SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

09:48, 13/03/2023
Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, sáng 12/3, Hội thảo với chủ đề “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” đã được tổ chức.

Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

HT 3

 Cà phê đặc sản Robusta của Việt Nam được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao. 

Khó khăn, thách thức với cà phê Việt Nam

Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường nhập khẩu lớn như: Đức, Italia, Hoa kỳ, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Philippines, Nga, Trung Quốc, Anh....

Trong năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,77 triệu tấn cà phê mang lại kim ngạch trên 4,05 tỷ USD, cao nhất trong những năm qua, trong đó chủ yếu vẫn là xuất khẩu các sản phẩm thô. Loại cà phê nhân sống Robusta vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với trên 1,5 triệu tấn, kim ngạch trên 3 tỷ USD; cà phê nhân sống Arabica chỉ đạt trên 58 nghìn tấn, kim ngạch trên 253 triệu USD và cà phê chế biến đạt trên 91 nghìn tấn, kim ngạch trên 572 USD.

Đặc biệt những năm gần đây, cà phê đặc sản Robusta của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại các hội chợ cà phê quốc tế ở Mỹ, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, được các nhà rang xay, nhà nhập khẩu đánh giá cao, quan tâm kết nối và bắt đầu có lô hàng xuất khẩu số lượng lớn. Cà phê Robusta đặc sản Việt Nam lần đầu tiên được sử dụng trong các cuộc thi pha chế danh tiếng tại Australia và Mỹ…

Tuy nhiên Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô nên giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới, nên dù đứng hàng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê, Việt Nam chỉ đứng thứ 10 về giá trị…

HT 1

 Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà phát biểu tại Hội thảo phát triển cà phê. 

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng ngành cà phê Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu sản xuất cà phê bền vững, trong đó nổi bật là vấn đề chất lượng như quản lý sử dụng đầu vào trong canh tác, mở rộng diện tích cà phê có chứng nhận, chế biến cà phê, xuất khẩu....

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: “Xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê, mà tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh, bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới là định hướng quan trọng trong việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tới”.

Cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam

Tại hội thảo với chủ đề “Xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp trong ngành cà phê trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng tiêu chí và quản lý cà phê chất lượng cao cũng như đề xuất xây dựng bộ tiêu chí cà phê Việt Nam chất lượng cao… nhằm đẩy mạnh phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần hỗ trợ các chương trình cho các tỉnh về tập huấn kỹ thuật, giống, mô hình trồng mới, các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến tiến, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm vật tư đầu vào và phát thải cho người sản xuất, truy xuất nguồn gốc nhằm cải tạo vườn cà phê đã già cỗi góp phần nâng cao năng suất chất lượng cà phê.

Bên cạnh đó, Bộ cần xây dựng chương trình, dự án khảo nghiệm để lựa chọn ra các giống cà phê mới phù hợp với yêu cầu sinh thái và vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu phục vụ cho tái canh diện tích cà phê già cỗi và trồng mới để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

cf 2

 Cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn. 

Tiến sĩ Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột - đề nghị: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn thành việc công bố bộ tiêu chí cà phê chất lượng cao và hệ thống quản lý. Cần triển khai thí điểm việc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các nội dung phân công theo đề án, đặc biệt là quy hoạch vùng sản xuất cà phê chất lượng cao. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Ban điều phối ngành hàng cà phê cần đưa nội dung phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản vào các chương trình hành động điều phối tầm quốc gia…”.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông nghiệp phát thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Để phát triển cà phê Việt Nam chất lượng cao, đặc biệt là tăng giá trị không chỉ ở khâu sản xuất, chế biến tinh mà còn là ở giá trị văn hóa tiêu dùng cà phê để đi vào đúng cảm xúc. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, làm sao để người trồng cà phê được chia sẻ lợi ích nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, Việt Nam cần kiến tạo dư địa mới, không gian phát triển sáng tạo các sản phẩm từ cà phê”.

Tháng 4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Đề án đưa ra các giải pháp toàn diện từ bổ sung chính sách, tổ chức sản xuất, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nguồn vốn đầu tư, hợp tác quốc tế...

Đây là chính sách rất quan trọng chính thức mở ra thời kỳ phát triển ngành cà phê của Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị bằng con đường chất lượng.

 Lê Hà 

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 1 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 23 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 23 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.