SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 28/04/2024
  • Click để copy

Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đưa y tế Việt Nam lên tầm cao mới

07:28, 05/01/2024
(SHTT) - Y tế Việt Nam đang tăng cường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, điển hình là số hóa y tế, chăm sóc sức khỏe thông qua công nghệ và chuyên môn, cũng như cải thiện chăm sóc sức khỏe qua các giải pháp AI, Big Data...

Chuyển đổi số y tế đang phát triển như một xu hướng toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ấy. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã từng chia sẻ, đại dịch COVID-19 tạo ra “bước nhảy” vượt trội cho chuyển đổi số lĩnh vực y tế. Nhờ khả năng ứng phó, chống chịu linh hoạt và vững vàng, hệ thống y tế Việt Nam đã tạo nên thành công khiến cả thế giới ngưỡng mộ. 

Các ứng dụng công nghệ đã được triển khai nhanh chóng và phủ sóng rộng rãi tới người dân toàn quốc như khai báo y tế, truy vết nguồn lây, khám chữa bệnh qua Internet... Đại dịch COVID-19 đã phần nào khiến chúng ta nhìn rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dịch COVID-19 đã làm cho đổi mới ngành y tế trở nên phổ biến hơn, liên quan đến nhiều tác nhân hơn bao giờ hết như: Giám sát bộ gene, vaccine mRNA, y tế từ xa, hệ thống quản lý lâm sàng…

khoa hoc cong nghe

 

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hiện nay có 5 khía cạnh tiên phong trong đổi mới sáng tạo lĩnh vực y tế.

Thứ nhất là đổi mới công nghệ. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới chăm sóc sức khỏe, bao gồm việc phát triển các thiết bị y tế mới, thiết bị chẩn đoán, các giải pháp y tế từ xa, hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin y tế.

 Thứ hai là ứng dụng kỹ thuật số. Việc tích hợp các công nghệ kỹ thuật số trong thiết bị y tế giúp theo dõi sức khỏe liên tục, từ xa, tiếp nhận kịp thời thông tin tư vấn y tế.

Thứ ba là dự đoán xu hướng dịch bệnh qua phân tích dữ liệu lớn. Phân tích dữ liệu và công nghệ dữ liệu lớn đang được sử dụng trong trích xuất thông tin, giúp dự đoán sự bùng phát dịch bệnh và xu hướng biến đổi của cơ cấu bệnh tật trong cộng đồng.

Thứ tư là công nghệ sinh học. Đổi mới công nghệ sinh học liên quan đến việc điều khiển các quá trình sinh học để phát triển các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị, các liệu pháp tiên tiến như liệu pháp gen, tế bào gốc, y học tái tạo.

Thứ năm là y học từ xa (telehealth). Những đổi mới về y học từ xa đã mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho phép tư vấn từ xa với các nhà cung cấp dịch vụ cho vùng sâu, vùng xa, hải đảo, y tế cơ sở và trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Mục tiêu của Bộ Y tế trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật, nghiên cứu, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho y tế từ xa, đặc biệt là triển khai các nền tảng số y tế, trong đó có nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Vtelehealth).

Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi sự phối hợp giữa các chuyên gia y khoa, các nhà công nghệ, hoạch định chính sách, nhà đầu tư để mang lại thay đổi tích cực trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của ngành y tế và sự tham gia tích cực của các bộ, ban ngành; đặc biệt là sự phối hợp và hỗ trợ hết sức hiệu quả của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, các y bác sĩ thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc xin, thuốc, dược liệu.

Trong chẩn đoán và điều trị, về cơ bản đã tiếp thu, làm chủ và triển khai đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới trong nhiều chuyên khoa, được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước như các cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh; nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm cung ứng cho chương trình tiêm chủng mở rộng với 11/12 loại vắc xin, góp phần bảo đảm an ninh vắc xin quốc gia; đã tiếp nhận và làm chủ một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm; có những đóng góp nhất định trong việc ban hành cơ chế, chính sách chung của ngành y tế.

Minh Hà

Tin khác

Khoa học Công nghệ 8 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, các nhà Khoa học đã tìm ra vật liệu mới mang tên "goldene" (lá vàng mỏng nhất thế giới) hứa hẹn nhiều ứng dụng quan trọng trong biến đổi carbon dioxide và sản xuất hydro.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4/2024, AES Việt Nam và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) phối hợp với trường Đại học Phan Thiết tổ chức lễ trao học bổng cho 5 bạn sinh viên đang theo học chuyên ngành Kỹ thuật Xây dựng, khoa Kỹ thuật Công nghệ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Apple sẽ ra mắt bản nâng cấp lớn của iPad Pro và iPad Air sau nhiều năm tại dự sự kiện Let Loose diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Qualcomm đã nhận thấy tiềm năng của Ấn Độ trong lĩnh vực thiết kế chip khi bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời công ty cũng đang tận dụng đội ngũ kỹ sư tài năng của Ấn Độ.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu năm 2024” do Hội đồng Thương mại và Công nghệ Toàn cầu của Ấn Độ (GTTCI India) tổ chức tại Dubai, GS.TS Nguyễn Văn Đệ của Việt Nam đã được Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) trao bằng Viện sĩ danh dự.