Hà Nội: Chú trọng chính sách phát triển, để làng nghề không mai một
Hà Nội được đánh giá là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.
UBND TP Hà Nội cũng vừa có quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Theo quyết định, có 14 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.
Trong đó, có 3 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”: Làng nghề mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì; làng nghề mộc Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ; làng nghề cắt may làng Táo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ.
Trong số 11 làng đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội" có: làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; làng nghề khảm trai thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề khảm trai thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề khảm trai thôn Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên...
Mỗi làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” được UBND TP tặng Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” và được hỗ trợ 12 triệu đồng. Mỗi làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” được UBND TP tặng Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và được hỗ trợ 6 triệu đồng.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: "Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước".
Ông Tường đánh giá, sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dẫn, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô; trong đó, khẳng định ưu tiên phát triển nghề, làng nghề đến 2025 tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, mang phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời, phát triển 10 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.
Vân Anh