SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Sách tốt tạo nên người nông dân Việt Nam nhân văn, sáng tạo

11:10, 26/04/2023
Nhân tuần Văn hóa đọc năm 2023 tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo có cuộc gặp gỡ phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thạch. Ông là nhà sáng lập chương trình "Sách hóa nông thôn" và là người đi bộ xuyên Việt để khuyến sách, khuyến đọc…

Ông Nguyễn Quang Thạch dành hơn 20 năm cuộc đời mang sách về với nông thôn, đi bộ xuyên Việt để sách nhanh đến với hàng triệu học sinh, đã và đang làm nhiều người hành động đưa sách về nông thôn Việt Nam.

Tính đến năm 2023, sách hóa nông thôn truyền cảm hứng cho hàng trăm ngàn cha mẹ học sinh, cựu học sinh, các thành viên xã hội, học sinh, thầy cô giáo, các nhà trường, chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh tạo ra ít nhất 35.000  tủ sách, mang lại cơ hội tiếp cận sách cho nhiều triệu bạn đọc nông thôn. Từ chuyến đi bộ Hà Nội – TP HCM của Nguyễn Quang Thạch, các tủ sách nhanh chóng nhân rộng bởi các nhóm làm tủ sách được thiết lập sau năm 2015 và chính quyền cấp tỉnh.

Các mô hình Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em, Tủ sách lớp học, Tủ sách hậu phương - Chiến sĩ và Tủ sách giáo xứ… lan rộng đến hầu hết tỉnh thành trên cả nước. Về mặt chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các Sở nhân rộng Tủ sách phụ huynh/Tủ sách lớp học đến các lớp học trên toàn quốc.

Phóng viên: Tại sao chương trình khuyến đọc của ông lại hướng về nông thôn, nơi mà người dân hầu như rất ít bận tâm đến sách?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên tôi hiểu nông thôn thiếu cơ hội tiếp cận sách như thế nào. Tôi thấu hiểu phần lớn cư dân nông thôn thiếu tri thức, ngăn cản sự phát triển của người lớn và con trẻ. Bởi vậy, tôi hành động để người nông dân Việt Nam nâng tầm hiểu biết rộng lớn, có năng lực sản xuất, năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, tư duy về thế giới quan tốt hơn tạo nên người nông thôn Việt Nam nhân văn và sáng tạo.

179181733_4665053706843243_3168828919129754382_n

 Nguyễn Quang Thạch người đi xuyên Việt để khuyến đọc, người sáng lập chương trình "Sách hóa nông thôn" và là người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng "Vua Sejong" về xóa mù chữ do UNESCO trao tặng tôn vinh người khai trí năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phóng viên: Theo ông, chúng ta có thể làm gì để khuyến đọc và phát triển thế hệ nông dân Việt Nam nhân văn và sáng tạo trong tương lai?.

Ông Nguyễn Quang Thạch: Từ năm 2011, tôi chia sẻ với báo chí rằng tôi muốn thấy nông dân Việt Nam nắm tay bình đẳng với nông dân Mỹ và nông dân Nhật Bản. Câu nói này hàm ngôn sâu xa, rằng chúng ta chỉ bình đẳng khi có sản phẩm hợp tác, có hiểu biết, tri thức, sự quan tâm đối với đất nước và nhân loại giống như người Mỹ và người Nhật.

Tôi muốn trẻ em nông thôn Việt Nam được đọc sách như trẻ em Mỹ, trẻ em Tây Âu. Trong đó, trẻ em Việt Nam lĩnh hội được sách như trẻ em Tây Âu thì đương nhiên chúng ta phải có cập nhật cấu trúc giáo dục tương xứng. Hiện sự quan tâm tới sách của chúng ta còn hời hợt. Dù có nhiều hội sách rầm rộ nhưng nếu trẻ em thiếu sách, khuyến đọc không nằm trong thiết kế giáo dục thì không thể giúp con trẻ lĩnh hội tri thức đúng nghĩa.  

Khuyến đọc chiều sâu là học sinh từ tiểu học đến trung học phải có danh mục sách phải đọc cùng với hệ thống tủ sách đến lớp học, cấp mầm non phải có hàng trăm đầu sách trong lớp và hàng ngày thầy cô giáo đọc sách cho trẻ nghe, là trong mỗi gia đình đều có tủ sách. Chất lượng thầy cô giáo của chúng ta phải ngang bằng với đồng nghiệp Tây Âu, Mỹ, Nhật…

Phóng viên: Chương trình "Sách hóa nông thôn" vận động các gia đình nông thôn có con từ mầm non đến trung học cơ sở làm tủ sách. Làm thế nào để trẻ được tiếp cận, đọc sách hiệu quả, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Chúng tôi mong muốn người nông dân đọc sách cho con mình nghe như các gia đình trung lưu ở đô thị.  Một số gia đình trung lưu ở đô thị đọc sách cho con nghe từ khi con còn nhỏ. Quan tâm sách vở cho con ngay từ trong gia đình, từ khi còn ở lứa tuổi mầm non đến trung học sẽ tạo nền tảng và niềm yêu thích sách cho con. Muốn như vậy, chúng tôi phải vận động phụ huynh.

Tủ sách gia đình, lớp học hiện hữu ở khắp mọi nơi giúp trẻ gần sách nhất. Ngay cả trong Tủ sách gia đình có hai lớp, sách ở lớp ngoài gần mắt nhất sẽ kích thích trẻ lấy cuốn sách đó đọc trước. Tần suất tiếp xúc giữa mắt với sách càng nhiều sự kích thích đọc càng lớn.

280958517_7427636050640324_3353008341624618446_n

 "Phụ huynh cần được động viên để tham gia vào tiến trình giáo dục của con trẻ" - Ông Nguyễn Quang Thạch.

Phóng viên: Gần đây, tôi thấy ông thường xuyên chia sẻ hình ảnh các Tủ sách gia đình, thư viện, tranh người đọc sách đẹp tại Việt Nam và trên thế giới. Ông muốn gửi thông điệp gì thông qua những hình ảnh như vậy?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tôi muốn cho người ta thấy rằng sách mà biết bài trí mang lại sự hấp dẫn, sang trọng. Tôi muốn mọi người bớt khoe mẽ những miếng ăn, tủ rượu mà khoe tủ sách thì tốt hơn. Vì rượu chỉ để thỏa miệng còn sách nuôi trí.

Trong xã hội nếu chênh lệch giữa thỏa miệng và nuôi trí càng lớn, rượu nhiều hơn sách thì xã hội sẽ tiến về ngõ cụt. Xã hội nuôi dưỡng tri thức sẽ có nhiều niềm hi vọng. Nuôi thân là lẽ bình thường, nuôi trí và tâm giúp con người hướng thượng và có ích xã hội, nhân loại. Sách nuôi dưỡng lòng từ ái cho con trẻ, sách nuôi dưỡng thực học thực làm chắc chắn tương lai của xã hội sẽ tốt hơn.

Phóng viên: Sách hóa nông thôn hiện đã được nhân rộng như thế nào tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Hiện tại nhiều nhóm trong xã hội, các trường đã và đang làm theo, nhân rộng các loại tủ sách do Sách hóa nông thôn ứng dụng. Tỉnh Nam Định nhân rộng đến 12.000 Tủ sách lớp học. Nếu các tỉnh khác làm như Nam Định thì sách về nông thôn diễn ra nhanh. Tôi đã đưa ra công thức cho hàng chục triệu người Việt Nam dễ dàng làm được. Người nông dân Thái Bình đóng góp 50.000 đồng để làm tủ sách cho con ở lớp học, 5 cựu học sinh chỉ cần góp 240.000 đồng đã làm được 1 tủ sách trong lớp học trường cũ.

Có rất nhiều gương mặt tôi nể phục như em Đỗ Hà Cừ ở Thái Bình, một người bị liệt chân tay, di chuyển bằng xe lăn do mẹ hỗ trợ làm không gian đọc giúp hàng trăm đứa trẻ có sách đọc. Ông Phan Thích ở tỉnh Hưng Yên bị mù hai mắt, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu về Tủ sách dòng họ đã gọi điện đề nghị tôi hỗ trợ sách cho dòng họ ông.

341818155_648879323741619_4121483373474355336_n (1)

 Tuần lễ Văn hóa đọc năm 2023 tổ chức tại Quốc Tử Giám, TP Huế. (Ảnh: Bảo Minh).

Phóng viên: Bên cạnh những cánh tay nối dài của "Sách hóa nông thôn", hẳn trên hành trình của mình ông cũng gặp không ít những câu chuyện buồn của người khuyến đọc, ông có thể chia sẻ một chút về điều này?

Ông Nguyên Quang Thạch: Tôi khảo sát, phỏng vấn nhiều giáo viên và biết được điều đáng buồn đó là nhiều giáo viên không đọc sách. Giáo viên nam uống rượu nhiều. Có những giáo viên nữ mua cho con 100.000 đồng tiền sách thì tiếc nhưng mua chiếc váy tiền triệu khoe trên facebook.

Ở các tỉnh miền Tây, nhiều thư viện không cho mượn sách về nhà, thậm chí có những nơi còn viết khống số lượng học sinh mượn sách trong thư viện.

Phóng viên: Ở các tỉnh miền trung, chương trình Sách hóa Nông thôn đã thực hiện được những gì?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Tôi luôn tìm kiếm, mong đợi những cá nhân thực sự quan tâm sách ở các địa phương để nối kết nguồn lực giúp trẻ em. Chẳng hạn, ở Quảng Trị, bạn Lê Minh Tuấn khởi động Sách hóa nông thôn Quảng Trị từ 2016 và thúc đẩy được 3.200 Tủ sách lớp em, trong đó có phần do tôi kết nối. Tuy nhiên, ở Huế và Quảng Bình, tôi chưa thấy ai như bạn Tuấn. Những năm qua, nhiều tủ sách “chết” bởi một số trường học đề nghị hỗ trợ sách để làm báo cáo.

Phóng viên: Nhân Tuần lễ Văn hóa đọc ông muốn nhắn gửi điều gì không?

Ông Nguyễn Quang Thạch: Mấy năm nay, các hoạt động sách diễn ra khắp nơi trong Ngày sách và văn hóa đọc, dù là bề nổi thì vẫn có những tác động nhất định trong việc tạo nhận thức xã hội về sách và tầm quan trọng của việc đọc sách. Với thảm trạng ít đọc như ở Việt Nam, việc tuyên truyền về đọc sách cần diễn ra hàng giờ trên các kênh truyền thanh và truyền hình, đặc biệt là tầng lớp trung lưu trí thức cần cùng nhau tạo áp lực để ngành giáo dục thiết kế hệ thống thúc đẩy học tập và đọc sách như thế giới đã làm…

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 47 phút trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các hướng dẫn chi tiết về trình tự và các thức thực hiện cho học sinh.
Tin tức 50 phút trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 với yêu cầu không được xảy ra mất nước kéo dài.
Tin tức 51 phút trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 2 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Liên kết hữu ích