SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 19/04/2024
  • Click để copy

Luật sư nhận định vụ taxi tải Thuận Thành kiện Sở KH&ĐT Đà Nẵng

11:05, 10/04/2023
Luật sư Huỳnh Duy Toàn đã có những nhận định liên quan tới việc Taxi tải Thuận Thành kiện Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cấp đăng ký kinh doanh cho 3 doanh nghiệp có tên trùng với thương hiệu của mình.

Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Du lịch Thuận Thành đã có đơn kiện lên Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng về việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trùng tên Vận tải Thuận Thành cho 3 doanh nghiệp từ năm 2018 - 2022.

Theo đó, ba doanh nghiệp liên quan tới vụ kiện là: Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Thuận Thành, người đại diện pháp luật là ông Trần Thế Tài, địa chỉ 221 Tô Hiệu, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng; giấy phép số 0401930330 ngày 12/10/2018.

Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Vận tải Thuận Thành 24h, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Thắng, địa chỉ H2/13/6-K137 Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng; giấy phép số 0402049326 ngày 30/6/2020.

Doanh nghiệp thứ ba liên quan là Công ty TNHH Vận tải Thuận Thành 24h, người đại diện pháp luật là ông Lê Ngọc Hùng, địa chỉ 139/17 Lý Tự Trọng, phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng; giấy phép số 0402133641 ngày 26/1/2022.

"Ba doanh nghiệp nêu trên cùng hoạt động lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa trên địa bàn TP Đà Nẵng, gây nên tình trạng doanh nghiệp trùng tên và gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác", ông Nguyễn Khánh Toàn - chủ Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch Vụ Du lịch Thuận Thành - cho hay.

Liên quan đến sự việc này, luật sư Huỳnh Duy Toàn - Đoàn Luật sư TP.HCM - cho rằng trách nhiệm tra cứu để tên doanh nghiệp không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có nhãn hiệu, thuộc về chủ thể đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, theo quy định về đăng ký kinh doanh tại Điều 19 Nghị định 01/2021: Trước khi đăng ký đặt tên doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã đăng ký và được lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp.

Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đặt tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp.

6a8f5101770eab50f21f

 Taxi tải Thuận Thành địa chỉ 36 Ngô Gia Tự, Phường Hải Châu II, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 0095891 có thời hạn hiệu lực đến 5/4/2026.

Đồng thời tại Điều 19 Nghị định 01/2021 cũng quy định: Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản đề nghị đến Phòng Đăng ký kinh doanh để yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp cho phù hợp.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên doanh nghiệp và tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra thông báo.

Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp theo yêu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đề xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Có thể hiểu, đối với việc đặt tên doanh nghiệp, chủ thể đăng ký kinh doanh phải tuân thủ quy định theo các Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Luật Doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu tuân thủ các điều kiện này.

Trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sẽ được kiểm tra, giải quyết theo cơ chế hậu kiểm, tức là sau khi cấp phép nếu có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp kèm theo hồ sơ, tài liệu nêu rõ vi phạm thì sẽ xử lý. Bởi vì căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải dựa trên kết luận của cơ quan có thẩm quyền, mà việc này cơ quan đăng ký kinh doanh không thể tự đánh giá được.

Như vậy, trong trường hợp tên doanh nghiệp đã đăng ký xâm phạm quyền sở hữu hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó, thì theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, Phòng Đăng ký kinh doanh phải ra thông báo buộc doanh nghiệp đó thay đổi tên doanh nghiệp hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.

"Trong trường hợp Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Du lịch Thuận Thành (là chủ sở hữu nhãn hiệu) đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định nhưng Phòng Đăng ký kinh doanh chậm trễ ra thông báo chủ thể xâm phạm phải thay đổi tên doanh nghiệp, từ đây có cơ sở để yêu cầu xem xét trách nhiệm của Phòng Đăng ký kinh doanh. Mặt khác, trong trường hợp đã có văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ xác định bên liên quan vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, Thuận Thành chưa thực hiện thủ tục yêu cầu ra thông báo buộc bên vi phạm thay đổi tên thì chưa có cơ sở để Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục liên quan.

Trong trường hợp có căn cứ xác định Phòng Đăng ký kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước", luật sư Huỳnh Duy Toàn nhận định.

Đối với doanh nghiệp có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo buộc doanh nghiệp đó thay đổi tên doanh nghiệp hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp. Nếu không thay đổi trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra thông báo, doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 48 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Ngoài ra, hành vi sử dụng dấu hiệu đã được bảo hộ nhãn hiệu của chủ thể khác để gắn, trình bày trên trang thông tin điện tử, tài liệu giới thiệu, danh thiếp, phương tiện vận tải và các vật dụng, trang trí trong cơ sở kinh doanh là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại khoản 15 Điều 11 Nghị định 99/2013.

Cùng với đó là các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 17 Điều 11 Nghị định 99/2013 được sử đổi, bổ sung bởi Nghị định 126/2021.


Bảo Hòa 

Tin khác

Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, bài hát hit của Ed Sheeran - "Thinking Out Loud" một lần nữa được đưa ra tòa án phúc thẩm Hoa Kỳ để xem xét lại vụ kiện bản quyền cáo buộc Sheeran đã sao chép ý tưởng từ "Let's Get It On" của Marvin Gaye.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Anh trai của ông trùm ma túy Colombia cố gắng đăng ký tên nhãn hiệu tại Văn phòng Bản quyền và Sở hữu Trí tuệ của Liên minh châu Âu nhưng bị bác bỏ.
Tài sản trí tuệ 2 giờ trước
(SHTT) - Theo hội đồng xét xử liên bang Texas, Samsung Electronics phải trả cho chủ sở hữu bằng sáng chế G+ Communications 142 triệu USD vì vi phạm các bằng sáng chế của G+ liên quan đến công nghệ không dây 5G trên dòng điện thoại thông minh Galaxy của hãng.
Tài sản trí tuệ 4 giờ trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Liên kết hữu ích