụng dự phòng để xử lí nợ xấu vẫn chiếm tỉ trọng lớn tại các ngân hàng.

Hà Phương (T/h)

vnfinance.vn

Tin khác

Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Từ nay đến cuối năm, 42 máy bay của các hãng hàng không Việt Nam sẽ phải dừng hoạt động để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm số máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025, Hàng không Việt Nam thiếu hụt đội máy bay trầm trọng.
Kinh tế 13 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh có lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…, được nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, minh bạch. Giai đoạn 2010-2020 tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh cao gấp 19 lần giai đoạn 2000-2010, gấp 23 lần giai đoạn 1990-2000.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Counterpoint Research dự đoán doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu sẽ tăng 3% vào năm 2024, khi lạm phát giảm nhẹ giúp phục hồi nhu cầu tại các thị trường mới nổi và sự tích hợp AI thu hút người mua đến với các thiết bị cao cấp.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - GDP quý 1/2024 của Việt Nam ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 trong suốt 4 năm gần đây 2020-2023.
Nhờ kiên trì mục tiêu nhà ở tầm trung, ưu tiên tiện ích cho cư dân… các dự án của tập đoàn BĐS An Gia (Mã Chứng khoán: AGG) có tỷ lệ hấp thụ tốt, doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch.