SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Điểm danh những địa điểm nhất định phải đến nếu ghé qua Cao Bằng

11:04, 18/09/2023
(SHTT) - Mang trong mình một vẻ đẹp bình yên và thơ mộng, Cao Bằng là địa điểm nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh mà bất cứ ai khi đến với mảnh đất vùng cao này đều khó có thể rời xa.

Như một bức tranh sơn thủy hữu tình với những đặc điểm địa hình là đồi núi cùng với đó là rất nhiều ao hồ và thác nước, Cao Bằng còn là vùng đất nổi tiếng với nhiều khu rừng nguyên sinh và hệ thống sông suối dày đặc.

1. Thác Bản Giốc

Nhắc đến Cao Bằng, chắc chắn không thể không nhắc đến Thác Bản Giốc, một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Thác Bản Giốc gồm có hai phần, phần chính nằm giữa biên giới Việt – Trung, được phân chia ranh giới bởi dòng sông Quây Sơn chảy phía dưới và phần còn lại nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam. Phần thác chính rộng khoảng 100 mét, cao 70 mét và sâu 60 mét, nhìn từ xa thác đổ xuống trắng xóa nguyên sơ, như dải lụa trắng vắt ngang núi rừng, tạo nên một nét quyến rũ.

Bạn sẽ ngất ngây trước vẻ đẹp của thác Bản Giốc – một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam. Từ xa nhìn đến những dòng nước trắng xóa đổ xuống tạo nên một bức tranh kỳ vĩ lung linh. Khi đến gần, bạn sẽ được ngắm nhìn và hưởng thụ không khí trong lành ở nơi đây, chắc chắn sẽ rất thích thú. Sau khi tham quan thác Bản Giốc, hãy ghé thăm chùa phật tích trúc lâm Bản Giốc nhé. Từ chùa nhìn xuống, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thác Bản Giốc đó.

2. Núi Mắt Thần

Sở dĩ có tên gọi là Núi Mắt Thần bởi vì hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” sừng sững giữa núi rừng bạt ngàn. Vẻ đẹp của nơi đây là sự giao thoa giữa mấy trời và non nước, mỗi mùa trong năm cảnh vật xung quanh núi Mắt Thần lại mang màu sắc khác nhau.

Vào mùa mưa, ngọn núi kiêu hãnh cùng “con Mắt Thần” khổng lồ soi bóng mình in nơi đáy nước giữa trùng trùng điệp điệp các mỏm núi bao quanh. Phía xa xa là những rặng hoa dại đang khoe sắc thắm làm nên nét chấm phá cho khung cảnh nơi đây thêm phần lãng mạn. Núi Mắt Thần – địa điểm du lịch Cao Bằng được ví như thảo nguyên du mục nằm len lỏi trong những ngọn núi đá trập trùng giữa màn sương trắng nắng vàng. Đến đây vào mùa khô, sẽ là nơi lý tưởng cho du khách tổ chức những buổi picnic ngoài trời, cùng hội bạn quây quần bên nhúm than hồng thêm vài củ khoai nướng thì còn gì tuyệt vời hơn.

3. Đèo Mã Phục

Đèo Mã Phục là cái tên tiếp theo nằm trong những điểm du lịch mà bạn nên ghé đến để nhìn ngắm cảnh quan và trải nghiệm không khí trong lành khi đến với Cao Bằng. Đèo Mã Phục thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Nếu bạn là một người yêu thích sự thử thách và chinh phục thì Đèo Mã Phục là một địa điểm lí tưởng dành cho bạn đấy.

Đèo Mã Phục được đánh giá là con đèo đẹp nhất Cao Bằng có chiều dài hơn 3,5km, cao khoảng 700m so với mực nước biển. Nổi tiếng là một trong những cung đường hiểm trở vùng núi Đông Bắc nước ta. Để lên được đến đỉnh con đèo này bạn phải đi qua 7 vòng dốc với đường đèo quanh co, được bao bọc bởi rừng núi chắc chắn sẽ đem đến cho bạn cảm giác rất mới lạ.

Bên cạnh đó, trong khi chinh phục Đèo Mã Phục và ngắm nhìn thiên nhiên toàn cảnh thì bạn còn có thể thăm quan chợ phiên và mua đặc sản của Cao Bằng là một trải nghiệm rất thú vị đối với du khách khi đến đây.

4. Hồ Thang Hen

Hồ Thang Hen là một hồ nước đẹp nhất nằm trong tổng số 36 hồ lớn nhỏ trong vùng rừng núi của huyện Trà Lĩnh. Nơi đây nổi tiếng bởi có cảnh đẹp thanh bình và dòng nước xanh mướt. Nằm cách thành phố Cao Bằng khoảng 50 km. Đây là một trong những địa điểm đang khiến dân phượt cuồng chân muốn “xách ba lô lên và đi”.

Sáng sớm, từ trên cao nhìn xuống bạn nhìn thấy mặt hồ mờ ảo bởi sương sớm giống như lạc vào chốn tiên cảnh. Khi đi dạo trên thuyền bè, bạn có thể ngắm nhìn những loài hoa lan rừng hay những loài động vật quý hiếm trên núi và nghe những điệu hát sli, hát lượn, hát then đầy tình cảm.

Nếu đến Thang Hen vào mùa lúa chín, bạn sẽ được ngắm nhìn những dải lúa chín vàng đều tăm tắp đẹp tựa như một tấm thảm dệt khổng lồ từ bàn tay tạo hóa và “cảm thấy thỏa mãn” thính giác trong mùi lúa non thơm ngọt đầy kích thích. Hồ Thang Hen có phong cảnh sơn thủy hữu tình với những hàng cây xanh vươn mình trên vách đá cheo leo, soi bóng xuống mặt nước xanh ngát, uốn vòng theo lòng thung lũng mấp mô những mỏm đá ngầm.

5. Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao có chiều dài 2.144m, tọa lạc trong lòng một quả núi ở bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh cách thành phố Cao Bằng khoảng 50km, cách thác Bản Giốc khoảng 3 km. Vì nằm ở một địa hình không mấy thuận lợi, đường đi từ thành phố Cao Bằng vào Trùng Khánh với những đoạn đèo khá quanh co và nguy hiểm nên trước đây động Ngườm Ngao ít được biết đến. Từ khi du lịch Phượt được phát triển mạnh ở Việt Nam và gần như trở thành xu hướng cho các bạn trẻ ưa mạo hiểm khám phá thì động Ngườm Ngao mới trở nên nổi tiếng và “hot” không kém gì thác Bản Giốc hay hang Pắc Bó khi nhắc đến Cao Bằng.

Với vẻ đẹp kỳ ảo của thạch nhũ muôn hình vạn trạng, động Ngườm Ngao được mệnh danh là hang động đẹp nhất Việt Nam. Là một hang động nằm trong núi, được hình thành từ khoảng 300 triệu năm trước, với những hình ảnh kỳ thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá… Và càng không thể bỏ qua những “điểm nhấn” nổi bật nhất của Ngườm Ngao là cây san hô và con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn. Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ.

Động Ngườm Ngao gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi, cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày. Trong động có nhiều nhũ đá và măng đá với nhiều hình thù đa dạng và phong phú.

6. Di tích Pác Bó – Suối Lê-nin

Pác Bó – hai tiếng gọi ngân lên làm lòng người thổn thức về quần thể di tích lịch sử năm xưa. Nơi khiến trái tim người Cách mạng – chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng phải xuyến xao để tức cảnh sinh tình ‘Sáng ra bờ suối tối vào hang’. Hang Pác Bó vốn dĩ đã đẹp, nay lại càng đẹp hơn. Ngược lên Cao Bằng xa xôi, dừng chân ở Pác Bó, khách du lịch không chỉ có cơ hội hoài niệm về quá khứ hào hùng của cha ông mà còn được dịp chiêm ngưỡng bức tranh tuyệt đẹp như bồng lai tiên cảnh.

Những vách đá sừng sững, những con suối róc rách tỉ tê, những lòng hồ miên man màu nước tựa trời thu cùng rừng cây xanh ngát đổi màu theo mùa đem lại cho Pác Bó khung cảnh đẹp đến nghẹt thở, cứ ngữ đang lạc miền cổ tích.

Đến với nơi đây, bạn có thể trải nghiệm nhiều hành trình thú vị. Bạn sẽ biết thêm nhiều điều về người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, vì đây là nơi Bác đặt chân đầu tiên khi trở về sau hơn 30 năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước. Không những thế, nếu bạn là một người thích leo núi thì nơi đây quả là địa điểm lý tưởng. Leo núi giữa không khí trong lành, mát mẻ mang đôi chút hoang sơ, vắng vẻ sẽ là một trải nghiệm thú vị khi bạn đặt chân đến vùng đất này.

7. Đèo Mẻ Pia

Đèo Mẻ Pia là một trong những cung đèo nổi tiếng nhất thuộc địa bàn tỉnh Cao Bằng, vùng Tây Bắc của Việt Nam. Theo đó, đèo Mẻ Pia nằm trên QL4A có tổng chiều dài chỉ 2,5km nhưng vì độ dốc nên được tạo thành đường uốn lượn như dải lụa trong gió. Toàn bộ con đèo này đều nằm trên địa bàn xã Xuân Trường, nối tiền xã này với trung tâm Bảo Lạc, huyện có biên giới với Trung Quốc.

Nhiều người không nhớ tên chính xác của Mẻ Pia thường hay gọi nó là đèo 14 tầng dốc vì hình dạng vốn có. Được xây dựng nối liền một xã và một trung tâm huyện cách này một một dốc núi nên đèo Mẻ Pia phải làm thành đường cong nhằm giúp đoạn đường 2,5km dốc dựng đứng trở nên an toàn hơn khi di chuyển bằng ô tô, xe gắn máy. Chính vì sự hiểm trở và uốn lượn như tranh vẽ mà cung đường này luôn là nơi muốn chinh phục nhất của rất nhiều phượt thủ trong lẫn ngoài nước khi đến với vùng Tây Bắc, điển hình là Cao Bằng.

8. Làng đá cổ Cao Bằng

Nhà sàn của người Tày ở Trùng Khánh là một vùng linh thiêng – nơi lưu giữ những nét đặc trưng của đời sống vật chất và tinh thần truyền thống từ bao đời nay. Sau những thăng trầm của cuộc sống, cho đến ngày nay, trong tâm thức của người dân xứ Tày “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong quan niệm của họ. Nếu muốn có những trải nghiệm thú vị với những địa điểm du lịch Cao Bằng thì bạn không nên bỏ qua nơi đây.

Đặc điểm này có thể do vị trí địa lý của khu vực có nhiều núi đá vôi nên đá có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Đá được sử dụng rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà xây bằng đá, vách núi, nền làm bằng đá và chân móng cũng bằng đá, làm lại. Đá cũng được sử dụng trong các công trình xây dựng khác như hàng rào, đập, nhà máy, bếp…

9. Cột mốc 108

Cột mốc 108 là nơi ghi lại dấu ấn sâu sắc nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, còn là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân trở về sau 30 năm xa quê hương tìm đường cứu nước. Cột mốc 108 không chỉ là địa điểm du lịch Cao Bằng nơi lưu giữ những thước phim lịch sử mà nơi đây còn đem lại cho du khách những cảm giác chân thực nhất trên từng bước chân tảng bộ.

Đối với người dân ở đây, Cao Bằng có gì ngoài những giai thoại đã đi vào từng trang sử dân tộc. Cột mốc 108 có ý nghĩa thiêng liêng, được bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Không chỉ là chứng nhân lịch sử trong nhiều cuộc kháng chiến, mà cột mốc 108 vẫn hiên ngang đứng vững để dõi theo từng bước chân của du khách đi qua nơi này.

10. Vườn quốc gia Phja Oắc – Phja Đén

Hãy dành thời gian đi khám phá “Người đẹp ngủ trong rừng” Phja Đén – Phja Oắc và những ngôi nhà cổ ở nơi đây nhé. Nếu bạn đến đây vào mùa đông, bạn còn nhìn thấy nơi đây phủ trong tuyết trắng xóa rất đẹp mắt.

Nằm trong hệ thống Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén (Nguyên Bình) nổi tiếng với nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mang đậm nét hoang sơ, còn lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và giáo dục môi trường. Đỉnh Phja Oắc có độ cao 1.931 m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh. Rừng ở đây thuộc kiểu “rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới” có 1.287 loài thuộc 786 chi trong 202 họ thực vật của 6 ngành thực vật tại vườn; trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Bạn nên tham quan trạm phát sóng quốc gia trên đỉnh Phia Oắc, tham quan các hệ sinh thái rừng nguyên sinh thường xanh, rừng thần tiên, các vách đá granite phức hệ Phia Oắc, thác nước, hầm khai thác vonfram thời Pháp. Hay các di tích của nền lịch sử khai khoáng và nghỉ dưỡng Cao Bằng như Nhà Đỏ, nhà Tài Soỏng, bức tường sót lại của nhà nghỉ dành cho toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

11. Thác Nặm Trá

Thác Nặm Trá cũng là một điểm dừng chân thích hợp để tham quan Cao Bằng. Thác Nặm Trá nằm giữa một thung lũng hoang vu đem lại cảm giác hoang sơ dành cho những ai ghé thăm. Hình ảnh thác nước hiện lên giữa màu xanh của thiên nhiên và các sắc hoa của rừng đem đến sự sinh động đến rung động lòng người.

Thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản – Trà Lĩnh – Cao Bằng cách trung tâm thành phố khoảng 50 km thu hút đông đảo du khách tham quan với vẻ đẹp hoang sơ của mình. Bạn có thể đến Thác Nặm Trá để du lịch và nghỉ dưỡng cùng gia đình. Và đặc biệt, bạn có thể đến Thác Nặm Trá quanh năm bởi dù vào thời gian nào đi nữa thì Thác Nặm Trá vẫn luôn giữ được nét đẹp hoang sơ của mình.

12. Núi Các Mác

Núi Các Mác từng là căn cứ hoạt động cách mạng của Bác Hồ và các chiến sĩ. Sở dĩ nơi đây được dùng làm nơi đặt căn cứ bởi vì ngọn núi được bao phủ bởi những cánh rừng chi chít nhau vừa thông thoáng mà vừa bí mật rất thuận lợi cho trú ẩn. Núi Các Mác không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn sở hữu vị trí đắc địa, cảnh quan hài hòa được thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Cùng nhau quay về những năm tháng lịch sử, phía dưới chân núi, chính là nơi Bác thường dựng bếp nấu cơm, đun nước, lấy lá ổi làm chè. Đi dọc theo con đường đá rêu phong của dòng suối Lê Nin, du khách còn được tận mắt ngắm nhìn vườn trúc Bác tự tay trồng và vườn ổi nơi Bác thường lấy lá khô đun nước. Đây chính là địa điểm du lịch Cao Bằng mọi du khách không nên bỏ qua trong chuyến đi của mình.

13. Chùa Phật tích Trúc Lâm

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc nằm trên gọn núi Phia Nhằm, xã Đàm Thủy, cách thác Bản Giốc khoảng 500m. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc được xây dựng theo lối kiến trúc thuần Việt. Tổng thể kiến trúc của chùa bao gồm Cổng tam quan, lầu chuông, lầu trống, bia đá và tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ các anh hùng dân tộc, Nam Việt Triệu Tổ Hùng Vương các đời, nhà khách cùng các hạng mục cảnh quan phụ trợ.

Nhìn từ trên cao, Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc nằm giữa không gian rộng lớn của rừng xanh, đem đến cho những du khách đến với chùa cảm giác bình yên và thoải mái của không khí trong lành và đây cũng là một trong những điểm đến tâm linh để phục vụ du khách. Và Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc có tầm quan trọng trong việc phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia.

14. Chợ phiên Cao Bằng

Đối với người dân vùng cao, chợ phiên là một nét văn hóa cũng như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Bởi với họ, đây không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa bình thường, mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, gặp gỡ giao lưu giữa người với người, nơi hẹn hò của các cặp nam nữ bản làng.

Nếu như Cần Thơ thì nổi tiếng về chợ nổi Cái Răng thì chợ phiên lại là đặc sản ở Cao Bằng, mỗi nơi đều có một nét văn hóa đặc trưng riêng, nhưng tất cả đã tạo nên một nét đẹp truyền thống không thể lưu mờ. Sở dĩ được gọi là chợ phiên bởi chợ này không diễn ra mỗi ngày, mà được phân chia thời gian cụ thể theo tuần, theo tháng, theo từng địa phương. Đến với địa điểm du lịch Cao Bằng hấp dẫn này du khách sẽ được trải nghiệm “đi chợ” với cảm giác hoàn toàn mới lạ chỉ có ở nơi này

15. Các làng nghề dân tộc ở Cao Bằng

Bản Phia Thắp, nơi sinh sống của 50 gia đình người dân tộc Nùng, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa xanh và những ngọn núi. Người dân địa phương có nghề làm hương từ lâu đời. Hàng năm, cứ đến gần Tết Nguyên Đán, ngôi làng lại tất bật chuẩn bị để làm hương.

Làng rèn Pác Rằng là một địa điểm tham quan thú vị khác ở Cao Bằng. Người dân làng Pác Rằng có nghề rèn truyền thống từ bao đời nay. Bản này là nơi sinh sống của 51 hộ đồng bào dân tộc Nùng An. Ở Pác Rằng, hầu như nhà nào cũng có lò và kinh doanh nghề rèn với các sản phẩm đa dạng như dao, cuốc, xẻng….. Ngoài lò rèn, người dân nơi đây còn trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi gia súc. Nhà của người dân ở đây là nhà sàn. Họ gìn giữ truyền thống văn hóa và mặc trang phục truyền thống của riêng mình. Đây là một địa điểm tuyệt vời cho những người đam mê văn hóa khi đến thăm Cao Bằng.

QT

Tin khác

Giải trí 4 giờ trước
(SHTT) - Trong ký ức của người Việt Nam, mâm cỗ Trung Thu khi xưa ngoài hoa quả, bánh trái nhất định phải có bộ phỗng đất, ông tiến sỹ và đèn ông sao. Phỗng đất không chỉ là món đồ chơi thuần túy của con trẻ mà còn cất giữ những hồn cốt văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam xưa.
Giải trí 23 giờ trước
(SHTT) - Nghi Sơn biển ngọc - Khát vọng vươn xa", đó là chủ đề mà di lịch biển Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính thức được khai mạc vào tối ngày 26/4.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.