Đắm mình trong tuổi thơ với 'Nằm nghe gió thổi sau hè'
Tuổi thơ là chủ đề được các tác giả chọn viết nhiều bởi sự quen thuộc nhưng để viết hay thật không dễ. Kỳ lạ thay, tản văn "Nằm nghe gió thổi sau hè" của tác giả Hải Dương (Nguyễn Phạm Hải Dương - cựu sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) lại thu hút người ta ngay từ những dòng chữ đầu tiên.
Quyển sách mang đến gam màu trong sáng, nhẹ nhàng khi tái hiện những hình ảnh gần gũi qua 25 câu chuyện ngắn. Trong đó phải kể đến những câu chuyện Cải tàu bay về trời!, Hoa cỏ may của chị, Gian bánh xèo mùa đông, Trên chiếc Dream chở đầy mơ ước,… mà bất cứ ai đọc cũng thấy bản thân mình đâu đó.
Với Hải Dương, "Nằm nghe gió thổi sau hè" được cô viết nên từ tình cảm sâu đậm với với gia đình, từ hình ảnh ô cửa sổ, gian bánh xèo, đồi sim tím,… đến những tiếng rao đêm.
Không chỉ viết riêng về tuổi thơ của Hải Dương, tập tản văn còn đưa bạn đọc ở thế hệ 8X, 9X trở về với thời thơ ấu của chính mình thêm một lần nữa. Hình ảnh "cải tàu bay" trong câu chuyện Cải tàu bay về trời! được Hải Dương tái hiện qua từng con chữ với lối vừa kể vừa tả một cách sống động. Từ việc theo má ra đồng hái cải tàu bay, hình ảnh những bông cải tàu bay lơ lửng cho đến việc miêu tả những món ăn được chế biến từ "thức quà" chống đói của tuổi thơ nhiều người. Đầy ắp những kỷ niệm, Hải Dương như đưa người đọc nếm lại vị "đắng đắng" ở đầu lưỡi từ món cải tàu bay.
Ngắm lại quê hương qua chiếc cửa sổ, những trang viết trong câu chuyện Những khung trời hoa mộng là khoảng trời trong lành và thanh mát. Yêu chiếc cửa sổ từ những thanh chắn ngang bằng gỗ, nhân vật Mận trong truyện từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán với chị để giành được vị trí ngồi cạnh cửa sổ. Thỏa ngắm khung trời xuân hạ thu sang đông, nhìn ánh trăng đưa nhân vật trở về với vô số điều bí mật từ chị Hằng và chú Cuội.
Những trang viết của Hải Dương được "ươm lên" từ mảnh đất miền Trung, vì thế mà cơn bão trong truyện Bão thật quen thuộc, gợi nhớ cho biết bao người con xứ này. Oằn mình đón những cơn bão, to có, nhỏ có,… Hải Dương một lần nữa đưa người đọc về với âm thanh quen thuộc được phát lên từ chiếc loa phường khi bão tới. Bạn đọc cũng có thể bắt gặp chính mình qua niềm vui của nhân vật khi nghe bão tới sẽ được nghỉ học, hình ảnh chèo chống nhà cửa, mái tôn lợp bị gió cuốn phăng đi trong truyện.
Dù tác phẩm thấm đẫm nỗi buồn, một chút tiếc nuối về thời gian nhưng dư vị đọng lại trong lòng bạn đọc là sự nhẹ nhàng của tâm hồn, vị đăng đắng của cải tàu bay, thơm lừng mùi trứng từ những gian bếp,...
Bắt đầu sự nghiệp viết lách bằng "Nằm nghe gió thổi sau hè", Hải Dương dành tặng cho tuổi thơ của chính mình để cảm ơn tuổi thơ đã bao dung, nâng đỡ để tận hưởng những tháng năm êm đềm.
Chia sẻ về cảm hứng sáng tác, Hải Dương cho biết những câu chuyện tuổi thơ, về cánh đồng, đàn trâu, những luống dưa cà hay giậu mồng tơi xanh biếc luôn xuất hiện trong tâm trí của bản thân. Khi gia đình chị chuyển nhà, từ nơi gắn với ao vườn ruộng đồng đến một nơi rực rỡ hơn, náo nhiệt hơn, sống động hơn, ký ức về quê nhạt nhòa dần. Hải Dương đã yêu tuổi thơ, yêu vô cùng và muốn đem những kỷ niệm ấy "gói ghém" vào trong trang sách.
Với cả cuốn sách này, Hải Dương chia sẻ, cô không chỉ viết cho tuổi thơ của chính bản thân mà muốn viết cho những thế hệ 8x, 9x - những người từng từ quê nghèo đi lên, những đứa trẻ gắn với cánh đồng, con diều, bờ ao.
"Mình hy vọng họ sẽ thấy bóng dáng mình trong đó. Là những lần trốn ba má ra đồng bắt con cá rô đồng; là những khi chăn bò trên đồi hái sim tím. Là những lần thấy máy bay trên bầu trời xanh thẳm rồi chạy ùa ra ngước nhìn theo và thả luôn ước mơ vào đó. Hay những lần nằm võng đung đưa, nghe mùi thiên lý thoảng thơm rồi chìm vào giấc ngủ ban trưa", Hải Dương nói.
Hải Dương sinh năm 1995, từng được đào tạo trong lĩnh vực Báo chí Truyền thông. Hiện Hải Dương đang là người viết tự do với vai trò sản xuất nội dung cho các thương hiệu và là người hướng dẫn viết. Hải Dương từng góp mặt trong các cuốn sách Bút hết nặng, viết hết đau (2022); Về nhà (2022).
Võ Liên