Thách thức nào khiến Đà Nẵng chưa thành điểm cầu quốc gia kết nối khởi nghiệp?
Mỗi năm một lần, Đà Nẵng tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là sự kiện thường niên dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Đà Nẵng, quy tụ sự tham gia, kết nối nhiều thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp. Năm nay, với chủ đề "Khát vọng Sông Hàn - Khơi nguồn sáng tạo” và thông điệp “Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo” là dịp để các chuyên gia, lãnh đạo thành phố và các startup định hình lại mình trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bước đầu có những thành tựu ấn tượng
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Trần Chí Cường - cho biết: "Những năm qua, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với sự hình thành và phát triển không ngừng của các tổ chức hỗ trợ, các cơ sở ươm tạo, các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng đang ngày càng phát triển, có các doanh nghiệp bứt phá, gọi vốn thành công hàng triệu USD. Thành phố được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam - Vinasa vinh danh là "Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong năm 2020 và 2022".
Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ kỳ vọng hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng ngày càng phát triển, trở thành điểm đến thu hút, liên kết các nguồn lực, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế cùng hợp tác, đầu tư và phát triển.
"Chúng tôi mong rằng các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng chủ động đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn nữa. Thành phố cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Sở dĩ yếu tố đổi mới sáng tạo quan trọng bởi nó tạo ra các giải pháp, công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới nhằm tăng cường sự cạnh tranh, thu hút nghiên cứu, đầu tư và phát triển.
Với sự hỗ trợ và thúc đẩy của Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có hướng phát triển tích cực.
Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho thấy Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, giữ vị trí thứ 4 ở Đông Nam Á. Theo đánh giá của Startup Blink năm 2023, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ở vị trí 58 trên thế giới, thứ 5 khu vực Đông Nam Á.
Đối với Đà Nẵng, Bộ Khoa học và Công nghệ ghi nhận thời gian qua có những bước đi phù hợp để hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Các cơ sở ươm tạo, cơ sở giáo dục, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và có vị thế trên bản đồ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này của thành phố Đà Nẵng tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái quốc gia, làm Trưởng làng tại Techfest quốc gia như Trưởng làng Metaverse, Trưởng làng du lịch ẩm thực…”, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - cho biết.
Ông Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - cho hay: “Nhìn lại những năm qua, Đà Nẵng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp nước ngoài như Swiss EP, ĐSQ Israel, chương trình Phần Lan IPP… trong việc cung cấp các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới, để đào tạo cho các startup những kiến thức và kỹ năng kinh doanh tiệm cận được với khởi nghiệp thế giới".
Trăn trở đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng ra "biển lớn"
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ngày càng tạo ra những ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Thế nhưng, để thiết lập các chương trình, hành động, dự án phát triển thành thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn tầm khu vực và tham gia mạng lưới thành phố đổi mới sáng tạo toàn cầu, Đà Nẵng cần sự nỗ lực hơn.
Các nhà đầu tư khởi nghiệp của các nước cũng bắt đầu quan tâm và đánh giá Đà Nẵng là thành phố có sự sôi động về khởi nghiệp. Một số startup tại Đà Nẵng đã nhận được nguồn vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài như Dat Bike, Selly, Hekate… Tuy nhiên, con số dự án được tiếp và nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn rất ít. Điều này đặt ra nhiều trăn trở cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố như Sở Khoa học và Công nghệ - Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng, Vườn ươm doanh nghiệp DNES về việc đưa các startup đến với thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Chương – Phó Chủ tịch Vườn Ươm doanh nghiệp Đà Nẵng, Đà Nẵng tuy đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua, song còn những hạn chế trong trình độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo, bộc lộ khá rõ về quy mô, chất lượng các mô hình khởi nghiệp.
“Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút và hợp tác hiệu quả với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế”, ông Chương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng còn hạn chế về nguồn lực, kinh nghiệm,... dẫn đến ảnh hưởng khả năng kết nối Đà Nẵng với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Tại vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023, ông Chương cho biết có những mô hình do phía Vườn ươm đang ươm tạo. Tuy nhiên, qua cách trình bày của các mô hình, ông Chương thẳng thắn thừa nhận việc cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng dù có ý tưởng hay, được hỗ trợ nhưng còn nhỏ chưa đủ mạnh, tư duy nhỏ lẻ vẫn cần nhiều thời gian để thay đổi.
Tại vòng thi cuối cùng, khi được Ban giám khảo hỏi các vấn đề về đầu ra, giải quyết sinh kế và các vấn đề về thị trường, đại diện dự án "Sống khỏe đẹp từ rừng" liên tục trả lời: “May mắn là có sự hỗ trợ” của huyện, của Vườn ươm. Dù được tập huấn rất nhiều, Startup vẫn có hướng “trông chờ” vào đơn vị hỗ trợ ươm tạo. Chính điều này khiến các Startup rất khó để phát triển để trở thành một mô hình lớn trong tương lai.
Đổi mới sáng tạo giúp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường như giao thông, năng lượng và quản lý tài nguyên bền vững. Đà Nẵng cần phát triển các giải pháp đổi mới sáng tạo cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường. Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành điểm kết nối, thu hút nghiên cứu và phát triển các yếu tố đổi mới sáng tạo.
Để vượt qua những thách thức này, Phó Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng mạnh dạn đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm định hình Đà Nẵng trở thành điểm cầu quốc gia trong kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia.
Ông Chương nhấn mạnh cần tăng cường đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tập trung vào các lĩnh vực như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cùng với đó, Đà Nẵng cần đẩy mạnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như: Nâng cao nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, mở rộng mạng lưới đối tác.
“Đà Nẵng cần phát triển cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào các hoạt động như tổ chức các sự kiện, hoạt động kết nối, hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tổ chức và doanh nghiệp trong thành phố, Đà Nẵng có thể vượt qua những thách thức và trở thành điểm cầu quốc gia trong kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế”, ông Chương khẳng định.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Huế vận động thành lập Hội Nghiên cứu Văn hoá Việt - Nhật Phan Bội Châu
-
Phố cổ Gia Hội hấp dẫn hơn cả Kinh Thành: ‘Mê cung’ ẩm thực đường phố
-
Bài học cho thương hiệu du lịch ẩm thực từ vụ ngộ độc bánh mì Phượng
-
Festival Thu Hà Nội năm 2023: Không gian hội tụ tinh hoa văn hóa, ấm thực, du lịch Thủ đô