SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Làm sao để phát triển du lịch từ văn hóa đầm phá Tam Giang – Cầu Hai?

17:45, 20/12/2023
Từ truyện ngắn nhà văn Hồng Nhu, chúng ta tìm về “Đầm phá bao la, khúc phình ra, khúc eo lại kéo vệt dài theo mép biển, chạy suốt từ Thuận An đến Tư Hiền, nối liền hai cửa”. Nét đẹp Tam Giang – Cầu Hai không chỉ cảnh sắc mà còn ở kho tàng văn hóa dân gian đầy tiềm năng du lịch.

Tác giả Hồng Nhu từng viết: “Dân vạn chài đầm phá là dân giang hồ tứ chiếng, mọi sinh hoạt đi đứng, ăn ngủ, đẻ đái, cưới hỏi, ma chay đều diễn ra trong khoảng không gian chật hẹp của con thuyền. Vậy mà cũng thấy thoải mái, riết thành tập quán, riết nữa thành cổ truyền. Cha truyền con nối…”.

Vùng đất của nhiều lễ hội độc đáo

Thừa Thiên Huế có hơn 100 lễ hội văn hóa truyền thống. Phần nhiều lễ hội này xuất phát từ người dân vùng sông nước. Đến nay, không ít những tập quán phôi pha theo dòng thời gian nhưng tất cả đều rất độc đáo, đặc sắc. Những lễ hội như lễ cầu Ngư, lễ nhập vạn đò, lễ tang cá Ngài, tục ngủ trăng mui, lễ hợp cẩn rồi lễ thôi nôi độc đáo hay lễ hội đua thuyền rộn ràng, lễ vật nô nức hằng năm.

DSC01599

Bình minh trên phá Tam Giang nơi có nhiều lễ tục gắn với con đò, nhiều lễ hội xuân thu nhị kỳ.

“Tháng Giêng, khi cái rét cuối mùa còn nấn ná trong màn sương thưa màu tàn giấy buông lơ lửng từ trên vòm cây xuống sát mặt cỏ, thì làng xóm ven bờ bắt đầu rậm rịch vào mùa lễ hội cầu ngư”. Lúc đó lễ hội cầu ngư làng Thái Dương thuộc huyện Hương Trà và Phú Vang bắt đầu.

Làng Thái Dương tức là làng đón ánh bình minh sớm nhất dọc tuyến biển này, làng có từ hơn 500 năm trước. Theo tục “Tam niên đáo lệ” nghĩa là 3 năm một lần lại có 1 lễ hội bắt đầu từ ngày 11 tháng Giêng. Lễ hội để dân làng vui chơi tế lễ trong suốt 3 ngày liên tục.

Dân ta tin rằng “Đất có Thổ công, sông có Hà Bá; cảnh thổ nào phải có Thần hoàng ấy; vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc thờ thần một thịnh...”. Cũng lẽ đó, lễ hội cầu ngư ở danh hương làng Thái Dương là dịp người dân cầu mưa thuận gió hòa, gửi gắm ước mơ ấm no hạnh phúc vào đấng siêu nhiên.

Làng Thái Dương vào hội nô nức. Mọi ngả đường rộn tiếng reo hò, trẻ con tưng bừng bên cánh rừng dương rì rào như hát. Hội có hai phần gồm có trên bờ và dưới nước; cầu an và cầu ngư.

Nhiều trò chơi độc đáo tái diễn cuộc sống trên đầm phá. Đặc sắc nhất vẫn là làm trò bủa lưới. Các em bé trai được hóa trang thành các hải sản đặc trưng như: cá, tôm, mực…

Đang lúc bọn trẻ mải mê giành giật tiền thì tám chủ thuyền khiêng một chiếc ghe mành trên có người ngồi tiến vào, vây quanh đám nhỏ. Ngư chủ này tung lưới vây các em vào giữa bắt đầu giai đoạn bủa lưới. Thuyền được khiêng chạy tròn trong tiếng trống, tiếng cổ vũ reo hò của dân làng.

8f05e8e7718aa7d4fe9b

 Tái hiện hoạt cảnh bắt cá lễ hội cầu ngư làng Thái Dương Hạ tại Festival Làng nghề Huế 2023 tại TP Huế.

Sau khi buông lưới trúng cá, tiếp đến là nghi lễ làm trò ruỗi bộ, tức bán cá trên đường. Ngư chủ từ trên ghe nhảy xuống vào trong lưới bắt một con cá to nhất đem lên bàn cúng Thành Hoàng. Các diễn viên quần chúng này cống hiến hết mình vì mong may mắn mỉm cười mà không chờ thù lao.

Xa xưa, lễ nhập vạn đò nơi đây cũng thật giàu bản sắc. Lễ tuy đơn sơ mà trang trọng, tôn nghiêm ngay giữa vùng phá rộng lớn. Trong chậu nước đặt đầu mũi thuyền có một con tôm là loài tượng trưng cho bản mệnh của người con gái nhập vạn. Cũng có thể dùng con cá ngạnh - là loài cá tượng trưng cho bản mệnh của người con trai. Người nhập vạn được ném xuống đầm, tiếng rơi càng to càng gọn thì “Thần Phá vui lòng”. Nếu tiếng rơi nhỏ lại bị xòe thì “Thần Phá không ưng”, phải làm lại vào một dịp khác để trả nợ.

Vào mùa xuân, Vinh An, An Cư Đông hay làng An Truyền dịp này đâu đâu cũng tưng bừng lễ hội. Trên vựa nước Tam Giang - Cầu Hai còn có lễ cúng Thần Đầm lạ lùng vào dịp rằm tháng Giêng. Sau khi hành lễ xong, chủ thuyền phải nhảy xuống đáy đầm lạy Hà Bá hai lạy như người ở trên cạn vẫn lạy trả ơn.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Huế, Trường Đại học Khoa học Huế thì dọc Tam Giang - Cầu Hai rất nhiều trò chơi mang đặc trưng vùng đầm phá. Trong đó, tại xã Vĩnh Phú (Thuận An, TP Huế) có khoảng 15 trò chơi dân gian.

71f26921f04c26127f5d

 Lễ hội Cầu Ngư của làng Thái Dương Hạ được tái hiện tại Festival Làng nghề Huế 2023 có nhiều trò chơi dân gian sôi động.

Sinh ra từ nơi con thuyền bồng bềnh mặt sóng quanh năm nên trò chơi của các em nhỏ nơi đây cũng được sáng tạo trên nôi văn hóa đó. Trò chơi trốn tìm dưới nước hay còn gọi là cút nẹp thể hiện rõ sự khác biệt so với trò ú tim trên cạn.

Cùng những trò chơi thả diều bắt bóng, những đánh sang lẻ, lướt ván rồi sáng chiều bắt cá giữa đầm. Những trò chơi của thanh niên như đấu vật, đua ghe nâng tinh thần thượng võ thành sức mạnh chinh phục thiên nhiên.

TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh - Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Thừa Thiên Huế - cho hay: “Đời sống tín ngưỡng, lễ hội của Tam Giang – Cầu Hai rất phong phú. Hầu như tất cả các làng đều xuân thu nhị kỳ tế lễ tại đình làng. Đặc sắc nhất là lễ hội cầu ngư ở Hải Nhuận (Phong Hải), Phương Diên (Phú Diên), An Bằng (Vinh An), Mỹ Á (Vinh Hải), Thái Dương Hạ (Thuận An), Lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần: lễ hội Bà Tơ ở làng Bác Vọng, Lễ tế Thái Dương Phu Nhân".

Gắn với các lễ hội là sự lưu truyền của các truyền thuyết, nhạc lễ tế thần, hát bả trạo, hát sắc bùa, kể vè, nói lối, lễ hội đua thuyền, hội vật, hội đu, hội đua trải, đua ghe, bài chòi, bài đôi, bài phu, treo tịm, quăng lưới, các trò chơi dân gian trẻ em.

Lễ hội truyền thống và các hình thức nghệ thuật, trò chơi dân gian chính là nền tảng để xây dựng các sản phẩm văn hóa – du lịch, thu hút du khách. “Lễ hội Sóng nước Tam Giang” trong các kỳ Festival cũng đã tiên phong khai thác lễ hội truyền thống, cụ thể là Bà Tơ cùng với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống khác.

Lựa sao cho khéo khi du lịch từ văn hóa dân gian

Dễ nhận thấy, tour khám phá Tam Giang – Cầu Hai nói chung đang quanh quẩn với đời sống ẩm thực, trải nghiệm nghề, ngắm cảnh nhưng phần sâu thẳm nhất của vùng đất là đời sống văn hóa vẫn chưa được chú trọng khai thác.

TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh chia sẻ nhiều thành viên của các hợp tác xã khai thác dịch vụ chưa qua trường lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý, du lịch. Doanh nghiệp đầu tư, khai thác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn mỏng, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ dẫn đến năng lực khai thác còn hạn chế để phát triển các sản phẩm mới.

8e30a1d8f71b2045790a

 Đội múa Náp ở làng Kế Môn bên phá Tam Giang.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế: “Trong bối cảnh phục hồi và phát triển du lịch sau dịch Covid-19, cùng với tham quan giải trí và nghỉ dưỡng, xu hướng du lịch gắn với tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa dân gian của một vùng đất đang hấp dẫn nhiều đối tượng khách. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khai thác lợi thế độc đáo của văn hóa dân gian.

Việc biến sản phẩm văn hóa truyền thống thành các sản phẩm văn hóa du lịch cần có những nghiên cứu thận trọng trong cách làm. Vừa cần sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống, vừa phải đảm bảo các sản phẩm văn hóa – du lịch không làm biến dạng, ảnh hưởng văn hóa truyền thống.

Theo nhóm tác giả TS Lê Vũ Trường Giang, Mai Lệ Quyên, Nguyễn Ngọc Khánh Vân - Trường ĐH Khoa học,  Đại học Huế, khai thác lễ hội để phát triển du lịch cần tôn trọng tính thiêng về không gian, thời gian, nhân sự, cấu trúc sự kiện cần được đặc biệt lưu tâm. Tránh tình trạng vì doanh thu hay vì sự thuận lợi trong tổ chức sự kiện dẫn đến cố ý làm sai lệch so với truyền thống, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm cũng như những giá trị đã được cộng đồng thừa nhận và tuân thủ từ bao đời.

9f89c052593f8f61d62e

 Cần nghiên cứu đưa văn hóa dân gian vào du lịch một cách chọn lọc, không làm mất bản sắc và ý nghĩa của lễ hội.

Dù sáng tạo là điều hết sức cần thiết nhằm tái tạo văn hóa, tạo sức hấp dẫn, mới mẻ cho sản phẩm du lịch nhưng nguyên tắc tôn trọng văn hóa của cộng đồng luôn cần được ưu tiên hàng đầu.

TS Lê vũ Trường Giang cho rằng: “Văn hóa dân gian và tri thức bản địa được xác định là di sản phi vật thể, do đó, việc tái sản xuất chúng trở thành nguồn tài nguyên du lịch có thể dẫn đến mất kết nối giữa văn hóa dân gian và di sản cộng đồng. Nếu không cẩn trọng trong triển khai, các giá trị văn hóa sẽ bị sửa đổi theo hình thức giải trí đơn thuần mất đi bản sắc quý báu mà cộng đồng gìn giữ là mất đi màu sắc và kết nối với chính những người dân nó được tạo ra".

71e46e61e20c34526d1d

 Phá Tam Giang trong tranh bích họa làng chài Ngư Mỹ Thạnh.

Để du khách biết đến chàng lãng tử, với tên gọi Tam Giang - Cầu Hai phóng khoáng mạnh mẽ. Chàng không u hoài nhưng diệu vợi mênh mang, chàng vẫn hoang dã và rộn ràng với nhiều lễ hội gọi mời chân người tới lòng người thương. Lễ hội truyền thống vùng đầm phá cần được nhìn nhận có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng trước xã hội đương đại, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Từ đó, vạch ra phương thức quản lý và khai thác nguồn thu một cách hiệu quả, ấn tượng cho du khách.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 14 giờ trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 14 giờ trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.