Lạng Sơn: Liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu
Thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc phê duyệt Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021 - 2025; Công văn số 728/QLTTLS-NVTH ngày 21/7/2023 Về việc kiểm tra, xử lý hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Chợ Đông Kinh và Công văn số 753/QLTTLS-NVTH ngày 27/7/2023 về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tăng cường quản lý địa bàn.
Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, phối hợp tuyên truyền pháp luật, văn minh thương mại, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Kết quả, tuyên truyền ký cam kết theo Kế hoạch 888 được 134 cơ sở; phát hiện kiểm tra 3 vụ việc kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, xử phạt với số tiền là 40.000.000 đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm 27.500.000 đồng.
Thời gian tới, Đội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm soát nắm địa bàn, diễn biến tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng hoá phục vụ Tết Trung thu, như bánh kẹo, đồ chơi trẻ em...tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thực phẩm không đảm bảo an toàn và hoàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Được biết, trong thời gian này lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển thực phẩm và các hoạt động vận chuyển, nhập khẩu, kinh doanh hàng đồ chơi trẻ em.
Theo đó, các Đội QLTT sẽ kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển thực phẩm, đồ chơi trẻ em, một số loại hàng hoá liên quan có nhu cầu tiêu thụ lớn dịp Tết Trung thu, một số loại hàng hoá, lĩnh vực quản lý đang được cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý thị trường trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt hàng giả, hàng nhập lậu là văn hoá phẩm, đồ chơi trẻ em nhập lậu, chứa chất độc hại không đảm bảo an toàn.
Trong thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm. Trong đó, tập trung kiểm tra đối với các nhóm mặt hàng thực phẩm như: Kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm; đo lường, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa thực phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng; các quy định về thực phẩm nhập khẩu; Hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm/công bố hợp quy/phù hợp quy định ATTP; Kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết; Lấy mẫu trưng cầu cơ quan chức năng giám định (kiểm nghiệm) nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm; Thực hiện công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng bánh kẹo, đặc biệt là các sản phẩm bánh trung thu được sản xuất theo phương thức truyền thống, bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian sử dụng, ghi nhãn hàng hóa,...
Đối với nhóm mặt hàng đồ chơi trẻ em các Đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển mặt hàng đồ chơi trẻ em; chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, dấu hiệu nhập lậu, các loại đồ chơi trẻ em có nguy cơ độc hại, kích động bạo lực ảnh hưởng đến giáo dục nhân cách, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia; Kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ; hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch, và các quy định liên quan của pháp luật trong quản lý đồ chơi trẻ em.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, giáo dục các kiến thức pháp luật và các văn bản quy định về an toàn thực phẩm, về đồ chơi trẻ em, những kiến thức bảo đảm chất lượng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong xuất nhập khẩu thực phẩm; vận động các tổ chức cá nhân ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm an toàn thực phẩm của toàn cộng đồng.
Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan để kiểm tra, xử lý các đối tượng khác theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền nhằm đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo giữa các ngành, tránh bỏ lọt địa bàn, đối tượng vi phạm; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình thị trường, kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lường Linh