SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 08/04/2024
  • Click để copy

Ứng dụng AI trong y học, hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ thoát cảnh tàn phế

07:12, 28/10/2022
(SHTT) - Theo bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), trong vòng 3 năm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để chẩn đoán và điều trị đột quỵ, bệnh viện đã can thiệp và cứu sống thành công 48% số bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện sau giờ vàng.

 Ngày 27/10, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM đã đến giám sát tình hình triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030 tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115. Tại cuộc giám sát này, BV Nhân dân 115 đã nói về thế mạnh của BV trong ứng dụng AI cứu bệnh nhân đột quỵ.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, trước đây, bệnh nhân đột quỵ tắc mạch máu não nhập viện trong 6 giờ đầu sẽ được can thiệp, kết quả khả quan. Tuy nhiên, nếu sau 6 giờ, bác sĩ không thể làm gì, người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế hoặc tử vong. 

Tuy nhiên từ năm 2019, Bệnh viện Nhân dân 115 áp dụng Phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid, đã có trên 1.000 ca đột quỵ tắc mạch máu não đến sau giờ vàng được can thiệp thành công. “Hơn 1.000 người phục hồi trở về với gia đình là một giá trị, ý nghĩa rất lớn”, bác sĩ Báu nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Khang, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 14.000 ca đột quỵ não. Năm 2015, thời gian cửa sổ để can thiệp đột quỵ não là 6 giờ (theo Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ và Hiệp hội đột quỵ thế giới). Tuy nhiên, năm 2018, cửa sổ thời gian được mở rộng đến 24 giờ.

tri tue nhan tao

 

Bệnh viện Nhân dân 115 ngay lập tức tìm hiểu lý do và xác định chìa khóa chính là phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID. Phần mềm này được ứng dụng tại Hoa Kỳ và được FDA công nhận.

“Chúng tôi đã mày mò và trực tiếp Giám đốc bệnh viện đi kiếm nguồn. Mặc dù năm 2018 chúng ta đã biết RAPID nhưng cơ chế để có phần mềm này không hề dễ. Phải mất khoảng hơn nửa năm và phải thông qua giám đốc đi ngoại giao mới có được. Nếu không, chắc chắn không có!

Ngay lập tức, chúng tôi triển khai vào năm 2019. Giờ đây, mỗi ngày có 2 bệnh nhân đột quỵ đến sau 6 giờ được áp dụng RAPID và 1 người trở về cuộc sống bình thường", bác sĩ Khang xúc động chia sẻ.

Dựa trên phần mềm RAPID, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác vị trí mạch máu tắc, định lượng vùng não chết và vùng não cần cứu chữa – tái thông sớm. Từ đó bác sĩ chỉ định có thể can thiệp cho bệnh nhân hay không. Thay vì trước đây, nếu bệnh nhân đến sau 6 giờ sẽ không can thiệp hoặc chỉ điều trị nội khoa.

Chia sẻ về đề án Y tế thông minh, TS-BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết nhìn qua công cuộc chống dịch Covid-19 thì đầu tư cho y tế thông minh trong chống dịch, trong khám chữa bệnh rất quan trọng. Đặc biệt là tình hình hiện nay rất khó khăn về nhân sự, tài chính thì mới thấy được tầm quan trọng của nó.

Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, do UBND TP HCM ban hành, mục tiêu triển khai chuyển đổi số hướng đến xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế, giúp dự báo và xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc sức khỏe người dân. Trong đó, nổi bật là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, quản lý dịch bệnh bằng nền tảng số, hệ thống điều hành cấp cứu thông minh...

Được biết, Đề án Y tế thông minh của ngành y tế gồm 5 nhóm hoạt động chính.

Nhóm 1, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp cho dữ liệu lớn của TP.

Nhóm 2, triển khai các ứng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Nhóm 3, triển khai các ứng dụng CNTT trong phát triển chuyên môn và công tác quản trị BV góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các BV.

Nhóm 4, triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế.

Nhóm 5, triển khai các ứng dụng CNTT nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời kỳ Covid-19 và trong bối cảnh bình thường mới.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện TP HCM đã triển khai y tế thông minh nhưng gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí, đội ngũ nhân lực để vận hành. 

Hồi tháng 5, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đặt hàng nhà khoa học, viện trường, doanh nghiệp các giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc chăm sóc sức khỏe người dân như khám từ xa (telehealth); ứng dụng AI đọc kết quả X-quang phổi...

Minh Hà

Tin khác

Khoa học Công nghệ 7 giờ trước
(SHTT) - Văn phòng Thống đốc tiểu bang Washington dẫn đầu phái đoàn gồm khoảng 46 lãnh đạo doanh nghiệp, cảng, ngành công nghiệp và giáo dục trong chuyến thăm của phái đoàn thương mại kéo dài năm ngày đến Việt Nam. Bộ Thương mại và Bộ Nông nghiệp của tiểu bang Washington cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động của đoàn.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Apple chuẩn bị ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn ReALM, “ngầm” thách thức với ChatGPT và OpenAI.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Các nhà khoa học mới đây đã phát hiện ‘dao động gamma’ tăng lên trong não bộ sau khi chết, mở ra khía cạnh mới trong việc hiểu biết về hoạt động của não bộ con người trong khoảnh khắc cuối cùng.
Khoa học Công nghệ 1 ngày trước
(SHTT) - Một nhóm các nhà nghiên cứu đa ngành tại Đức đã chế tạo ra một loại vải dệt thông minh có thể truyền cảm giác từ xa dựa trên các mô phỏng trên máy tính.
Khoa học Công nghệ 2 ngày trước
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Aston (Anh) đã đạt được thành công lớn khi đạt được tốc độ truyền dữ liệu lên đến 301 terabit/giây, nhanh hơn 4,5 triệu lần so với tốc độ băng thông rộng trung bình tại Anh.