SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Bình Thuận nỗ lực phát triển, năng cao giá trị, vai trò chỉ dẫn địa lý

13:16, 26/08/2023
Nhiều năm qua, tỉnh Bình Thuận vẫn luôn chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dành cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm.

Xác định việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý trở thành một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, tạo dựng được hình ảnh, uy tín và thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng. 

Định vị thương hiệu cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

Tỉnh Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý. Song song đó, việc kiểm soát chất lượng quả thanh long, nước mắm mang chỉ dẫn địa lý cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại hội nghị “Thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm, ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cho biết một trong những hình thức phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý hữu hiệu nhất là đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

z4636388035600_d681252794

Ông Nguyễn Hoài Trung - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Bình Thuận" đối với quả thanh long cho Hiệp hội thanh long Bình Thuận. Không những thế, thanh long Bình Thuận đã đăng ký và được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit, hình” tại 13 nước.

Với sản phẩm nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm. Không chỉ được bảo hộ trong nước, sản phẩm này đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “PHAN THIẾT NƯỚC MẮM – FISHSAUCE & hình” tại 3 nước: Hoa Kỳ, Thái Lan và Camphuchia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ông Trung cho biết các địa phương trong tỉnh đã xác định các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tập trung xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý, nhờ đó đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều khó khăn. Bởi phần lớn các doanh nghiệp tập trung cho sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật khi đi ra thị trường quốc tế.

z4636387347151_46fe16dd84

Các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bình Thuận tham dự hội nghị “Thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý" với mong muốn tìm được hướng phát triển cho sản phẩm của mình.

“Xuất khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hiện nay rất ít, phần lớn xuất sang một thị trường trung gian nên các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem chỉ dẫn địa lý (trên sản phẩm và bao bì đựng sản phẩm); nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò và ý nghĩa chỉ dẫn địa lý chưa cao; giá trị của sản phẩm mang và không mang chỉ dẫn địa lý như nhau. Hầu hết các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - cho biết để phát huy ý nghĩa, giá trị của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cần triển khai công tác quản lý và khai thác giá trị của các đối tượng sở hữu trí tuệ sau khi được bảo hộ.

Theo đó, các đặc sản truyền thống, sản phẩm luôn gắn liền với địa danh, vùng sản xuất, do đó rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức quản lý và khai thác giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

z4636352688712_e7a115af00

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM.

Cụ thể, việc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý giúp đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, các nhân có đủ điều kiện, chống các hành vi lợi dụng sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, khi có tổ chức quản lý chặt chẽ, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được kiểm soát về mặt chất lượng và phục vụ phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm từ đó phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, để khai thác giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp cần định vị thương hiệu qua việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu như: Logo, biểu tượng, khẩu hiệu, bao bì, câu chuyện truyền thông, nhãn mác,... những gì tác động đến các giác quan của người tiêu dùng trong cuộc sống hằng ngày.

Ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee - cho biết để phát triển thị trường và thương hiệu chỉ dẫn địa lý các doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng với xu hướng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đặt ra hàng loạt các yêu cầu về kỹ thuật, đây là rào cản lớn nhất để hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang những quốc gia này. Trong đó phải nói đến sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, truy xuất nguồn gốc,... Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu trong nước và quốc tế.

z4625016959267_d7c49dc8ff

Ông Phạm Văn Quân - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee - cho biết doanh nghiệp cần áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản để đáp ứng các yêu cầu hiện nay.

Theo ông Quân, muốn làm chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tư duy ngay đến giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nông sản. Hiện nay, truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu bắt buộc để kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nông sản trong nước và quốc tế.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng cũng như các bên liên quan truy tìm lịch sử các thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối và cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.

Theo chuyên gia, giải pháp truy xuất nguồn gốc này được ứng dụng xuyên suốt chuỗi giá trị và có thể ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau như mã QR, OCR, data matrix GS1 REID,... phụ thuộc vào từng mục tiêu của từng doanh nghiệp.

“Giải pháp này cần được áp dụng xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp để đảm bảo sự đồng nhất trong thông tin về sản phẩm, tạo sự minh bạch cho doanh nghiệp và kịp thời phát hiện các vấn đề trong chuỗi cung ứng để đưa ra giải pháp cụ thể. Doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ/nhỏ hoặc các hợp tác xã, hộ gia đình có thể ghi nhận và truyền thông tin sử dụng nhật ký nông trại, file excel và email”, ông Quân chia sẻ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ AI, Big data để thu nhập, phân tích dữ liệu trồng trọt và chăn nuôi nhằm đưa ra đề xuất về lượng phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh và lượng nước tưới phù hợp chính xác; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp. Theo đó, giải pháp này sẽ giúp chúng ta điều khiển, vận hành máy móc, quy trình sản xuất từ xa.

z4636432389032_3efd188b0e

Doah nghiệp Bình Thuận cần chuyển đổi số để phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận trong tương lai.

“Đối với quả thanh long của Bình Thuận khi xuất sang các thị trường Châu Âu, Nhật Bản sẽ được kiểm tra đạt tiêu chuẩn xuất vào thị trường nước họ hay không. Nếu như không có phân tích dữ liệu, không có các công cụ, công nghệ mới vào trong quá trình trồng trọt thì nguy cơ nhiễm hóa chất hay nhiễm kim loại nặng trong nông sản thì chúng ta sẽ bị trả lại các đơn hàng trên”, ông Quân phân tích.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công cụ để quản lý thông tin trong quá trình vận chuyển và lưu kho của sản phẩm hàng hóa nông sản, sẽ giúp doanh nghiệp quản lý và kịp thời thực hiện các điều chỉnh chính xác nhằm giảm thiểu tỷ lệ hao hụt, hư hỏng của nông sản.

Cuối cùng là phương pháp bán hàng đa kênh với hình thức thanh toán đa dạng. Theo đó, các doanh nghiệp có thể đưa sản mặt hàng nông sản như thanh long, nước mắm,... lên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Song song đó, tận dụng các hệ thống bán hàng trên mạng xã hội, hệ thống đa kênh nhằm tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn.

Diệu Nguyên

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu từ Tổng cục hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt kim ngạch hơn 15 tỷ USD tính tới ngày 15/4.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Đó là thông tin được đưa ra trong Báo cáo Đầu tư công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024 được công bố hôm 26/4 vừa qua.
Kinh tế 1 ngày trước
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, nhiều người chọn đi du lịch hoặc về quê thăm gia đình. Các thú cưng như chó, mèo thường không thể đi theo cùng chủ nên dịch vụ trông giữ chó mèo đã trở nên đắt khách trong dịp này.