Đà Nẵng: Từ cuốn giáo trình gây xôn xao nghĩ về cái giá của liêm chính học thuật
Có phải cái giá phải trả cho vi phạm liêm chính học thuật còn quá rẻ nên người ta bất chấp? Lẽ ra phải làm gương cho sinh viên thì những người đang làm thầy lại “giúp” nhau gian lận.
Cuốn giáo trình “thị phi” đó là “Hệ thống điện - điện tử động cơ và ô tô” (sau đó được đổi tên thành: “Hệ thống điện và điện tử trên ô tô”) của tiến sĩ P.Q.T - trưởng Khoa C.K.G.T, Trường ĐHBK - Đại học Đà Nẵng.
Những chuyện lạ của một cuốn giáo trình
Nghe Trường ĐHBK phổ biến việc khuyến khích biên soạn, xuất bản giáo trình Bộ môn Ô tô và Máy động lực, khi chuẩn bị bắt tay vào làm thì một số giảng viên phát hiện có một cuốn giáo trình đã được ông P.Q.T – Trưởng Khoa C.K.G.T biên soạn và xuất bản từ 2 năm trước mà trong bộ môn không ai hay về sự tồn tại của nó.
Từ đó, những biên bản đánh giá, nhận xét đề cương/bản thảo giáo trình “tự biên tự diễn” được lập khống để qua mặt nhiều người mới lòi ra.
Biên soạn giáo trình kỹ thuật là một công việc khó khăn vì đòi hỏi về chuyên môn, tính cập nhật và nhiều vấn đề khác. Thâm niên 40 năm dạy ở trường (1982 – 2022) thầy giáo Tiến sĩ L.V.T cùng các giảng viên trong Bộ môn Ô tô và máy động lực rất hiểu điều này.
Đi tìm câu trả lời về trình tự xuất bản giáo trình bất thường đó, thầy L.V.T mới ngỡ ngàng trước việc Hội đồng đánh giá/nhận xét của Bộ môn có tên mình, trong một “cuộc họp trên giấy” để đánh giá về đề cương/bản thảo giáo trình. Thế nhưng, thầy L.V.T nào biết nó dày, mỏng thế nào; lượng và chất ra sao.
Không chọn cách im lặng, lão giáo về hưu làm đơn tố cáo gửi từ Trường ĐHBK đến Đại học Đà Nẵng, ra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh Tra Chính phủ vì bốn chữ “liêm chính học thuật” mà ông coi trọng.
Ngày 9/6/2022, thư phản ánh của thầy L.V.T được trường thụ lý.
“Từ ngày ông P.Q.T làm hồ sơ xuất bản giáo trình trở về trước. Tôi và nhiều giảng viên giảng dạy cùng bộ môn chưa có bất kỳ một phiên họp nào để xem xét và biểu quyết thông qua các nội dung liên quan đến cuốn giáo trình mà ông P.Q.T kê khai trong hồ sơ”, đơn phản ánh viết.
Đơn phản ánh đồng thời đặt ra những câu hỏi: “Hai biên bản họp Bộ môn Ô tô và Máy động lực về việc đánh giá đề cương và bản thảo giáo trình ở đâu ra? 5 nhận xét của giảng viên trong bộ môn, ai tham gia nhận xét để có biên bản? Đặc biệt, Hội đồng Khoa có tham gia thông qua các nội dung ở trên không?”.
Ngày 11/10/2022, Trường ĐHBK ban hành kết luận nội dung tố cáo đối với ông P.Q.T – trưởng Khoa C.K.G.T và phúc đáp những nghi vấn một số điểm bất thường trong hồ sơ xuất bản giáo trình.
Sau thời gian thanh tra, Trường ĐHBK đưa ra những kết quả xác minh về việc có tồn tại 2 biên bản họp Bộ môn Ô tô và Máy động lực (do PGS.TS D.V.D làm Trưởng Bộ môn) vào hai ngày 4/3/2020 và 5/5/2020. Tuy nhiên, Bộ môn thực ra không tổ chức 2 cuộc họp nói trên để đánh giá đề cương giáo trình “Hệ thống Điện – Điện tử động cơ trên ô tô”.
Không tổ chức họp, ông D.V.D tham gia với vai trò Trưởng Bộ môn vẫn là “người chủ trì cuộc họp trên giấy”, bà V.H.T tham dự cuộc họp với vai trò là “thư ký trên giấy”.
Không tổ chức họp, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, Trường ĐHBK kết luận “2 biên bản họp đánh giá đề cương và bản thảo giáo trình là 2 biên bản được lập khống, không có giá trị pháp lý để làm căn cứ đề nghị Trường xét, công nhận giáo trình vì: Thực tế Bộ môn Ô tô và Máy động lực không tổ chức họp”.
Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, đối chất, vẫn chưa xác định ai là người soạn thảo ra nội dung 2 biên bản khống trên.
Xử lý thế nào khi người gian lận là thầy?
“Tại sao ông P.Q.T sẵn sàng bấp chấp lương tri và đạo đức nhà giáo để làm điều đó? Và tại sao ông lại im lặng dùng giáo trình cũ khi bản thân đã soạn giáo trình mới?”, thầy giáo L.V.T đặt câu hỏi.
Phần kết luận của thanh tra giải đáp bất thường trong quy trình xuất bản giáo trình là do những gian lận trong hồ sơ.
Nhận được thông tin kết luận điều tra, Giám đốc Đại học Đà Nẵng - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - yêu cầu hiệu trưởng Trường ĐHBK: Phòng Đào tạo tổ chức rà soát, thực hiện lại việc đánh giá, thẩm định và công nhận giáo trình của ông P.Q.T; tổ chức rà soát, điều chỉnh Quy định cho phù hợp với Thông tư 03/2011/TT/BGDĐT và tình hình thực tế tại đơn vị, đặc biệt là thẩm quyền đánh giá đề cương chi tiết giáo trình môn học.
Đồng thời, công văn của Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với vị “chủ trì cuộc họp giấy” là ông D.V.D và “thư ký cuộc họp giấy” là bà V.H.T. Tổ chức kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với ông P.Q.T trong việc thực hiện nhiệm vụ với vai trò là cán bộ quản lý Khoa; với vai trò là giảng viên biên soạn giáo trình.
Tuy nhiên, qua trao đổi với Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, đại diện Ban Thanh tra – Pháp chế Trường ĐHBK cùng Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hội đồng xét kỷ luật của trường xét thầy PGS.TS D.V.D có hành vi vi phạm đến mức phải có hình thức kỷ luật, đề nghị hình thức khiển trách. Tuy nhiên, căn cứ vào thời điểm xử lý kỷ luật đối với viên chức bị hình thức khiển trách có thời gian xử lý 24 tháng. Tại thời điểm phát hiện ra hành vi đó đã qua 24 tháng rồi nên không tiến hành xử lý kỷ luật, chỉ kiểm điểm tại đơn vị (?).
Đối với thầy P.Q.T, Hội đồng xét thấy có vi phạm và đề nghị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, khi ra họp hội đồng xử lý kỷ luật, phân tích yếu tố cũng như nhận định việc sai sót đó không có ảnh hưởng (!?), Hội đồng xử lý kỷ luật lại xem xét, đề nghị bỏ phiếu và không tiến hành xử lý kỷ luật (?).
Trường hợp đối với bà V.H.T và viên chức N.Q.T (Phó Trưởng khoa, Phó Bí thư Chi bộ Khoa C.K.G.T), khi họp hội đồng xét kỷ luật, bỏ phiếu, nhận thấy có vi phạm nhưng không đến mức phải xử lý kỷ luật và đề nghị tiến hành kiểm điểm tại đơn vị.
“Nhà trường cho rằng sau vụ việc này, không chỉ những người liên quan đến việc gian lận hồ sơ xuất bản giáo trình mà anh em trong trường cũng rút bài học sâu sắc để tự chỉn chu, đường hoàng. Trước đó, họ không hiểu được sâu sắc vấn đề, nghĩ đơn giản ký vào cũng được…”, hiệu trưởng N.H.H của Trường ĐHBK cho biết.
Ngoài ra, sắp tới nhà trường sẽ xem xét đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các công chức, viên chức có liên quan trong năm học 2022 – 2023 và có kết quả trong thời gian tới.
Theo lãnh đạo nhà trường và thành viên Ban Thanh tra – Pháp chế: “Hiện nay, nhà trường đã ban hành quy định về liêm chính học thuật. Liêm chính học thuật được xem là giá trị văn hóa cốt lõi của nhà trường.
Giờ ai xuất bản một bài báo khoa học, một giáo trình… những người trong giới nghiên cứu đều soi rất kỹ. Ngay cả sinh viên gian lận, sử dụng tài liệu bất hợp pháp trong phòng thi cũng bị đình chỉ học 6 tháng. Những người có học hàm học vị có thể mất chức danh. Cái giá phải trả nếu vi phạm là rất đắt nên họ cũng sợ”.
Cái giá phải trả với một sinh viên gian lận sử dụng tài liệu thi trái phép là bị đình chỉ nửa năm học. Vậy mà, thầy gian lận, ký khống các giấy tờ trong hồ sơ xuất bản giáo trình lại chỉ là kiểm điểm.
Ông giáo L.V.T cho rằng đó là cái giá quá rẻ để đủ sức răn đe. Khi mà liêm chính học thuật bây giờ cứ phải đợi “người ta trông vào” soi xét mới sợ, bị phát hiện cũng chỉ nhắc nhau rồi cho qua.
Cuốn giáo trình có gì lạ mà xôn xao được dư luận đặt nhiều câu hỏi đến đây chưa kết thúc, Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả trong phần tiếp theo.
Bảo Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Đà Nẵng: Hội thảo tập huấn 'Thay đổi tầm nhìn - Tiên phong nhà máy số'
-
Đà Nẵng có thêm cầu đi bộ độc đáo lấy cảm hứng từ sóng biển
-
Đà Nẵng: Trung cấp chuyên nghiệp Ý Việt tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp
-
Đại học Sư phạm Đà Nẵng tạm dừng tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh