SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Trồng 31 ngàn cây gỗ lớn phủ xanh rừng miền Trung tạo bình an cho muôn loài

16:08, 12/09/2023
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng 31 ngàn cây gỗ lớn bản địa phủ xanh 31ha diện tích rừng nghèo kiệt tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Bến En, thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Đây một trong những hoạt động nhằm góp phần phục hồi rừng, tạo nên lá chắn bình an cho con người trước thiên tai bão lũ, hạn chế sạt lở đất, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra giá trị bình an và thịnh vượng cho muôn loài.

Nhức nhối câu chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Đến ngày 31/12/2022, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42,02%, tương ứng với 14.790.075 ha bao gồm cả diện tích rừng trồng chưa khép tán. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 68%, còn lại là rừng trồng. Dù có tỷ lệ che phủ cao nhưng thực chất trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ còn 0,25% diện tích là rừng nguyên sinh, 15% là rừng giàu về trữ lượng, 35% diện tích là rừng nghèo kiệt.

Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên. Từ 2017 cho đến nay, tình trạng phá rừng tuy có giảm nhưng vẫn mất đến 25.000ha rừng mỗi năm.

Bên cạnh các chương trình thúc đẩy trồng phục hồi rừng thì vẫn còn những câu chuyện nhức nhối về chuyển đổi mục đích sử dụng đất các khu vực rừng nghèo, rừng phòng hộ nhằm xây dựng khu nghỉ dưỡng, nhà máy,..

2

 Ở Việt Nam, rừng tự nhiên chiếm khoảng 68%, còn lại là rừng trồng. Ảnh: Thế Anh

Tại Lâm Đồng, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã có 5 vụ sạt lở lớn, 9 người tử vong, 235 căn nhà, 283ha lúa, hoa màu, cây trồng bị hư hại,... Cùng thời điểm, tại các tỉnh khác thuộc Tây Nguyên, Tây Bắc cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.

Điều đáng quan ngại là các trận mưa nhỏ cũng có thể gây sạt lở, lũ quét. Con số thiệt hại trên cả nước vẫn chưa được thống kê vì các vụ sạt lở vẫn tiếp tục tiếp diễn và mùa mưa bão hẳn còn dài.

Hình ảnh về mảnh rừng nghèo không giữ nổi đất khiến hàng ngàn mét khối đất đổ xuống đèo Bảo Lộc, những căn nhà ở Tây Bắc vẫn còn đang bị cô lập bởi dòng nước lũ đục ngầu là hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của rừng che chở con người trước thiên tai. Phá rừng - bình an cuộc sống của hàng triệu người đã bị phá nát.

Rừng lá chắn bình an cho nhân loại

Trước nay, rừng chỉ được xem là nơi khai thác tài nguyên nhưng vai trò của rừng còn to lớn hơn rất nhiều. Theo bà Huyền Đỗ - Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, nguyên nhân chính gây ra các vụ sạt lở liên tiếp gần đây tại Tây Nguyên và nhiều nơi trên cả nước là do mất rừng. Không còn lớp phủ trên bề mặt, đất đá dễ dàng bị cuốn trôi theo nước mưa, trôi xuống các khu vực thấp hơn, theo triền đồi núi đổ xuống làng bản, hoặc trượt nhanh từng khối lớn gây ra các vụ sạt lở.

Rừng là lá chắn bình an con người và muôn loài. Có rừng có bình an, mất rừng mất bình an. Rừng chống xói mòn, sạt lở, rừng điều tiết nước mang lại mùa màng bội thu, rừng tạo nơi sinh sống cho muôn loài. Rừng mang bình an cho khí hậu. Qua hoạt động hấp thụ CO2, tạo O2, rừng giúp giảm hiện tượng nhà kính, điều hòa nhiệt độ và khí hậu.

Đồng thời, rừng còn mang bình an cho sinh kế hàng tỷ người. Phát triển rừng giúp tăng năng suất nông lâm ngư nghiệp với các hình thức vườn rừng, nuôi tôm dưới tán rừng... Sự thịnh vượng và an ninh sinh kế đồng hành với các tiến trình tái tạo của tự nhiên.

3

Hoạt động trồng rừng góp giúp mở rộng sinh cảnh sống cho muôn loài hoang dã, hạn chế sạt lở đất, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra giá trị bình an và thịnh vượng cho muôn loài. Ảnh: Thế Anh 

Bà Huyền Đỗ nhấn mạnh: “Khi phá rừng, tất cả những vai trò phòng hộ trên của rừng sẽ mất đi, đẩy con người, đặc biệt là người dân địa phương vào tình thế hiểm nghèo vào các giai đoạn cao điểm của mùa mưa và mùa khô. Ngay lúc này đây, hoạt động trồng rừng đã thực sự trở nên cấp thiết và mang tính quyết định cho một tương lai bình an của cả nhân loại”.

Để góp phần kết nối nguồn lực cộng đồng cùng chung tay phục hồi rừng, từ năm 2020, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã kêu gọi cộng đồng cùng góp cây trồng phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam. Tại khu vực Bắc Trung Bộ, Gaia triển khai trồng rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn quốc gia Bến En, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đợt trồng rừng tháng 8-2023, tổng số cây góp về cho hai khu rừng lên đến 30.894 cây, phủ xanh diện tích 30,9ha rừng nghèo kiệt.

Các loài cây được trồng là những loài cây gỗ lớn bản địa, trong đó có nhiều giống cây quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam bao gồm Lim xanh, Giổi xanh, Quế, Xá xị, Re hương, Lộc vừng, Vối thuốc, Vàng anh, Gáo vàng, Tràm.

Các khu vực trồng phục hồi đều là những khu vực rừng nghèo kiệt, thậm chí trống trọc. Hoạt động trồng rừng góp giúp mở rộng sinh cảnh sống cho muôn loài hoang dã, hạn chế sạt lở đất, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra giá trị bình an và thịnh vượng cho muôn loài. Các khu rừng sẽ được Gaia chăm sóc và giám sát trong vòng 4 năm. Các thông số về chiều cao, lượng O2 tạo ra, lượng CO2 hấp thụ,... đều được đo đạc, và tính toán gửi đến cộng đồng và công bố trên các nền tảng truyền thông hằng năm.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng

Với những chuyển biến khó lường biến đổi khí hậu trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân quan tâm đến việc trồng phục hồi rừng. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, cùng với sự đồng hành của cộng đồng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã triển khai trồng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên gần 1 triệu cây trên 9 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên khắp Việt Nam.

4

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân quan tâm đến việc trồng phục hồi rừng. Ảnh: Thế Anh 

Kết hợp với hoạt động trồng rừng, hàng trăm chuyến đi trải nghiệm thiên nhiên được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho hàng ngàn người về bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương trình trồng rừng Xuân Liên và rừng Bến En vào đợt tháng 8 năm nay hân hạnh có sự đồng hành của 10 doanh nghiệp bao gồm Manulife Việt Nam, P&G Việt Nam, Central Retail Việt Nam, Cathay Việt Nam, Saitex, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), FPT Software, Gỗ Phúc Thắng, Vinfast và cùng 679 cá nhân và nhóm.

 Đinh Nam

Tin khác

Giải trí 1 giờ trước
(SHTT) - Tối 3/5, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã khai mạc “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ” với 6 bộ phim tài liệu phục vụ khán giả Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Giải trí 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng 3/5, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống văn bia tại di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước".
Giải trí 18 giờ trước
(SHTT) - Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 du lịch Nghệ An thắng lớn khi đón 950.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 1.700 tỷ đồng.
Giải trí 22 giờ trước
(SHTT) - Bánh tẻ làng Chờ là thứ quà quê giản dị, mộc mạc, món ngon đặc sản nổi tiếng không chỉ riêng vùng quê Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), mà còn là niềm tự hào ẩm thực của người dân xứ Kinh Bắc. Trong mỗi chiếc bánh, người làm như gửi trọn hồn cốt của ẩm thực làng quê Việt.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Nằm cách Hà Nội khoảng 35 km, nép mình bên dòng sông Đuống, từ xa xưa, làng Xuân Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) đã có cuộc sống gắn bó với cây tre, cây trúc. Bằng đôi bàn tay khéo léo, người Xuân Lai đã sáng tạo nên những sản phẩm thủ công độc đáo, hữu ích từ cây tre rất đỗi thân thuộc.