Hà Nội tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước mùa nắng nóng
Để bảo đảm nhu cầu nước sạch, trong dịp hè 2023 của nhân dân Thủ đô, Sở Xây dựng Hà Nội đã dự báo, lên phương án phân bổ, điều tiết nguồn nước, bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu sử dụng, cũng như khả năng tiếp cận nguồn nước của từng khu vực. Đồng thời, Sở đã đề nghị các đơn vị cấp nước thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ đường ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có, nhằm cấp nước ổn định trong thời gian nhanh nhất...
Trường hợp khi có sự cố vỡ đường ống hoặc giảm áp lực, thiếu nguồn từ Nhà máy Nước sạch sông Đà, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thời gian sửa chữa không kéo dài quá 10 giờ/điểm vỡ.
Các đơn vị cung cấp nước sạch cũng xây dựng phương án khai thác nguồn cấp dự phòng, phối hợp điều tiết bổ sung nguồn cấp để cung cấp nước cho nhân dân nhanh nhất.
Để hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng có thể xảy ra, Sở Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch bảo đảm duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất khoảng 1.370.000 - 1.530.000m3/ngày đêm. Đồng thời, bổ sung các giải pháp kỹ thuật cần thiết và vận hành nhà máy với công suất ngày cao nhất theo thiết kế, vận hành điều tiết hệ thống mạng lưới đáp ứng nguồn cung cho các khách hàng trong phạm vi dự án trong thời gian cao điểm.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong, trong thời gian này, Công ty CP Viwaco sẽ phối hợp với Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà điều tiết, sử dụng nguồn nước sạch 30.000m3 từ bể chứa trạm điều tiết Tây Mỗ để cấp nước cho các khu vực.
Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước mặt sông Đuống điều tiết, sử dụng tối đa nguồn nước sạch sông Đuống cho đơn vị tại các điểm kết nối hỗ trợ cấp nước giữa các đơn vị nhằm đảm bảo việc cấp nước.
Ngoài ra, các giải pháp lâu dài được tính đến là khẩn trương hoàn thành công tác nghiệm thu đưa tuyến truyền dẫn nước sạch số 2 sông Đà vào sử dụng; điều chỉnh quy trình vận hành, tăng công suất nhà máy nước mặt sông Đuống; đôn đốc khẩn trương hoàn thành nhà máy nước mặt sông Hồng vào vận hành...
Hiện, vẫn còn khoảng 15% người dân khu vực nông thôn Hà Nội chưa được tiếp cận nước sạch, nhiều xã chưa có nước sạch đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện dự án, thậm chí nhiều xã chưa có nhà đầu tư...
Để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch, các cơ quan chức năng có những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước được tính đúng, tính đủ các chi phí và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…
Về phía đơn vị cấp nước, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội đang quản lý, cung cấp nước sạch cho 15 quận, huyện (trong đó phần lớn là các quận nội đô), với tổng dân số được cấp nước khoảng 3,6 triệu người. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng thông tin, để bảo đảm nguồn nước cấp trên địa bàn quản lý, Công ty đã xây dựng giải pháp, gồm duy trì tối đa năng lực sản xuất của các nhà máy nước, đặc biệt là Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì (công suất 150.000m3/ngày - đêm); sẵn sàng khai thác tăng cường nguồn nước ngầm dự phòng tại các nhà máy, trạm sản xuất để bổ sung nguồn khi nắng nóng và nhu cầu dùng nước tăng cao; phối hợp với Nhà máy Nước mặt sông Đuống, sông Đà xây dựng kế hoạch chi tiết tiếp nhận nguồn nước, dự kiến khoảng 100.000-120.000m3/ngày - đêm. Đồng thời, ông Trần Quốc Hùng cho hay, đơn vị đã chủ động cải tạo mạng lưới cấp nước khu vực, chống thất thoát, thất thu, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước. Công ty cũng thiết lập tổng đài chăm sóc khách hàng hoạt động tự động và liên kết với các số trực của các đơn vị kinh doanh nước sạch để tiếp nhận thông tin, xử lý sự cố...
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Nhà mái thái 1 tầng 4 phòng ngủ đẹp
- Cách khắc phục điều hòa bị đóng đá hopphat.com