Doanh nghiệp nên tư vấn nhãn hiệu để tránh trùng lặp khi đăng ký
Ngày 23/1, Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp cùng Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả trong môi trường số”. Đây là buổi tọa đàm nằm trong chương trình Kết nối cung cầu chào Xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề Doanh nhân nối vòng tay lớn.
Theo bà Nguyễn Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, song song với lợi ích khoa học công nghệ mang lại là những thách thức lớn về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng. Hiện nay, tình trạng hàng giả trên internet diễn ra rầm rộ, từ đó cuộc đấu tranh chống hàng giả trên môi trường số cũng trở nên quyết liệt hơn.
Bà Hương cũng cho biết năm 2023, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có khung pháp lý cơ bản đã kịp thời bảo vệ cho cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng của cơ quan thực thi trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được đẩy mạnh. Cụ thể, Chính phủ kêu gọi toàn bộ chủ sở hữu quyền đồng hành trong công tác chống hàng giả, trao đổi dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả.
“Đối với giai đoạn hiện nay, theo tôi, doanh nghiệp cần khai thác thế mạnh mà pháp luật sở hữu trí tuệ đã đưa ra để kịp thời bảo vệ tài sản của chính mình”, bà Hương nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, nếu như trước đây hàng hóa làm giả bày bán tại các cửa hàng còn có biện pháp như báo cáo đến quản lý thị trường để kiểm tra nhanh chóng nhưng hiện nay với nền tảng mạng xã hội thì khó hơn. Để ngăn chặn hàng hóa làm giả, các doanh nghiệp nên tìm công nghệ để bảo vệ sản phẩm khi đưa ra thị trường như dán tem, xây dựng trang web có cảnh báo những trang web giả,…
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trịnh Kim Chi - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Song Kim - cho biết khi doanh nghiệp vừa ra sản phẩm mới, ngay lập tức hàng giả có rất nhiều trên mạng xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp khi khởi nghiệp cần bảo vệ sản phẩm ngay từ đầu.
“Ngay từ khi khởi nghiệp, chúng tôi cam kết vấn đề chất lượng sản phẩm bằng biện pháp như: Tem chống hàng giả, logo đăng ký độc quyền, mã vạch,...”, bà Trinh Kim Chi nói và bày tỏ mong muốn cơ quan Nhà nước cần quyết liệt hơn trong vấn đề xử phạt đối với những đơn vị xâm phạm về sở hữu trí tuệ.
Theo ông Nguyễn Viết Vị - Giám đốc hợp tác xã Phước Thiện, chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Phước, doanh nghiệp mới kinh doanh khi đưa ra sản phẩm phải có quy trình thiết kế bài bản.
“Doanh nghiệp nên thuê đơn vị thiết kế có kinh nghiệm, từ đó họ sẽ tư vấn nhãn hiệu không vi phạm, trùng lặp với thương hiệu khác. Sản phẩm là đứa con tinh thần của doanh nghiệp nên phải cẩn thận đưa ra nhãn hiệu phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp phải có thông tin truy xuất sản phẩm, xuất xứ ở đâu, sản xuất như thế nào,… để người tiêu dùng tin tưởng”, ông Nguyễn Viết Vị nói.
Bình Tú