SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Cầu Long Biên: Chứng nhân lịch sử, biểu tượng văn hóa của Thủ đô

12:25, 24/10/2022
(SHTT) - Sau hơn một thế kỷ với biết bao biến cố thăng trầm, cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng gắn liền với văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội, mãi là niềm tự hào của những người con vùng đất Nghìn năm văn hiến.

Thủ đô Hà Nội chính là mảnh đất kết tinh văn hóa của dân tộc ta, đây cũng là mảnh đất hội tụ các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể được cả nước công nhận. Cùng với Văn Miếu, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn thì một trong những hình ảnh đặc trưng, độc đáo của Hà Nội mà chúng ta không thể không nhắc tới là cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng.

Lịch sử ra đời của cầu Long Biên

Khi nhắc đến cầu Long Biên, những người dân Thủ đô thế hệ 4X, 5X… hẳn còn thuộc câu ca dao:

“Hà Nội có cầu Long Biên

Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng

Tàu xe đi lại thong dong

Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi”.

Qua hơn trăm năm, cầu Long Biên đã trở thành di sản văn hóa đô thị với những giá trị bất biến và được bồi đắp qua thời gian. Cầu Long Biên không chỉ đẹp ở kiểu dáng, độc đáo ở thiết kế và chất liệu xây dựng mà lịch sử ra đời của nó cũng rất ấn tượng.

cau long bien

 

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng. Cây cầu nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Do người Pháp xây dựng từ năm 1898 – 1902. Dưới thời Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Doumer.

Cầu Long Biên được thiết kế theo kiểu có rầm chìa mà công ty Daydé & Pillé áp dụng lần đầu tiên cho cây cầu ở Tobiac (Paris) trên tuyến đường sắt Paris-Orleans của nước Pháp. Cầu có chiều dài là 1.862m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá.

Giữa cầu có đường ray đơn dành cho tàu hỏa. Hai bên cầu có đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Với cấu trúc như vậy, cầu Long Biên đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ).

Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu chính thức được khánh thành và được đặt tên là Paul Doumer. Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. 

Đây chính là cây cầu sắt đầu tiên ở Việt Nam và nhận được rất nhiều sự đóng góp công sức của người lao động. Hàng vạn tấn vôi chở từ Huế ra, 30.000 m3 đá và hàng nghìn khối gỗ lim chở từ Thanh Hóa ra, hàng nghìn tấn ximăng chở từ Hải Phòng lên để xây dựng cầu.

cau long bien 1

 Cầu Long Biên với tên tuổi đã đi vào lịch sử.

Hàng vạn đinh tán trên cầu là do người Việt Nam tán, mố cầu xây cách mặt nước hơn 30m cũng do người Việt Nam lặn xuống bên dưới xây rất vất vả.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội đã từng chia sẻ, là một di sản kiến trúc hiện đại khi đó nhưng cầu Long Biên lại mang đậm bản sắc dân tộc, vì người Pháp đã đưa biểu tượng cây cầu có hình dáng giống con rồng bay qua sông Hồng, hình ảnh ấy gắn liền với biểu tượng văn hóa Hà Nội.

Chứng nhân lịch sử, biểu tượng cho sự kiên cường của người dân Hà Nội

Cầu Long Biên được gọi là chứng nhân lịch sử, là một biểu tượng kiên cường, bất khuất của người dân Hà Nội khi trải qua các thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. 

Năm 1945, khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, cầu Long Biên đã chứng kiến niềm hạnh phúc, tự hào của dân tộc ta, nó đã trở thành nhịp dẫn đưa hàng nghìn người dân ngoại ô đến với Bác. 

Đến tháng 10/1954, cầu Long Biên tiếp tục một lần nữa chứng kiến niềm hân hoan dân tộc khi Hà Nội ngập trong cờ hoa mừng ngày Giải phóng Thủ đô. Đặc biệt là hình ảnh những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên và bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô theo Hiệp định Genève. Chế độ cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam chính thức được đặt dấu chấm hết vào ngày 10/10/1954.

cau long bien2

 

Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là cây cầu duy nhất chuyên chở hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt từ cảng Hải Phòng và biên giới phía Bắc về Hà Nội rồi tỏa đi các nẻo đường chi viện cho chiến trường miền Nam, vì thế cây cầu trở thành trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ. Khi chiếc cầu sắp bước vào tuổi 70 lại chính là lúc nó phải chịu đựng những thử thách khốc liệt nhất. Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của Mỹ (1965 - 1972), cầu Long Biên bị ném bom 14 lần. Dù mang trên mình không ít ký ức đau thương nhưng suốt những năm tháng khốc liệt ấy, cây cầu đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh phi thường của những người ngày đêm bảo vệ Hà Nội. Đối với các chiến sĩ, bảo vệ cầu Long Biên là một nhiệm vụ thiêng liêng. Nhiều trận đánh dữ dội diễn ra, máu của bao chiến sĩ ngã xuống để cầu Long Biên được đứng vững.

Qua hơn 100 năm lịch sử, cây cầu không còn là khối sắt lạnh lùng. Cầu Long Biên như người bạn đồng hành cùng mỗi người dân và đất nước ta.

Hương Mi

Tin khác

Giải trí 8 phút trước
(SHTT) - Ngày 26/4, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì, với chủ đề ”Chữa lành - Tịnh tâm - Dưỡng tuệ”.
Giải trí 11 phút trước
(SHTT) - Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai”.
Giải trí 22 giờ trước
(SHTT) - Với vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, công viên nước Hồ Tây được biết đến như một “thiên đường giải trí hiện đại” đã sẵn sàng để đón du khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Giải trí 23 giờ trước
(SHTT) - Quảng Ninh đang chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày và cao điểm du lịch hè 2024. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng, cùng các chương trình kích cầu nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Du lịch Thành phố Hà Nội mới đây đã có công văn đề nghị các cơ quan, ban ngành trên địa bàn phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.