HĐND các tỉnh, thành phố: Chủ động thích ứng, tích cực đổi mới, sáng tạo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nhấn mạnh, hoạt động của Quốc hội khóa XV và HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 đã trải qua hơn nửa chặng đường. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới, đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND. Đồng thời, HĐND cũng có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của từng địa phương và cả nước.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, có 60 kiến nghị, đề xuất gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đến nay, các cơ quan khối Quốc hội, Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng đã xem xét trả lời 44 kiến nghị (đạt 73,3%), các kiến nghị, đề xuất còn lại, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, triển khai Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, nhiều hoạt động đã được thực hiện như: xem xét báo cáo hoạt động của HĐND tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; mời đại diện Thường trực HĐND tham gia Ban soạn thảo các dự án luật, nghị quyết, dự khán một số nội dung quan trọng tại các kỳ họp Quốc hội.
Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 nêu rõ: Trong năm qua, HĐND cấp tỉnh cả nước đã tổ chức 357 kỳ họp, trong đó có 130 kỳ họp thường lệ, 154 kỳ họp chuyên đề và 73 kỳ họp đột xuất, kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng, cấp bách, thực hiện các chủ trương mới của Trung ương, đáp ứng cao nhất nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của cử tri và nhân dân. Ban hành 6.377 nghị quyết, tăng 504 nghị quyết so với năm 2022. Chất lượng các nghị quyết được nâng lên, công tác tổ chức thực hiện nghị quyết được quan tâm thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, góp phần phát huy hiệu quả trong thực tiễn, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu cơ bản bảo đảm thực chất, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh cũng được thực hiện đúng quy định của luật và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một số địa phương đã sáng tạo, xây dựng đề án đề ra tiêu chí, số lượng, làm căn cứ, cơ sở định hướng cho hoạt động giám sát của HĐND. Hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban HĐND ở nhiều địa phương được chuẩn bị từ sớm, từ xa; tổ chức ngày càng bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tiễn địa phương, đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua đó, các kiến nghị được xử lý đạt tỷ lệ 72,44%; số lượng khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 giảm 2.038 vụ so với năm 2022. Hoạt động tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được thực hiện tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua theo dõi thực tiễn và qua báo cáo của HĐND các tỉnh, thành phố, hoạt động của HĐND ở một số nơi còn có những hạn chế về chất lượng các kỳ họp; chưa có biện pháp kiên quyết, hữu hiệu, thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung kiến nghị sau giám sát; việc tổng hợp, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri ở một số địa phương còn chậm. Cùng với đó, công tác chỉ đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Cũng tại Hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ với những kết quả khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong thành tựu chung đó, có vai trò quan trọng của các cơ quan dân cử.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong bối cảnh tình hình thế giới bất định và khó lường.
Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, tích cực đổi mới, sáng tạo để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND, tạo đột phá hơn nữa để các địa phương phát triển nhanh và bền vững, chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Cụ thể, HĐND các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm túc, thể chế hóa đồng bộ, giám sát quyết liệt, thực hiện hiệu quả, thực chất Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; 6 nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và các quy định của pháp luật đảm bảo đồng bộ và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò trung tâm của đại biểu HĐND trên tất cả các mặt công tác để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND như: nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp, công tác thẩm tra và việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm các chính sách được ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi, dự báo cao, đồng thời xử lý kịp thời các vấn đề bất cập của địa phương.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển, góp phần xứng đáng xây dựng và phát triển chung của đất nước, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Trong đó lưu ý tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nhất là đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
PV