Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, việc hợp tác thúc đẩy tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác dựa trên năng lực số; biến thông tin thành tri thức để hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao sinh kế và đời sống cho người dân, giảm thiểu tác động của thông tin tiêu cực là nhu cầu bức thiết hiện nay, ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó có ASEAN.
Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN là diễn đàn quan trọng để các quốc gia thành viên, cùng các nước đối thoại, trao đổi và xác định các ưu tiên, định hướng hợp tác trong thời gian tới, chung tay thực hiện thành công các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và các ưu tiên của Cộng đồng ASEAN.
hó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tin tưởng rằng, các vị Bộ trưởng và đại biểu sẽ cùng chia sẻ, đưa ra những khuyến nghị có giá trị cho Cấp cao ASEAN; thống nhất được các chương trình hành động cụ thể, để tiếp tục khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của lĩnh vực thông tin trong tiến trình phát triển ASEAN; biến thông tin thành tri thức cho người dân, như chủ đề của Hội nghị năm nay: Truyền thông: Từ thông tin đến tri thức vì một ASEAN tự cường và thích ứng.
Đồng thời, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân cũng đề xuất Hội nghị quan tâm thảo luận một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; nâng cao khả năng tiếp cận internet và kĩ năng số cho người dân; tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEAN và các quốc gia thành viên; đẩy mạnh các thông tin chính thống, tích cực; xử lý tin giả, tin sai; quan tâm đối với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cơ sở để phục vụ người dân, đảm bảo tri thức được lan tỏa rộng khắp và không ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã khái quát những nhận diện về lĩnh vực Thông tin - Truyền thông. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số đã và đang thúc đẩy lĩnh vực TT&TT thay đổi mang tính cách mạng. Vì vậy, cách làm, cách tiếp cận Thông tin-Truyền thông phải đổi mới, nhưng vẫn phải giữ vững sứ mệnh cốt lõi của truyền thông là: cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, phổ biến tri thức, trao thêm sức mạnh cho con người, phục vụ cho phát triển, tăng cường hiểu biết và đoàn kết giữa các dân tộc, các nước thành viên ASEAN và quảng bá hình ảnh, giá trị của ASEAN ra thế giới. “Hiện nay, thông tin thì quá nhiều nhưng tri thức và sự thấu hiểu thì lại đang có xu thế ít đi. Trong một thế giới đầy thay đổi, quá nhiều thông tin còn có thể gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ.
Truyền thông lúc này cần mang đến những tri thức mới để giúp chúng ta thích ứng nhanh, để sử dụng công nghệ mới cho mục tiêu phát triển và hợp tác, để mang lại năng lượng tích cực, và nuôi dưỡng niềm tin vào một tương lai hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và thế giới" – Bộ trưởng TT&TT Việt Nam nhấn mạnh.
Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN năm nay đã thống nhất lựa chọn chủ đề: “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN phản ứng nhanh và có khả năng chống chịu”. Muốn phản ứng nhanh với sự thay đổi thì phải nhanh chóng tìm ra được tri thức mới từ sự thay đổi. Muốn có khả năng chống chịu và hồi phục sau một sự va chạm lớn, sau một thảm hoạ thì phải được trang bị tri thức mới.
Bởi vậy, lĩnh vực thông tin và truyền thông phải chuyển đổi từ việc cung cấp thông tin, tin tức đơn thuần sang cung cấp tri thức và sự thấu hiểu cho người dân để giúp họ tồn tại trong một thế giới biến động, khó lường, phức tạp và mơ hồ (VUCA).
Các mạng xã hội hiện nay đang là các nền tảng quan trọng để tạo ra và chia sẻ thông tin. Các nền tảng số cần trở thành nền tảng để tạo ra và chia sẻ tri thức hữu ích cho con người. Các mạng xã hội phải trở thành mạng xã hội của thông tin, của tri thức và sự thấu hiểu. Công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, đã sẵn sàng cho việc tạo ra tri thức và sự thấu hiểu từ thông tin. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo về thông tin và truyền thông ASEAN, phải dẫn dắt tiến trình này.
Con người ngày càng sáng tạo ra những công nghệ có sức mạnh lớn hơn. Nhưng sức mạnh hủy diệt của công nghệ cũng lớn như sức mạnh phát triển của nó. Bởi vậy, khía cạnh đạo đức của công nghệ, việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, cũng như trách nhiệm xã hội của các nền tảng truyền thông (media platform), cần được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Và đây cũng là trách nhiệm của lĩnh vực thông tin và truyền thông ASEAN.
Phạm Tuấn