SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Phố cổ Gia Hội hấp dẫn hơn cả Kinh Thành: ‘Mê cung’ ẩm thực đường phố

11:34, 25/09/2023
Phố cổ Gia Hội quyến rũ bởi kiến trúc, cảnh quan và cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nơi đây từng được tác giả Louis Cholhod mô tả trong cuốn Huế - Điều kỳ bí: “Gia Hội hấp dẫn hơn cả kinh thành”.

Nằm giữa vùng ngã ba sông Hương và sông Đông Ba, tác giả Louis Cholhod cho rằng Gia Hội như hòn đảo chạy dọc theo phía đông Kinh Thành, là nơi đáng đến thăm bậc nhất khi đến Huế.

Theo Nguyễn Anh Huy – người được mệnh danh là “Ông Gia Hội” - cho hay: “Gia Hội hấp dẫn như vậy là ở vị trí, di tích cổ, sinh hoạt văn hóa dân gian và ẩm thực ở khu vực này chứa đựng nhiều điều thú vị”. 

Thế giới ẩm thực đường phố ở Gia Hội.

Gia Hội nay không còn 8 hàng lớn dọc sông như sách Đại Nam Nhất Thống Chí từng ghi “Duyên Giang bát hàng” kéo dài ba dặm lẻ, giữa có đường lớn, hai bên tả hữu phố, nhà ngói đối diện nhau. 

add98a290961dd3f8470 (1)

 Không còn sôi động như thời người Thanh, người Hoa hội về đây thành phố Tàu nhưng giờ đây, Chi Lăng vẫn trầm lặng bán buôn trăm thứ hàng trong đó, đặc sắc có các gian hàng ẩm thực.

Ban chiều, tai lắng nghe tiếng phở gõ lóc ca lóc cóc. Người cao niên đều nhớ trước năm 1975, phở gõ Ông Biên chiều chiều lại đẩy xe theo đường Trường Trạch đến 217 Chi Lăng, dưới cầu Gia Hội. Cứ thấy xe đẩy lên là bụng thực khách đã sôi réo cồn cào. “Tiếc rằng con gái ông Biên nối nghiệp bán phở ở rạp Hoàn Mỹ nhưng không biết sao lại lấy tên là Phở Đông. Tôi không phải nhà ẩm thực để nói ngon thế nào, chỉ biết rất đặc biệt”, ông Anh Huy tiếc nuối hoài niệm.

bc5bc5d8459791c9c886

 Phở Ông Biên nổi tiếng giờ đổi tên là Phở Đông, bảng hiệu khuất lấp ở Gia Hội.

Số 13 Chi Lăng có tiệm mì A La Ích Hiệp, có ông người Tàu vắt mì thành sợi nhỏ như sợi bún bằng tay. Thao tác nhanh nhồi bột, kéo bột, cho đến khi ra tô mỳ nóng hổi trông hấp dẫn từ trong chế biến. Tiệm mì vì thế từng đắt khách bởi sự khác biệt.

ab6e8acc0383d7dd8e92

 Trò chuyện với "Ông Gia Hội" Nguyễn Anh Huy về phố cổ Gia Hội.

Nói đến món ngon Cố đô Huế phải nói đến bún bò, người Huế nhớ nhất là bún mụ Rớt. Gánh bún không bảng hiệu nhưng từng đón cả trung tướng Cao Xuân Khánh đến ăn cho biết trong lần ông về thăm quê. "Đi tìm bún mụ Rớt" đã trở thành giai thoại.

Trong cuốn sách “Huế ăn hương mặc hoa”, bà Tiểu Kiều ghi chép vào những năm 60 – 70: “Xuống đường Chi Lăng, trước khi rẽ vào đường Ngự Viên, ngang qua Mã ông Trạng, lưng chùa Diệu Đế, bên phải có căn nhà nhỏ bán bún bò không đề bảng hiệu, không tiếp thị quảng cáo nhưng những tâm hồn ăn uống đồn nhau đến thưởng thức.

Bún bò mụ Rớt, người ăn sẽ được tận hưởng đầy đủ mùi vị hương sắc của một tô bún tuyệt vời “ăn ngậm mà nghe”. Mùi sả, ruốc, xương hầm, tiêu hành, nuớc mắm, chanh ớt… quyện vào nhau cho nồi bún ngào ngạt hương thơm và ngọt ngào đằm thắm là nét duyên thầm cho tô bún hấp dẫn lạ kỳ, để thương để nhớ cho bao người xa Huế”, bà Tiểu Kiều viết và còn gợi nó như niềm nhớ thương món ngon của mẹ hiền.

Quyến luyến chủ nhân tài hoa một thời vang tiếng nấu ăn ngon, dân gian lưu truyền các câu đố như: “Mụ chi nổi tiếng ầm ầm/ Chưa đi đã té, chưa cầm đã rơi/ Ngày nay mụ đã qua đời/ Mà trong thiên hạ lắm người mượn tên/ Nhất nghệ tinh nhất thân vinh/ Mấy ai bắt chước nấu nêm cho bằng”. Hay: “Mụ Rớt nổi tiếng ầm ầm/ Ngự Viên Gia Hội ai lầm được tên/ Tiếc thay số phận không bền/ Chu du tiên cảnh sống miền thiên thai/ Thế gian thương mụ nhiều tài/ Bún bò tên mụ ăn hoài chẳng no”.

dc51c66fb42760793936

Ngày nay bún bò Mụ Rớt ở số 9 Trần Hưng Đạo nhưng chủ nhân mới tên thật là Hoa, mới làm bún bò sau năm 1980 nay truyền lại cho con. Nói để thấy món ngon Gia Hội đã có tiếng đến độ có người bắt bước, ăn theo thương hiệu. 

Huế có món kẹo mè xửng nổi tiếng vang danh. Qua cầu Gia Hội đã thấy bảng hiệu Thiên Hương to đập vào mắt, thứ kẹo làm bằng mạch nha được kết dính ngọt ngào trong những chiếc mè xửng trứ danh là món quà cho du khách… nối dài danh mục ẩm thực Gia Hội.

Di sản đang ngủ yên

Gia Hội là tụ điểm của những món ăn đường phố hấp dẫn phục vụ các bữa sáng, bữa lỡ, bữa chiều tối, khuya… Cho thấy từ xưa, món ngon cung đình tiến Vua thì vùng phụ cận món bình dân, đầu bếp tinh hoa cũng được đưa đến đây phục vụ thương nhân, vương tôn, công tử...

Không chỉ những món ngon “một thời vang bóng”, Gia Hội còn đây những quán ăn ẩn mình trong lòng phố đặc biệt. Nguyễn Thị Kiều Trâm - người con gái sinh ra trên phố cổ Gia Hội làm du lịch hồ hởi làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi. Trâm tiết lộ: “Tôi tính lên chương trình phố cổ Chi Lăng cho khách Tây về thăm các hội quán kết hợp tour ẩm thực đường phố và 1 điểm làm nghề”.

Nếu bún mụ Rớt đã vang bóng thì bún mụ Kéo vẫn còn được con cái tiếp quản. Từ gánh rong vỉa hè hơn 70 năm trước, nay bà Kéo - chủ gánh bún đã 85 tuổi, con gái cụ vẫn giữ tên bún mụ Kéo, thuê một mặt bằng che nắng che mưa. Dù nay có quán, bún mụ Kéo vẫn chủ ý để lại chiếc gánh như biểu tượng nhớ tới thời mẹ tảo tần gánh bán bún nuôi con. Bún mụ Kéo mỗi ngày chỉ bán 2 tiếng, từ 7 - 9 giờ sáng, bao giờ thực khách cũng chọn dùng điểm tâm ngồi kín chỗ; hay quán bún bò cơm nguội ở đường Trịnh Công Sơn đã ở đó đến ngót 30 năm.

DSC09397

 Những món ăn đã ghi dấu Gia Hội liêu xiêu trong góc phố.

Ngay số 3 Trịnh Công Sơn có quán bánh canh cua O Bướm múc không mỏi tay làm bằng bột gạo, nước ngọt vì nấu từ con rạm. Khách về Huế ăn tối, ăn khuya đến bánh canh O Bướm để thưởng thức cảnh ăn uống rổn rảng, chan chan, húp húp sột soạt. “Ngày nhiều 10 nồi, hết nồi này nấu nồi khác chở tới. Bán từ 4 rưỡi chiều đến 2 giờ sáng”, O Bướm niềm nở khách lại càng vui càng đến.

Trâm cho chúng tôi một danh mục dài món ăn đậm đà hương vị Huế. Ấy là bún Giấm Nuốc ngay cầu Gia Hội (bán từ buổi chiều). “Món này rất lạ có từ thời ông bà của tôi. Đây là nơi đầu tiên bán ở Huế, đến giờ vẫn rất đông khách”, Trâm chia sẻ.

Thổ địa chỉ đường, Trâm kể ra loạt tên thân thuộc. Đó là bánh mì Đông Ba (số 100 đường Chi Lăng) vẫn giữ nguyên vị đậm đà thấm tháp của bánh mì truyền thống Huế; hay quán bánh ép O Xí (số 18 Mạc Đĩnh Chi) nổi tiếng vì giữ nguyên vị truyền thống và phong cách bán xưa nhất.

“Nhiều người gọi là bánh ép Đợi đó. Bình thường ăn bánh ép tầm 15 - 30 phút là xong nhưng quán này ngồi chờ có khi 45 phút đến 1 tiếng nhưng khách vẫn vui vẻ vì ăn bánh ép hương vị độc nhất”, Trâm giới thiệu.

5ab56ab6c0fe14a04def (1)

 Nhà hàng Bà Đỏ bánh bèo, nậm, lọc... trứ danh Gia Hội.

Bánh bèo, nậm, lọc Huế có nhiều quán không đếm xuể nhưng Gia Hội có nhiều quán có tiếng như quán Tranh, bán từ lâu đời. Tranh gần quán Bà Đỏ nhưng Bà Đỏ giờ quá đắt đỏ và nổi tiếng, nên với dân địa phương quán Tranh lại được chuộng hơn.

Thưởng thức ẩm thực là thú vui trong những hành trình du lịch Huế, nơi được xem như kinh đô ẩm thực. Trong một nghiên cứu, thạc sĩ Bạch Thị Thu Hà – Bộ môn Du lịch học, Đại học Huế - cho rằng: “Nếu các di tích là “lời mời di sản” thì đặc sản ẩm thực khu phố cổ Chi Lăng – Gia Hội lại hấp dẫn du khách đến nao lòng”. Dù vậy thực tế có những địa chỉ chưa đủ điều kiện để có thể đón khách nước ngoài bởi tính chất “hàng rong” trong cung cách phục vụ.

Theo giáo sư Thái Kim Lan: “Gia Hội xưa không nhiều hàng quán ẩm thực như bây giờ”. Giáo sư nhấn mạnh cần thiết lập trật tự, dung dị nhưng toát lên được vẻ đẹp Huế ở sự tinh tế trong chế tác, trình bày dù đó là ở trong cung đình hay lề phố vì đó là sự khác biệt của ẩm thực Huế với nơi khác.

Gợi ý để đưa Huế trở thành thành phố sáng tạo về ẩm thực, TS Nguyễn Thị Tâm Hạnh – Phân viện Viện Văn hóa Nghệ Thuật quốc gia Việt Nam tại Huế - cho rằng: Huế có những yếu tố lợi thế như công thức bí quyết nấu nướng, nghệ nhân, gia đình truyền thống. Và yếu tố này có thể nhìn thấy bên ngoài những món “cơm Vua cháo Chúa” còn có ẩm thực dân gian mà Gia Hội là một phần tiêu biểu.

2b4b9066502e8470dd3f

 Bánh canh O Bướm số 3 đường Trịnh Công Sơn,

Theo tiến sĩ, kiến trúc sư Đặng Minh Nam - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế: “Không gian đường phố Bạch Đằng có những đặc điểm riêng so với đường Chi Lăng. Nhiều công trình cổ vẫn còn tồn tại trên tuyến phố sẽ là không gian thích hợp để tổ chức các hoạt động thưởng thức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của Huế trong không gian Gia Hội”.

Ông Nam cũng đề xuất mô hình tổ chức hoạt động không gian trục đường Bạch Đằng với thời gian hoạt động từ 19 - 23 giờ vào các ngày trong tuần, từ đầu cầu Gia Hội đến đường Diệu Đế. Cùng với đó là sắp xếp không gian bên trong công trình đăng ký kinh doanh ẩm thực, nhà hàng với số lượng bàn ghế được đăng ký với ban quản lý.

DSC09324

 TS. KTS Đặng Minh Nam.

Không gian vỉa hè phía bờ sông Đông Ba cần chỉnh trang lại để tổ chức hoạt động ẩm thực, bố trí các không gian ẩm thực trên vỉa hè với quy định diện tích, xe bán thức ăn.

Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, Chi Lăng mới là nơi ẩm thực đường phố có từ lâu đời, phát triển sôi động và phong phú. Trong khi Bạch Đằng nên là nơi diễn ra các hoạt động giao thương về các mặt hàng rất Huế như: Áo dài, tranh thêu, biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

“Ông Gia Hội” Nguyễn Anh Huy cho biết đang viết cuốn sách về Gia Hội, trong đó 250 trang sách cũng chỉ mới “đi ngoài đường” Gia Hội, bởi càng tìm hiểu càng phát hiện có những góc còn ít người biết. Theo thông tin đó, chúng tôi tiếp tục khám phá và tiếp tục ngạc nhiên về một “Gia Hội hấp dẫn hơn cả Kinh thành Huế” đang ngủ yên ở dạng tiềm năng.

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 13 giờ trước
(SHTT) - Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng với danh xưng “cái nôi của dân ca quan họ” mà còn được nhiều người biết đến bởi một món quà quê hết sức bình dị, thắm đượm hương vị thảo thơm của vùng quê Kinh Bắc – Đó là Bánh khúc làng Diềm.
Giải trí 14 giờ trước
Định hướng Festival 4 mùa, Thừa Thiên Huế tổ chức hàng loạt lễ hội khiến du lịch sôi động từ núi xuống biển. Huế thể hiện sức hút du lịch từ tài nguyên thiên nhiên và lối sống tao nhã giàu bản sắc riêng.
Giải trí 19 giờ trước
(SHTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, vịnh Hạ Long tiếp tục là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nem là một món ăn được nhiều người ưa chuộng, trở thành một phần không thể thiếu trong ẩm thực đất Việt. Với hương vị bùi bùi, béo béo, thơm lừng, nem Bùi xuất xứ ở làng Bùi (xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã góp phần tạo nên bức tranh ẩm thực Kinh Bắc đầy màu sắc.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Với lịch sử hơn 700 năm Phù Lãng hiện lên âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ. Đặc trưng của gốm Phù Lãng ấy là gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.