SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Ứng dụng AI hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính

16:07, 19/07/2023
Mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý ở khu vực công cần phải thân thiện với người dân, đòi hỏi tính bảo mật và tính chính xác cao. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng nên mô hình trên cũng là thách thức.

Chiều ngày 18/7, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (Sihub), Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM đã diễn ra sự kiện kết nối sáng tạo tháng 7/2023 với chủ đề “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác quản lý Nhà nước”.

Chương trình thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công (Inno-Coffee) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công và tạo điều kiện các doanh nghiệp, startup đưa ra những sáng kiến giải quyết vấn đề đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Quá tải trong việc xử lý hồ sơ

TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và cũng là đô thị đông dân nhất cả nước với dân số gần 10 triệu người. Tuy nhiên, đội ngũ công chức, viên chức phục vụ có xu thế giảm nên đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ để giải quyết các công việc.

PGD SO KHCN

Ông Lê Thanh Minh – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. 

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Minh – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho biết theo thống kê, cán bộ công chức của các tỉnh thành trong cả nước bình quân 1 người công chức thực hiện nhiệm vụ cho 137 nghìn người dân, ở TP.HCM một công chức phục vụ 441 nghìn người, gấp nhiều lần so với cả nước.

Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A đông dân nhất của TP.HCM, dân số bằng một nửa dân số của tỉnh Bắc Kạn và bằng dân số với quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, công chức của xã chỉ có 31 người, trong khi đó, công chức tỉnh Bắc Kạn là 1.489 người, quận Phú Nhuận là 416. Con số này cho thấy, đối với một người công chức phục vụ cho người dân ở xã Vĩnh Lộc A nói riêng và TP.HCM nói chung là quá tải.

"Số lượng hồ sơ trong đợt khảo sát của TP.HCM vào năm 2019, ở tỉnh Quảng Ninh, tại trung tâm hành chính công xử lý tất cả hồ sơ một năm của tỉnh này chỉ bằng một ngày của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Cho nên việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào để hỗ trợ cho công chức trong xử lý hồ sơ làm báo cáo cũng như để phục vụ tốt cho người dân là việc "nóng" của TP.HCM", ông Minh nói. 

Trước đó, UBND TP.HCM xác định việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2022 – 2025 ở khu vực công nói chung và chuyển đổi số nói riêng là động lực chính nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người dân thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền và nâng cao năng lực quản lý, sáng tạo của các cán bộ công chức, viên chức TP.HCM.

Ông Minh kỳ vọng chương trình có sự gắn kết giữa các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo.

Mô hình ứng dụng AI đòi hỏi phải chính xác

Theo các chuyên gia, hiện tại, người dân muốn tìm thông tin sẽ tìm kiếm trên google, các trang thông tin điện tử của các cơ quan hoặc gọi điện trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước để hỏi thông tin. Bên cạnh đó, công chức viên chức cũng tìm kiếm các thông tin thông qua google. Tuy nhiên, mức độ chính xác trên nền tảng này là tương đối, vì vậy cần có một mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các hoạt động chính xác hơn, nhanh chóng hơn.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Sương - quyền Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - đề xuất một số nội dung đặt hàng của Sở về mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý Nhà nước. 

Cụ thể, các mô hình, giải pháp cần phải đảm bảo yêu cầu mô hình hỗ trợ và tương tác tốt với người dùng, cho phép đặt câu hỏi và nhận được phản hồi tự nhiên nhanh chóng, đặc biệt mô hình phải được đánh giá, kiểm tra độ tin cậy và thông tin trả lời chính xác dựa trên dữ liệu đã được cung cấp.

Bên cạnh đó, mô hình phải có khả năng mở rộng để có thể xử lý nhiều loại câu hỏi và yêu cầu khác nhau; tự học dựa vào các câu hỏi đầu vào; khả năng học nhanh các dữ liệu mới được cập nhật. Đồng thời, giao diện người dùng thân thiện và dễ sử dụng giúp người dùng tương tác một cách dễ dàng và thoải mái, cung cấp trải nghiệm tốt hơn.

Ngoài ra, mô hình cần đảm bảo tính bảo mật và bảo vệ thông tin. Phải có các biện pháp bảo mật dữ liệu, chính sách quản lý quyền riêng tư và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu,...

so khcn tphcm

Sự kiện kết nối sáng tạo tháng 7/2023 diễn ra tại Hội trường Saigon Innovation Hub (TP.HCM).

Tại sự kiện, TS Nguyễn Hữu Huân - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Promete (Promete) giới thiệu về trợ lý ảo Milu. Theo ông Huân, trợ lý ảo Milu được xây dựng trên nền tảng công nghệ là Open AI để phát triển chatbot, tuy nhiên, sự khác biệt của promete và ChatGPT là Promete có thể huấn luyện riêng cho chatbot này để lấy được dữ liệu của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Sở Khoa học và Công nghệ có bộ dữ liệu, Promete sẽ dùng cơ sở dữ liệu đó để huấn luyện cho chatbot và từ đó chatbot cung cấp thông tin dữ liệu.  

Ông Huân cho rằng ChatGPT chỉ cập nhật dữ liệu đến năm 2021, nếu khi hỏi Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có bao nhiêu phòng ban thì ChatGPT không trả lời được, vì ChatGPT là thuật toán gần đúng và thường tìm kiếm thông tin trên mạng nên độ chính xác không cao.

Khi doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng thì các thông tin AI cung cấp cho họ đòi hỏi phải chính xác 100%. Vì thế, ChatGPT sử dụng để soạn thảo văn bản là chính, còn việc ứng dụng vào khu vực công còn hạn chế.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Huân, Promete có 2 giải pháp, vẫn sử dụng Open AI nhưng xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của từng sở, ban, ngành, từ đó, AI của ChatGPT sẽ nắm bắt được thông tin đó và chỉ được trả lời trong thông tin đã có. 

AI của Sở Khoa học và Công nghệ phải nắm bắt được các quy trình, quy định. Chẳng hạn như việc đăng ký sở hữu trí tuệ phải thực hiện như thế nào thì lúc này AI sẽ hướng dẫn người dân đăng ký và làm các thủ tục cụ thể. "Dĩ nhiên, AI không phải trả lời rập khuôn mà khi chúng ta hỏi liên tiếp những câu hỏi, AI sẽ trả lời được như một cuộc trò chuyện của người dân và một cán bộ", ông Huân nói.

Bên cạnh đó, AI của Promete có thể hỗ trợ người dân điền các biểu mẫu theo mẫu của Sở Khoa học và Công nghệ, sau đó nộp cho người dân và chấm luôn đúng sai, sau khi chấm sẽ chuyển qua cho cán bộ của Sở, lúc này công việc sẽ dễ dàng hơn. 

Theo ông Huân, AI có thể trả lời cho hàng triệu người dân ở cùng một thời điểm mà con người không làm được. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ gia tăng hiệu suất lao động trong lĩnh vực hành chính công. 

Võ Liên

 

Tin khác

Khoa học Công nghệ 18 giờ trước
(SHTT) - Trang web tại địa chỉ ‘vietgcv [.] cc’ giả mạo cổng thông tin của Thông tin và Truyền thông là 1 trong 20 website lừa đảo vừa được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin đưa ra cảnh báo.
Khoa học Công nghệ 21 giờ trước
(SHTT) - Trong một nghiên cứu mới được công bố trên Cell Reports, các nhà nghiên cứu đã phát triển một phương pháp sinh học kết hợp trí tuệ nhân tạo, di truyền và phân tích đa omics để khám phá mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và bệnh Alzheimer
Khoa học Công nghệ 3 ngày trước
(SHTT) - Các nhà khoa học ở Trung Quốc mới đây đã phát triển một phương pháp xét nghiệm ung thư mới, mở ra bước tiến lớn trong lĩnh vực y tế và triển vọng trong việc phát hiện và cứu sống hàng triệu người trên toàn thế giới.
Khoa học Công nghệ 4 ngày trước
(SHTT) - Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA), khoảng hơn 20.000 xe ô tô Hyundai Santa Fe thế hệ mới sẽ bị triệu hồi do hệ thống camera lùi có nguy cơ bị mất hình ảnh hiển thị trên màn hình dẫn đến giảm tầm nhìn của lái xe phía sau và tăng nguy cơ tai nạn.
Khoa học Công nghệ 5 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, các nhà Khoa học đã tìm ra vật liệu mới mang tên "goldene" (lá vàng mỏng nhất thế giới) hứa hẹn nhiều ứng dụng quan trọng trong biến đổi carbon dioxide và sản xuất hydro.