SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 30/04/2024
  • Click để copy

Bối cảnh và triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024

07:46, 09/01/2024
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024, trong đó đưa ra những đánh giá chi tiết về kinh tế thế giới và Việt Nam năm qua cũng như các dự báo và khuyến nghị.

Bối cảnh và triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ ít cải thiện (đi ngang hoặc giảm nhẹ) so với năm 2023 khi những khó khăn, thách thức nêu trên vẫn hiện hữu; đặc biệt là lạm phát và lãi suất còn cao, độ ngấm của tác động chính sách tiền tệ thắt chặt vừa qua, khiến rủi ro tài chính – tiền tệ còn ở mức cao, đầu tư, tiêu dùng phục hồi chậm. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo vẫn tiếp tục bất định và có thể chỉ tăng 3,3-3,6% sau khi tăng nhẹ 0,8% năm 2023 (WTO, 12/2023). Đà phục hồi của hoạt động đầu tư FDI còn chậm (nhất là trong bối cảnh đa số các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%) và cầu tiêu dùng còn yếu (nhất là ở thị trường EU, Nhật Bản và Trung Quốc). Theo đó, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9% (theo IMF 10/2023 và UN 1/2024), thấp hơn 0,1-0,6 điểm % so với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 (3%). Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.

Đối với Việt Nam năm 2024, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Những thuận lợi, tích cực chính tiếp tục kéo dài từ năm 2023 sang (như nêu trên). Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 8 khó khăn, thách thức đã nêu trên, trong đó 2 thách thức, rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài (nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) và tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ có thể vẫn diễn ra nếu những cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ, không hình sự hóa quan hệ kinh tế chưa được luật hóa, cụ thể hóa.

Trong bối cảnh quốc tế và nội tại như nêu trên, với đà phục hồi và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, dự báo kinh tế Việt Nam 2024 có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2023, cụ thể như sau:

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 với 3 kịch bản:

- Với kịch bản cơ sở, tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống (như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới (KHCN, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, đóng góp của TFP và liên kết vùng), dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%. Theo hướng cầu, tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính khoảng 5-10%, trong đó xuất khẩu tăng 5-7%, giải ngân FDI tăng 8-10%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5-8%. Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế duy trì ít nhất tương đương hoặc cao hơn năm 2023, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng 3,2-3,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,2-5,5% và khu vực dịch vụ tăng 7-7,2%.

- Với kịch bản tích cực, trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn,các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của DN và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,5-1 điểm % so với kịch bản cơ sở (đạt 6,5-7%).

- Với kịch bản tiêu cực,nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.

9

Dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

 Dự báo lạm phát năm 2024:dự báo CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5-4%, cao hơn năm 2023 do đà giảm giá hàng hóa thế giới chững lại hoặc thậm chí tăng trở lại so với năm 2023 (nhất là giá năng lượng, lương thực - thực phẩm và nguyên vật liệu cơ bản do dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng địa chính trị còn phức tạp, khó lường); việc tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như tăng lương tối thiểu vùng, tăng giá điện, học phí, viện phí…); cung tiền và vòng quay tiền tăng cao hơn năm 2023 (một phần là do đà phục hồi kinh tế và tín dụng dự báo tăng cao hơn)…v.v.

Năm kiến nghị

Năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025. Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội giao, Nhóm Nghiên cứu có một số kiến nghị như sau:

Một là,tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp (kể cả kịch bản tiêu cực, diễn biến xấu). Nhất quán thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02/2024 mà Chính phủ vừa ban hành.

Hai là, chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu theo hướng: (i) đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; (ii) thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; (iii) kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như: (i) phát triển kinh tế số, ứng dụng KHCN, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; (ii) tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân; (iii) quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng – chiếm 32% GDP cả nước năm 2023) qua đó thúc đẩy liên kết vùng…v.v.

Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, tiếp tục phương châm chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống tài chính và liên thông thị trường tài chính – bất động sản.

Bốn là, quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, TCTD yếu kém nhằm góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng.

Cuối cùng, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động (xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia), tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Tin khác

Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 2 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.