WHO cảnh báo thuốc giả đang lưu hành tràn lan trên thị trường
Tổ chức y tế thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ cố tình gian lận trong việc nhận dạng thuốc và/hoặc nguồn gốc thuốc. Theo định nghĩa của WHO, một sản phẩm là thuốc giả có thể chứa thành phần dược chất khác với thông tin trong hồ sơ đăng ký, hoặc thậm chí là không có dược chất. Trường hợp khác có thể chứa đúng thành phần hoạt chất nhưng với hàm lượng/nồng độ không đúng hoặc sản phẩm được đóng gói trong bao bì giả mạo về nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm.
Theo WHO, mỗi năm ước tính có khoảng 250.000 trẻ em trên khắp thế giới tử vong do thuốc sốt rét và viêm phổi giả. Vắc-xin, kháng sinh và các thiết bị y tế kém chất lượng hoặc bị giả mạo góp phần làm tăng thêm số ca tử vong. Có tới 10% thuốc ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là thuốc kém chất lượng hoặc giả hoàn toàn, gây thiệt hại cho các nền kinh tế từ 10 - 200 tỷ USD 1 năm, vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Đài BBC (Anh) đưa tin đã phát hiện thuốc giả bán tại châu Phi do những kẻ lợi dụng khoảng trống trong thị trường. WHO cảnh báo rằng việc sử dụng những loại thuốc này có thể “gây hiệu ứng phụ nguy hiểm” tới sức khỏe con người.
Trên khắp thế giới, nhiều người đã tích trữ các loại thuốc cơ bản. Tuy nhiên, hai nước sản xuất thuốc lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã và đang trải qua thời kỳ phong tỏa và đình trệ sản xuất, do vậy cầu vượt cung khiến những kẻ lừa đảo lợi dụng tình hình làm ăn bất chính.
Trong tuần WHO công bố COVID-19 là đại dịch, đơn vị chống tội phạm liên quan đến y dược của Interpol - Operation Pangea - đã bắt giữ 121 trường hợp ở 90 quốc gia, thu giữ số thuốc nguy hiểm trị giá 14 triệu USD.
Từ Malaysia tới Mozambique, cảnh sát tịch thu hàng chục nghìn khẩu trang và thuốc giả. Tổng thư ký Interpol Jurgen Stock cho biết: “Buôn lậu thuốc giả trong thời kỳ khủng hoảng y tế cho thấy sự coi thường mạng sống của con người”.
WHO cho biết thị trường thuốc giả, bao gồm dược liệu sai hoặc không có tác dụng, hết hạn sử dụng, tại các quốc gia thu nhập và trung bình có thể trị giá hơn 30 tỷ USD.
Mới đây, tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông báo gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện mẫu thuốc aquadetrim vitamin D3 nghi ngờ là giả.
Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những loại kháng sinh đắt tiền. Điển hình là thuốc Zinnat của hãng Glaxo Operations UK Ltd đã từng bị phát hiện bị làm giả tại TP.Hồ Chí Minh.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) từng đưa ra cảnh báo rằng về một phiên bản giả mạo của thuốc điều trị ung thư. Thuốc giả được đóng gói trông giống iclusig, một loại thuốc chống ung thư được sử dụng để điều trị người lớn mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính và bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính. FDA cho biết, viên thuốc này không chứa gì ngoài paracetamol, một loại thuốc giảm đau. Thuốc bị làm giả nhiều tiếp theo là thuốc điều trị rối loạn cương như viagra (sildenafil) và cialis (tadalafil).
Các loại thuốc phổ biến khác là: thuốc rối loạn lo âu như xanax (alprazolam) và ativan (lorazepam), thuốc giảm đau (acetaminophen và oxycodone), thuốc chữa bệnh lao, thuốc điều trị HIV/AIDS, thuốc giảm cholesterol (atorvastatin), thuốc tăng động giảm chú ý (ADHD)... cũng từng được cảnh báo có phiên bản giả mạo.
Thuốc giả không chỉ là bất hợp pháp mà còn là mối quan ngại lớn đối với sức khoẻ cộng đồng. Điều trị bằng thuốc giả mạo không hiệu quả như đối với trường hợp kháng sinh có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc. Đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì rõ ràng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng, quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh tật phát triển thêm khi mà cả cán bộ y tế và người bệnh đều cho rằng đã sử dụng đúng loại thuốc phù hợp. Với các thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do cán bộ y tế không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc.
Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, thậm chí là tá dược kém chất lượng, tồn dư các kim loại nặng và các chất độc sẽ có thể gây triệu chứng nhiễm độc hay suy giảm chức năng các cơ quan quan trọng của cơ thể. Các thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Từ những hậu quả gây hại như vậy thuốc giả có thể làm giảm niềm tin của cộng đồng vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ, các chuyên gia y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà cung cấp dược phẩm chân chính.
Hà Châu
TIN LIÊN QUAN
-
Bổ sung quy định mới về quản lý truy xuất nguồn gốc: Giải quyết khó khăn trong bối cảnh 4.0
-
Nhu cầu lắp đặt cửa cuốn tăng cao, người dân 'sập bẫy' hàng kém chất lượng
-
Sự thật về 'thần dược' tăng chiều cao bán tràn lan trên mạng: Chuyên gia nói gì?
-
Chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc: Người tiêu dùng được lợi