Bình Dương bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài trên công nghệ thực tế ảo
Theo đó, Trường Đại học Quốc tế miền Đông chủ trì thực hiện đề tài với tổng kinh phí 1 tỷ 615 triệu đồng. Thời gian thực hiện nội dung nghiên cứu khoa học và công nghệ của đề tài trong 18 tháng.
Sở Khoa học và Công nghệ, thành viên các hội đồng tuyển chọn, tổ thẩm định kinh phí chịu trách nhiệm trong việc áp dụng, vận dụng các định mức, đơn giá, các chế độ, chính sách và các khoản mục chi phí đã quy định có liên quan đến các chi phí nêu tại dự toán thực hiện đề tài; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của việc xác định giá thị trường có liên quan đến các chi phí nêu tại dự toán thực hiện đề tài.
Đồng thời phải đảm bảo tính trung thực, hợp lý, hợp pháp và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chuyên môn, tính chính xác, tính pháp lý của toàn bộ hồ sơ, giấy tờ kèm theo và những nội dung liên quan trong việc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt các nội dung thực hiện đề tài "Bảo tồn và phát triển sản phẩm, tác phẩm làng nghề sơn mài truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo" nêu trên.
Sở Khoa học và Công nghệ, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với Trường Đại học Quốc tế miền Đông; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đề tài trên theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã được Hội đồng tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề tài đề nghị, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính trong việc cấp phát kinh phí đúng tiến độ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài và xử lý tài sản sau khi đề tài kết thúc theo đúng quy định hiện hành; trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện vấn đề chưa đúng quy định pháp luật, kịp thời xem xét, điều chỉnh hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo đúng quy định.
Trường Đại học Quốc tế miền Đông chịu trách nhiệm thực hiện đúng mục tiêu, nội dung nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đề tài theo hợp đồng đã ký kết; quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài theo đúng quy định hiện hành.
Đây là động thái nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề sơn mài truyền thống sau nhiều năm có dấu hiệu bị mai mọt.
Trước đó, tháng 3/2020, đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt; tháng 10/2020, đề án được công bố.
Mục tiêu đề án là xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề. Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Theo Chi cục phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương), đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch có tổng kinh phí là 105 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 70 tỷ đồng).
Đề án thực hiện trên diện tích khoảng 5,4ha tại phường Tương Bình Hiệp. Trong thời gian 4 năm (2020-2023), đề án sẽ triển khai xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung có đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, đào tạo nghề, dịch vụ du lịch…
Tại cuộc họp tháng 8/2022, UBND TP Thủ Dầu Một kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương chia 2 giai đoạn đầu tư để thực hiện đề án.
Giai đoạn 1 (năm 2023-2025) thực hiện các hạng mục về đường giao thông phường Tương Bình Hiệp, hạ tầng kỹ thuật Làng sơn mài và các công trình cổng, hàng rào, nhà thờ tổ, bảo tàng, khu trưng bày, trình diễn, lưu niệm… với kinh phí thực hiện ước tính 125,63 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 (sau năm 2025) thực hiện các hạng mục khu xử lý nước thải, khu dịch vụ… ước kinh phí thực hiện 49,68 tỷ đồng.
Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, việc UBND tỉnh phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp khiến những người làm nghề hết sức phấn khởi và đầy kỳ vọng.
Đây là cơ hội để làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu sẽ được gìn giữ, khôi phục và phát triển. Đồng thời giúp các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài có điều kiện phát triển, cải thiện cuộc sống.
Quang Hải