SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 10/05/2024
  • Click để copy

Khai mở du lịch Tam Giang – Cầu Hai từ sự trù phú văn hóa đầm phá

12:08, 13/12/2023
Không chỉ có cá tôm, cảnh quan trời cho, hệ đầm phá nước lợ rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á Tam Giang - Cầu Hai thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế còn có “kho vàng” do người tạo, đó là nét văn hóa trù phú nuôi phần hồn bao người vùng sóng nước.

Trăm con sông trên thế gian sông nào không đổ ra biển, nhưng sông có đời sông, biển có đời sống của biển. Nơi duy nhất tụ họp vùng nước “xà hai” mặn ngọt tương phùng là hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Người con sóng nước Tam Giang - nhà thơ Phan Trung Thành - từng viết: “Lưỡi câu cha thắp nến từng hạt cát/ Sóng Tam Giang nuôi mấy thân cò/Con cò cả xa đồng hanh vắng mẹ/ Chao phương nào cũng ướt - Bóng quê xa”.

Choáng ngợp vẻ đẹp “đại cảnh” vùng quê nước lợ 

Thu sang, rú Chá như chiếc áo “biến ảo” rộ lên màu hoa vàng rực dịu dàng. Sau vài ba ngày chìm lấp trong mưa, cây chỉ còn khẳng khiu cành màu mây trầm. Cành đan khít vào nhau tạo thành một vòng ôm tự nhiên đẹp nao lòng. Ở đó, bốn mùa có đôi vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp và bà Trần Thị Hồng bền bỉ như cây chá. Hơn 42 năm họ canh gác cổng cho “vườn cổ tích” rú Chá.

"Cá, nước nuôi mình, nuôi ta”, lời ông Đáp năm xưa giữ họ ở lại ốc đảo hoang vắng nước mặn chát, từng không điện, không đường mà đắp đất, be bờ sinh sống. Rừng chá tự nhiên được lão ngư che chở khỏi bao mồi lửa, bẫy chim mà cùng già đi.

Ông Đáp giờ đây sáng thả lừ, nuôi tôm, cua, chẳng thiết đi đâu ngoài ở cạnh rừng Chá. Mỗi năm, rừng Chá thu hút thêm nhiều nghệ sĩ đến chụp ảnh, làm phim, người dập dìu vãn cảnh và đang thành “thánh địa sống ảo mới” của xứ Huế.

bed38a01c33b14654d2a

 Lão ngư Nguyễn Ngọc Đáp 42 năm sống giữa ốc đảo hoang bên phá Tam Giang.

Ông Đáp và bà Hồng chỉ là hai trong nhiều người am hiểu về con nước, mặt đáy, thời tiết ở nơi đây. Chỉ sự rung chuyển của lá Quao, hoa Chá, đầm phá hay nguồn thủy sinh… họ biết tháng nào từng đàn chim bay đi, vui mừng khi thấy chúng trở về. Họ cả đời yêu con đò bập bềnh, những lễ tiết đặc sắc với nghề đua trải cầu ngư, cúng bến nước, ăn tết cá với tín ngưỡng, lễ tục đời người.

Khu vực duyên hải miền Trung có 12 đầm, phá ven bờ nước lợ. Nhưng đến Huế, Tam Giang - Cầu Hai mới là hệ đầm phá liên hoàn tiêu biểu nhất, bao gồm: Phá Tam Giang và các đầm nước lợ Cầu Hai, Thủy Tú, Hà Trung, Đầm Sam, Đầm Chuồn trải qua độ tuổi khoảng 3000 - 4000 năm lịch sử.

af09570a0631d16f8820

 Cuối tháng 10, rú Chá thay áo rụng hết lá hoa, cây Quao vẫn xanh gọi từng đàn chim hoang dã về tăm cá, ăn hạt Chá nổ như hạt bắp. Qua mùa ấm, rừng chá đâm chồi nảy lộc đàn chim mới di trú. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn - Phân Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế - đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng “sống” về đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nơi nắm giữ “một mảng trong sự cấu thành văn hóa Huế”. Từ đề xuất ấy khơi lên niềm khám phá, chúng tôi trải nghiệm qua không gian sinh sống nhiều thế hệ của người thủy diện sinh tụ lâu đời bên Tam Giang - Cầu Hai để hiểu hơn về họ trong ký ức và cuộc sống đương đại.

Khi qua khỏi đèo Phước Tượng, ngay dưới chân đèo là đầu đường quốc lộ 49B. Đi đường này theo hướng Đông ngay đầm Cầu Hai với diện tích rộng 11.200 hecta được tạo bởi hình một chiếc chảo bán nguyệt khổng lồ. Đứng từ đỉnh núi Phước Tượng nhìn về hướng biển, điểm xuyết thêm những hòn đảo nhỏ. Ở đó, sóng vỗ quanh năm như lời mời gọi của người Cầu Hai: “Ai đi qua bến Cầu Hai/ Có về xứ Huế thì mai mốt về”.

Đi tiếp đầm Cầu Hai sẽ đến cầu Tư Hiền. Cửa biển Vinh Hiền hiện nay hình thành bởi trận lũ lịch sử năm 1999 xé toang doi đất hai xã Vinh Hiền, Lộc Bình. Nơi đây, sóng nước mênh mông, gió lồng lộng như thả cửa cho dòng nước dạt dào tuôn ra biển cả.

34c53b274671ee2fb760

 Phá Tam Giang đã và đang nuôi sống hàng chục ngàn người dân xứ Huế.

Theo sách cổ, cửa biển này vốn thuộc về vùng đất Chiêm Thành - có tên Ô Long. Đến đời Trần, cửa biển được gọi là Tư Dung – gợi niềm nhung nhớ dung nhan công chúa Huyền Trân, nơi trước khi xuất giá sang Chiêm Thành, công chúa đã ghé đây làm lễ bái vọng tổ tiên. Thời nhà Mạc đổi tên thành Tư Khách. Đến thời nhà Nguyễn gọi cửa biển này là Tư Hiền. Người dân thường gọi Cửa Ông hay Cửa Biện.

Năm 1847, vua Lê Thánh Tông dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, khi nghỉ chân lại đây có bài thơ ngợi ca “Tư Dung Hải Môn Lữ Thứ”: “Giáp bãi núi cao xanh ngắt ngắt/ Tiếp trời sóng vỗ biếc trùng trùng/ Triều xưa sự nghiệp còn di tích/ Nước Việt dư đồ nhận cựu phong/ Lượng bể chẳng từ gì cáu bẩn/Sông ngòi đâu cũng hướng về Đông”.

Mặt nước thoáng đạt nhầm tưởng vô bờ, vô bến mà choáng ngợp. Chỉ cần đưa mắt nhìn xa xa sẽ thấy xao xuyến với đỉnh núi Bạch Mã ẩn hiện, thấp thoáng đôi ngọn Linh Thái, Túy Vân với chiếc tháp Điều Ngự của chùa Thánh Duyên mờ ảo.

2f2342ba37ec9fb2c6fd

 

Qua cầu Tư Hiền đi QL 49B chạy song song với đầm Thủy Tú. Đầm hiền hòa với dòng nước êm đềm lặng chảy. Nơi đây bao gồm hệ sinh thái đặc sắc như các bãi đẻ, cỏ mọc trên đầm, cồn chìm... Đầm rộng 60km2 kéo dài 30km từ Thuận An đến Cồn Trai.

Theo đường này dẫn dắt ta tới đầm Hà Trung mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí để lại cho hậu thế câu ca “Hải nhi hữu thần lãng, lãng lũ phúc nhân châu” nghĩa là đầm Hải Nhi có sóng thần, sóng năng úp ghe thuyền. Hải Nhi tức Hà Trung bây giờ. Nó vừa dài, vừa hẹp với khoảng 3.600 hécta không thông ra biển. Thời vua Thiệu Trị sớm được xếp vào hàng “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh” với bài đề “Hải nhi quan ngư” (Ra phá xem cá).

Rời Hà Trung, ta về với đầm Thanh Lam hay còn gọi là đầm Chuồn. Cái tên đầm Chuồn vốn gắn liền với địa danh làng Chuồn nức tiếng có đệ nhất danh tửu và nón lá. Buổi sáng sớm về đây, gặp những chiếc ghe cập bến với cá tôm theo bước chân của những người dân ra chợ, rổn rảng giữa bình yên.

Về với Thuận An là điểm đầu phía Nam của phá Tam Giang. Phá “Mặt Trường Sơn, lưng Biển Đông/ Chị em ba nhánh hợp dòng Tam Giang”. Chị em ấy là ba sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ cùng nhau hò hẹn chảy về một phía.

6e5768b515e3bdbde4f2

 Hoàng hôn trên phá Tam Giang đẹp đến nao lòng.

Dân gian truyền tụng nhau phá Tam Giang là nỗi khiếp đảm bởi sóng dữ và hải tặc. Người xưa thấy nó là “rào cản” nước mênh mông: “Phá Tam Giang chắn ngang nỗi nhớ/ Truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau/ Cho nên xin hẹn kiếp sau/ Đổ Truông nhà Hồ/ Đập phá Tam Giang”.

Nếu nói phức hệ Tam Giang – Cầu Hai là kho vàng thì phá Tam Giang chính là trung tâm của kho báu với hệ sinh vật và văn hóa phong phú đa dạng. Trước năm thứ 2 đời Vua Minh Mạng, Biển Cạn hay Thiển Hải, Hác Hải, Hạt Hải là tên gọi của Phá Tam Giang.

Muốn đi hết phá Tam Giang bằng đường bộ phải đi qua cầu Thuận An, ngược dòng sông Hương nên thơ trở lên TP Huế cổ kính. Từ đường này đưa ta tới Tân Mỹ nơi có Đầm Sam. Đầm này nhỏ bé nhất so với các đầm anh, đầm chị như Cầu Hai, Thủy Tú… Dù với diện tích chỉ rộng 1.620 ha nhưng chứa đựng hệ sinh vật trù phú. Nhiều điểm du lịch như khu du lịch Tân Mỹ, nơi đây xưa kia Ngô Đình Cẩn làm khu nghỉ mát.

Gợi mở du lịch Tam Giang – Cầu Hai

Tam Giang - Cầu Hai kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam trải dài trên lãnh thổ 33 xã thuộc 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc. Hệ đầm phá có chiều dài 68 km, diện tích mặt nước lên tới 21.600 héc ta không chỉ là cái rốn chứa nước lớn nhất Đông Nam Á mà còn được xếp vào những quần thể đầm phá lớn của thế giới. Đây là tổ ấm về nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học nuôi dưỡng khoảng 41 ngàn người sống mưu sinh dựa vào đầm phá (chiếm đến 1/3 số dân toàn tỉnh).

TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh - Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế; Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế nói: “Cảnh quan làng quê vùng Tam Giang – Cầu Hai là sự quyện hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ và những làng nông, làng ngư với hệ thống cảnh quan nhân tạo được hình thành và phát triển lâu đời”.

DSC05843

 Nghề dậm trìa trên phá Tam Giang.

Sự độc đáo bởi nhiều dạng địa hình cùng hiện diện, đan xen với hệ đầm phá mênh mông lên đến 200km2, cồn cát ven biển đồ sộ kéo dài đến 70km chắn ngang vực nước lợ bên trong và biển bên ngoài với nhiều bãi biển đẹp. Cảnh quan rừng xa van đan xen với các trằm, bàu đặc trưng, các đầm lầy, cửa sông với những bãi lầy ngập cỏ là nơi cư trú của các loài chim nước di cư và nhiều loài động vật thủy sinh.

Điểm tô thêm còn có dãy Bạch Mã hùng vĩ, những trộ sáo giăng đầy, rộng khắp và ngôi nhà chồ trên mặt nước hay phía Tây đầm phá những ruộng lúa thẳng cánh cò bay. Những ngôi làng ven phá Tam Giang cùng với hệ thống thiết chế tín ngưỡng, các công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn vùng đầm phá, như: Miếu Nam Hải Long Vương, miếu thần Phong Bá (thần Gió), lăng mộ, dinh thờ cá Ông,….

“Cảnh quan sinh thái tự nhiên và nhân văn đầm phá Tam Giang – Cầu Hai chính là điều kiện lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch học tập, nghiên cứu, du lịch sinh thái với các hoạt động chèo thuyền, tham quan, khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước, tham quan các khu di tích, du lịch kết hợp sáng tạo ảnh nghệ thuật”, bà Tâm Hạnh cho hay.

Picture 1027

 Văn hóa đầm phá của người thủy diện Tam Giang trên những con đò truyền thống bởi có những lễ tục đời người, tín ngưỡng gắn với con đò.

Bao bọc chung quanh đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và cả đầm An Cư là một hệ thống hơn 100 làng sống. Theo nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử Trần Đại Vinh, có thể chọn khai thác du lịch chỉ khoảng trên 20 làng tiêu biểu.

“Hiện nay, việc di chuyển bằng thuyền trên đầm phá có phần chậm, mất thì giờ nên chăng cần sử dụng đường bộ, liên kết các làng có nhiều di tích văn hoá, lịch sử, tạo thành nhiều tour, tuyến tham quan các làng ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Du khách ngồi đò lênh đênh trên đầm phá đón bình minh. Thong dong chiều hoàng hôn trên Rú Chá. Nghe cái cò, cái vạc gọi bạn trước sân chim Quảng Thái. Vui những gánh trìa vượt bến đò Vĩnh Tu theo các cô các mệ ra chợ ở Quảng Ngạn, Quảng Công. Bập bềnh giữa nhà chồ gió lộng thưởng thức rượu Chuồn nhắm với cá dìa, tôm cua, cháo hàu lá lốt, bánh khoái cá kình nóng thơm… để tiêu diêu trong tiếng sóng đêm dập dềnh.

Đúc kết của dân gian: Nơi nào cha Trời, mẹ Đất chọn làm cửa sông, cửa biển, nơi ấy diện mạo trù phú, tôn nghiêm, với một bề dày văn hóa đậm đà bản sắc không dễ hòa tan. Tam Giang - Cầu Hai tựa chàng lãng tử đẹp đẽ và hào phóng thể hiện. Sự giàu có của hệ đầm phá và những làng quê nó đi qua như vua Minh Mạng từng khắc bia phía cuối phá Tam Giang đúng là “kho vàng trời cho”.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 18 phút trước
(SHTT) - Sư tử biển California là loài sư tử biển rất đáng yêu và gần gũi với con người. Mùa hè năm nay, người dân Thủ đô có thể gặp gỡ những “người bạn” đặc biệt này duy nhất tại Thủy cung Lotte World Hà Nội.
Giải trí 21 giờ trước
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Núi Chí Linh là không gian sinh sống của phần đa đồng bào các dân tộc thiểu số... Với những dấu tích lịch sử, văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu mát mẻ... Chí Linh Sơn đang dần “chuyển mình”, từng bước trở thành điểm đến du lịch cộng đồng lý tưởng.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Dự kiến trong tháng 5 này, du thuyền Essence Grand Halong Bay Cruise 2 của Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là siêu du thuyền sẽ thí điểm khai thác dịch vụ du thuyền tham quan, lưu trú cao cấp trên Vịnh Bái Tử Long.