SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Vì sao nạn vi phạm bản quyền mỹ thuật ngày càng nghiêm trọng?

06:37, 23/05/2019
(SHTT) - Các vụ việc vi phạm bản quyền mỹ thuật đang xảy ra liên tiếp thời gian gần đây khiến nhiều họa sĩ bức xúc. Vậy nguyên nhân nào khiến nạn vi phạm này ngày càng nghiêm trọng?

Nạn vi phạm bản quyền mỹ thuật ngày càng nghiêm trọng

Gần đây nhất, vụ việc họa sĩ Hà Hùng Dũng bất ngờ phát hiện 15 bức tranh của anh đã bị sao chép để vẽ lên tường cho một CLB thuộc Khách sạn Pao’s (Sa Pa, Lào Cai) đã như “giọt nước” làm “tràn ly”, bởi tình trạng xâm phạm bản quyền tranh, sao chép tranh vô tội vạ đã diễn ra ở Việt Nam từ rất lâu, và đến nay vẫn không kiểm soát được.

Vụ việc này sau đó cũng đã tạm coi là có động thái xử lý hậu quả, tuy nhiên những mất mát tinh thần và vật chất của họa sĩ, điều vốn khó đong đếm thì lại vẫn tiếp tục không được giải quyết thấu đáo.

Cụ thể, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phát hiện một cá nhân tự xưng là shop Tranh tường, đăng tải trên trang cá nhân và trên trang fanpage rất nhiều tác phẩm hội họa là sáng tạo của anh.

vi pham ban quyen my thuat 1

 

vi pham ban quyen my thuat 2

 

Nhìn hàng lô những “đứa con tinh thần” dứt ruột đẻ ra bỗng nhiên “về nhà người khác”, lại được quảng bá rùm beng, rao bán một cách công khai, họa sĩ Hà Hùng Dũng vô cùng bức xúc. Vì thế, ngày 17/5 anh đã nhờ một số người quen hỗ trợ, vào tận nhà hàng Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao (thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nơi đang trang trí rất nhiều các tác phẩm vi phạm bản quyền tranh nghệ thuật của anh, để chụp hình lưu lại làm bằng chứng.

Được biết, cửa hàng bán tranh là tranh tường Trần Tuân. Không muốn làm to chuyện, họa sỹ Hà Hùng Dũng đã chủ động liên hệ để 2 bên có thể tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề không ồn ào. Tuy nhiên, thái độ của người đứng đầu tranh tường Trần Tuân (Hà Nội) khá thách thức và bao biện cho các lỗi sai phạm.

"Việc em vẽ tranh đó không phải là cố ý lấy cắp bản quyền của anh, thực sự việc đó là bên em không biết được. Bọn em là sinh viên, vẽ tranh để kiếm thêm chút thu nhập, chứ không có thời gian ngồi sáng tác được", người đứng đầu tranh tường Trần Tuân nói.

Mặc dù nhận được chứng cứ các bức tranh vi phạm bản quyền đã bị phá hủy, nhưng chắc rằng những nạn nhân bị xâm phạm bản quyền như Hà Hùng Dũng không thể nào vui. Hồn nhiên sao chép, đạo nhái tranh như chỗ không người, cách làm ăn chộp giật như tranh tường Trần Tuân không hiếm. Một câu hỏi được đặt ra, sau khi hủy các bức tranh tường vi phạm bản quyền thì những thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần cho họa sĩ liệu có được đền bù?

Trước đó, nhiều họa sĩ ở Hà Nội và Huế cũng đã đồng loạt tố cáo nhiều công ty áo dài như Công ty in vải kỹ thuật số L.A, Công ty in vải kỹ thuật số P.T, Công ty TNHH in ấn dệt may P.M, Vải may áo dài L.H… đã sử dụng trái phép các tác phẩm tranh của họ, dùng bừa bãi lên mẫu áo dài, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội.

vi pham ban quyen my thuat

 

Theo họa sĩ Bùi Trọng Dư, hiện tượng xâm phạm bản quyền diễn ra thường xuyên bấy lâu nay và đây cũng không còn là chuyện của riêng anh mà của rất nhiều hoạ sĩ Việt Nam. Tình trạng bị xâm phạm này ngày càng diễn ra thường xuyên và trắng trợn. Nhưng mỗi khi sự việc được phát hiện nó chỉ rộ lên trong một nhóm nhỏ và rồi lại bị nhấn chìm.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết thêm, trước đó, series tranh Ao sen cũng từng nhiều lần lần bị xâm phạm bản quyền: Vbox đã sử dụng làm mẫu mã hộp bánh trung thu (tháng 9/2016); cuộc thi Giọng hát Việt nhí sử dụng làm phông sân khấu (tháng 9/2016); tiệm bánh Trang Nguyên (Hà Nội) tự ý sử dụng làm mẫu mã sản phẩm hộp bánh trung thu (tháng 9/2017)...Chỉ sau khi họa sĩ liên hệ các cơ sở trên mới chịu xin lỗi, bồi thường kinh phí cho việc sử dụng hình ảnh các bức tranh trên.

Chia sẻ với báo chí, họa sĩ Lâm Đức Mạnh (người có bức tranh sơn dầu Đêm thu, vẽ năm 2017, bị xâm phạm trái phép lên áo dài) cũng buồn bã chia sẻ: “Thực ra từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của người gọi là "tạo mẫu thời trang áo dài". Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh dù có cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho đơn vị may áo dài vì sự ấu trĩ của họ, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.

Các họa sĩ dần nản lòng khi thấy đứa con tinh thần của mình bị ăn cắp

Từ những câu chuyện kể trên, có thể thấy, hiện tượng tranh giả hay sao chép tranh ở nước ta đang diễn ra vô cùng phổ biến. Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng thừa nhận, việc vi phạm bản quyền hay tranh giả ở Việt Nam đã trở nên hết sức phức tạp, gần như không thể kiếm soát nổi. Cách thức chép hay làm giả những bức tranh cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Trước tình trạng hỗn loạn của việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm mỹ thuật Việt, một số họa sỹ đã phải tự tìm cách bảo vệ mình, một số họa sỹ đánh dấu ký hiệu riêng, có người cấp cho người mua giấy chứng nhận về tên bức tranh, kích cỡ, chất liệu… để người mua yên tâm.

vi pham ban quyen my thuat 3

 

Tuy nhiên, nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật lo ngại, nếu cơ quan chức năng không sớm tìm biện pháp quản lý, và nếu tình trạng xâm phạm bản quyền tranh vẫn tiếp tục diễn ra tràn lan, không kiểm soát được như hiện nay, không chỉ giá trị của các họa sỹ Việt Nam bị giảm, thị trường tranh Việt bị ảnh hưởng, bởi người nước ngoài không còn tin tưởng vào các giá trị thật của tranh Việt do độ giả quá lớn… mà nó còn làm giảm sức sáng tạo của các thế hệ họa sỹ trẻ đương đại Việt Nam. Bởi không mấy ai không nản lòng thoái chí, khi thấy những tác phẩm nghệ thuật - đứa con tinh thần do mình vất vả sáng tạo ra, ngang nhiên bị sao chép với chất lượng kém, rồi được bày bán tràn lan mà không hề có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt. Còn bản thân các họa sỹ, người nhà họa sỹ thì nếu có biết cũng chỉ có thể “kêu trời” như hiện nay.

Cần có biện pháp nghiêm minh để đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền mỹ thuật

Chia sẻ trên báo Văn hóa, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm  cho biết, câu chuyện bản quyền mỹ thuật nếu muốn rạch ròi thì phải có giải pháp xử lý kiên quyết hơn là xin lỗi suông.

Theo luật sư Tám Trần (luật sư bản quyền, công ty IPCom Việt Nam), khi phát hiện ra tranh bị “đạo” in lên vải, vẽ lên tường thì bước đầu tiên cần làm là thu thập chứng cứ xâm phạm. Đại đa số các họa sĩ đều bỏ qua bước này và chỉ chụp lại ảnh để làm bằng chứng. Nếu khởi kiện ra tòa dân sự, những bức ảnh chụp này hầu hết không có giá trị.

Các họa sĩ cần làm gì để bảo vệ tác phẩm của mình?

Như vậy, cho tới thời điểm hiện tại, các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền đều đã để các công ty vi phạm xóa dấu vết mà chưa kịp lập vi bằng. Luật sư Tám Trần cũng tư vấn cho các họa sĩ các bước tiếp theo trong việc yêu cầu các đơn vị xâm phạm bản quyền phải thực hiện đúng là liên hệ bên xâm phạm yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại, nếu có. Tiếp đó là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm (nếu bước 2 không hiệu quả). Bước thứ 3 này chính là việc khởi kiện ra tòa án dân sự hoặc nhờ tới các cơ quan chức năng như thanh tra văn hóa, quản lý thị trường vào cuộc).

Luật sư Tám Trần cho rằng, việc thu thập chứng cứ và lập vi bằng là cực kỳ quan trọng. Đặt vào trường hợp của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị tranh tường Trần Tuân vi phạm tác quyền của 15 bức tranh, luật sư Tám Trần nhận định, nếu bước đầu tiên được tuân thủ, ngay cả khi khách sạn Pao’s đã niêm phong các bức tranh tường và xóa sạch các bức tranh chép, họa sĩ vẫn hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều họa sĩ Việt Nam hầu như đều bỏ qua bước này. Vì thế, kết quả tốt nhất họ nhận về chỉ là lời xin lỗi của phía sai phạm và hủy bỏ các sản phẩm có sử dụng bản quyền tác phẩm. Sau vụ liên quan đến khách sạn Pao’s Sa Pa, họa sĩ Hà Hùng Dũng lại phát hiện thêm một cơ sở spa mang tên “Junhee beauty Academy” ở Hà Nội sao chép tranh của anh lên tường. Bản thân họa sĩ đang rất mệt mỏi khi phải chạy theo các vụ việc liên quan tới bản quyền tranh. 

Minh Thư

Tin khác

Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Ngày 20/4/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2024. Hội nghị thu hút sự tham gia của sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Bà Francesca Gino, người từng là giáo sư Tandon Family về quản trị kinh doanh tại Harvard Business School, đã bị cáo buộc đạo văn và hiện đang nhận sự điều tra từ phía trường học. Vụ việc này đặt ra câu hỏi về tính trung thực trong nghiên cứu học thuật.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Đại diện của các tổ chức dược phẩm quốc tế đã đề nghị bộ trưởng Y tế các nước G20 có những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, bao gồm cho phép chuyển giao công nghệ và hợp tác tự nguyện, cùng nhiều hoạt động khác.
Tài sản trí tuệ 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, một nghệ sĩ quyết định khởi kiện Shein với cáo buộc thương hiệu này đã vi phạm bản quyền khi sử dụng AI để sao chép tác phẩm của mình.