SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Chàng họa sĩ miệt mài sáng tạo nhiều 'diện mạo' cho sơn mài bằng vỏ trứng

15:49, 11/08/2023
Dù biết khó khăn song Hoàng Ngọc Lượm (SN 1983, quê Thủy Bằng, TX Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) vẫn một mực theo đuổi đam mê tranh sơn mài và không ngừng sáng tạo để tìm cái mới từ những điều quen thuộc.

Đặc biệt với tranh sơn mài lấy vỏ trứng làm chất liệu, chàng họa sĩ trẻ làm ra nhiều sản phẩm mỹ thuật ứng dụng độc, lạ và thẩm mỹ.

Cô độc hơn đi tu để rèn tay nghề

Đầu tháng 8, trong một con hẻm ở khu phố Tây thuộc TP Huế, nắng vẫn gay gắt luồn rọi qua những bức tường treo đầy tranh sơn mài trong studio Hoàng Ngọc Lượm (số 19/42 đường Nguyễn Công Trứ). Trong xưởng vẽ nhỏ, tôi được ngắm những bức tranh đượm hình ảnh làng quê xứ Huế, những chiếc gương soi, mũ bảo hiểm, vòng tay, hộp bút… Nắng hắt vào làm nổi lên những gam màu trầm khác biệt khiến tranh sơn mài của Hoàng Ngọc Lượm trở nên tươi mát.

Lượm sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy). Năm 2002, vì yêu thích, Lượm “tầm sư học đạo” hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Lương Thị Ánh Tuyết - nguyên là giảng viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. “Nhiều bạn học vẽ sơn mài nhưng bỏ dở hoặc ra không theo nghề vì nghề này vất vả, nhưng tôi càng thấy khó, càng đòi hỏi nhiều kỹ thuật lại càng thích”, Lượm tâm tình.

DSC06209

Họa sĩ Hoàng Ngọc Lượm tại studio mang tên mình địa chỉ 19/42 đường Nguyễn Công Trứ (TP Huế).

Người theo nghề cần sự kiên nhẫn và kỷ luật cao độ. “Tôi thích làm việc một mình và may mắn nghề tôi chọn cũng là nghề phải luôn luôn làm việc một mình. Đôi lúc, học ở đó còn cô độc hơn đi tu, tôi một mình với sơn mài trong không gian hơn 6000m2 suốt 10 năm trời. Ban đầu có lúc bán các tác phẩm khó quá, tôi cũng nghỉ đi làm non bộ nửa năm nhưng có tiền, tôi lại tiếp tục mua chất liệu để trở lại với sơn mài”, Lượm cười hiền và tâm sự.

Ai cũng biết Huế từ xưa có những ngôi làng nổi tiếng với tranh sơn mài. Sơn mài có mặt khắp trên các đình chùa, đền đài lăng tẩm, cung điện; từ trên hoành phi, câu đối, đáp, hộp, kiệu võng, án thư, sạp tử sơn mài tô điểm trang trọng với những màu sắc lộng lẫy. Sơn mài truyền thống Huế có sơn quang, sơn son thếp vàng và sơn mài đắp nổi. Sơn mài từng có thời gian phát triển mạnh ở Huế nhưng nay vì khó mà nhiều người trẻ không mặn mà.

DSC06200

 Tranh sơn mài của Hoàng Ngọc Lượm, các thân, cành cây được cẩn trứng vô cùng tỉ mỉ.

Vẻ đẹp nghệ thuật sơn mài phải nói đến độ sâu của màu, từng lớp sơn được tạo ra và ẩn ở đáy vóc. Cách tạo màu, chất liệu và kỹ thuật vẽ chồng lên nhau, càng mài càng bóng mượt, màu sắc ẩn hiện tinh tế. Gam màu chủ đạo trong tranh sơn mài gắn liền với màu cánh dán, đỏ, đen, màu của vàng, bạc nguyên chất dưới dạng bột hay được dát mỏng thành lá. Sau này để tăng thêm sắc độ, các màu xanh, xám, trắng vỏ trứng, hồng vỏ cua, vỏ trai, vỏ ốc mới được ít nhiều sử dụng.

Ít ai biết, trong kỹ thuật làm sơn ta, chất liệu chính là sơn sống được lấy từ cây sơn của vùng Phú Thọ. Để chế ra các màu, người thợ phải đánh sơn, người làm không quen bị phù mặt, ăn tay, trong khi mỗi màu sắc đều phải pha chế với tỷ lệ vừa phải rất công phu.

DSC06136

 Vỏ trứng vịt trở thành chất liệu sáng tác linh hoạt và đa dạng trong tác phẩm của chàng họa sĩ trẻ.

“Lúc đầu mới học, da tôi thường tiếp xúc với sơn mài thường bị dị ứng, rất ngứa… làm mấy năm rồi cũng quen. Nhiều người bị dị ứng họ liền bỏ nghề nhưng tôi thích rồi thì cứ thế làm”, Lượm cho biết dị ứng chỉ là thử thách đầu tiên về lòng kiên nhẫn khi đến với nghề.

Vẽ sơn mài với chất liệu vỏ trứng vịt, Lượm cũng chỉ là hậu bối được thầy cô dạy. Từ chỗ đưa từng mảnh ghép vỏ trứng vịt vụn lên tranh ít chi tiết, rồi nâng cấp độ khó lên nhiều chi tiết là một quá trình đầy kiên nhẫn. Để rồi từ đó, khi vững tay nghề, Lượm thoải mái sáng tạo với sơn mài và vỏ trứng vịt.

Khát khao tạo nên địa hạt sáng tạo riêng

Ngồi vào bàn vẽ, chàng họa sĩ chỉ cho chúng tôi những vỏ trứng vịt trắng và vỏ trứng vịt đã nướng để lên màu. Theo Hoàng Ngọc Lượm, vỏ trứng vịt dùng để vẽ sơn mài là loại trứng đã ấp nở, khi đó lớp vỏ lụa bên trong dễ dàng tách ra nên thường phải xuống tận vùng đầm phá Quảng Điền để lấy. Tranh càng nhiều chi tiết nhỏ, việc ghép vỏ trứng càng kỳ công.

Một tác phẩm nghệ thuật sơn mài ra đời phải mất hàng tháng trời, những vật dụng đơn giản cũng có thể mất 10 – 15 ngày. Người họa sĩ phải sơn và mài đi mài lại từ 5 -7 lần sau khi vẽ chồng hoặc tráng lên những lớp sơn. Từ đó, mài xuống để bức tranh hoàn thành ở tầng sâu nhất. Lượm tiếp nối sức sống của sơn mài để cách tân đề tài, mẫu mã, công năng, táo bạo trong thực hiện ý tưởng phục vụ đời sống hiện đại.

DSC06163

Những món quà lưu niệm cá tính từ sơn mài và vỏ trứng do Hoàng Ngọc Lượm sáng tạo.

Năm 2017, với sự hỗ trợ của thầy Huy và cô Tuyết, lần đầu tiên Hoàng Ngọc Lượm tham gia triển lãm với chủ đề “Địa đàng”. Lượm mang đến trưng bày tại Viện Văn hóa Pháp ở số 1 Lê Hồng Phong (TP Huế) 37 thiết kế, hội họa kết hợp sơn mài với vỏ trứng đầu tay. “Tác phẩm nào được chọn mua sẽ được ghim lên một bông hoa. Lúc đó, tôi có hai tác phẩm gương soi và khay đựng mứt được ghim hoa. Mỗi tác phẩm có giá từ 10 triệu đồng. 10 triệu đồng đầu tiên của sự nghiệp khiến tôi rất vui”, Lượm kể.

Khi đã làm chủ được chất liệu, am hiểu về kỹ thuật, năm 2018, Lượm chính thức ra làm riêng ở đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. 10 năm học nghề, Lượm cũng tích lũy nhiều tác phẩm để mang ra trưng bày. Không phải ai cũng hiểu được công việc chàng họa sĩ trẻ bỏ công sức để làm, nhưng từ điểm vui chơi công cộng ấy, những đồ gia dụng từ sơn mài kết hợp vỏ trứng đã giúp Lượm được biết đến nhiều hơn.

DSC06189

Một góc tác phẩm sơn mài tại studio Hoàng Ngọc Lượm.

“Người đã giúp tôi trong việc tạo ra những đôi giày Xưa khác biệt với sơn mài là ông Hoàng Ngọc Lượm. Không chỉ như vậy, Lượm còn có nhiều ý tưởng khác như tạo ra những tác phẩm sơn mài mang tính ứng dụng cao”, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh - chủ thương hiệu giày Xưa - là người đã khuyên chúng tôi hãy một lần đến thăm studio của Lượm.

Từng bước mày mò, Lượm cộng tác với giày Xưa, gia công sơn mài trên giày cho các nhà mốt nổi tiếng thế giới. Lượm thử sức mình sáng tác bên cạnh tranh sơn mài, hộp mứt, vá trên gỗ truyền thống còn mạnh dạn làm thử trên nhựa, trên mũ bảo hiểm, hộp bút, vòng tay, ấm trà, gương soi… Qua bàn tay khéo léo của Lượm, mỗi đồ vật có ngôn ngữ mỹ thuật làm sang trọng thêm những không gian nội thất trưng bày. Đợi hoàn thiện một bức tranh sơn mài mất vài tháng, có khi cả năm, nghệ sĩ trẻ nhiều lúc chùn chân nhưng Lượm lại xem đó là một khoảng nghỉ, là thời gian lên một ý tưởng mới. Cứ vậy, ý tưởng nối tiếp ý tưởng, luôn hấp dẫn và độc đáo.

DSC06195

 Việc sắp xếp những mảnh ghép từ trứng vỏ vịt là một nghệ thuật cần lòng kiên nhẫn.

“Nếu như vẽ tranh sơn dầu hay các dòng tranh khác họa sĩ có thể dễ dàng chọn màu sắc thì quá trình lên màu của sơn mài là quá trình sáng tạo, tự nhiên và ngẫu nhiên. Đôi khi hiện ra màu sắc đẹp hơn cả tưởng tượng sau khi mài. Mỗi bức tranh, đồ vật làm đều khác, không trùng nhau. Tôi không sao chép lại, mỗi cái lại dùng một kỹ thuật khác tạo ra những tác phẩm độc bản”, Lượm nói.

Những thân cây vỏ trứng, những dòng sông lấp lánh vỏ trứng được tán ra, tỉ mỉ và chi tiết là sự kiên trì và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của chàng trai trẻ trên con đường theo đuổi cái đẹp. Đặc biệt sơn mài của Lượm có màu trầm, nhìn kỹ sẽ thấy có một Huế u hoài với những mảng xanh đầy nhựa sống bao bọc không gian làng quê.

DSC06224

 Mỗi công đoạn làm tranh sơn mài kết hợp vỏ trứng đều đòi hỏi kỹ thuật và thẩm mỹ.

Sau một thời gian đưa tranh về cầu ngói Thanh Toàn, đầu năm 2023, Hoàng Ngọc Lượm quyết định đưa studio về đường Nguyễn Công Trứ với mong muốn để nhiều du khách biết đến tranh của mình. Hiện tranh sơn mài khổ nhỏ của Hoàng Ngọc Lượm có giá thấp nhất 200.000 VNĐ, các vật gia dụng giá từ 100.000 VNĐ đến hàng chục triệu đồng rất dễ để trở thành món quà lưu niệm cho du khách.

DSC06243

 Chiếc mũ bảo hiểm cá tính với họa tiết từ sơn mài.

Không hứng thú với kinh doanh nhưng điều Lượm muốn mang đến chính là nhiều người biết đến sơn mài. Dường như chàng họa sĩ trẻ đang thong dong bước về phía trước với lửa nghề còn ấp ủ và lòng ham học tập không nghỉ qua mỗi tác phẩm.

“Tôi cũng có ý định đón khách đến trải nghiệm làm sơn mài nhưng phải chọn những vật dụng đơn giản để khách có thể làm trong một buổi và mang về được, bởi vì thường làm sơn mài sẽ rất lâu”, mắt cười, Lượm nói về tương lai.

Bảo Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 11 phút trước
(SHTT) - Mới đây, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 45 triệu đồng và tịch thu 1.600 sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Công ty dược phẩm Acuitas Therapeutics và công ty CureVac vừa giải quyết vụ kiện đòi được công nhận là người phát minh từ phía Acuitas trong các liên quan đến vắc xin COVID-19.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
(SHTT) - Công ty CP Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên về lĩnh vực công nghệ nano ứng dụng trong y dược, thủy sản, chăn nuôi, mỹ phẩm. Với những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và phát triển, OIC NEW đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế của mình.
Tài sản trí tuệ 22 giờ trước
Liên tục sai phạm trong lĩnh vực y tế, Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế - Mega Gangnam bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 53 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 22 giờ trước
Cục Sở hữu trí tuệ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích và Đệm bàng Phò Trạch.