SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển kinh tế tư nhân

08:06, 27/01/2020
(SHTT) - Doanh nghiệp tư nhân là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Từ chỗ nền kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, đến nay, doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp khoảng 42% vào GDP và tạo ra ngày càng nhiều việc làm.

Năm 2019, số lao động trên 15 tuổi đang làm việc cho khu vực tư nhân chiếm 83,3%, khoảng 45,2 triệu người. Tuy nhiên, nhiều năm qua, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chưa được đối xử công bằng với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và DN FDI, do vậy, chính sách không công bằng đã làm kìm hãm sự phát triển và đóng góp của DNTN vào ngân sách Nhà nước.

1

 

DNTN... “tự bơi” trong dòng chảy thị trường

Luật DN năm 1999 với phương châm “DN và người dân được kinh doanh những ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm”, đã tạo đà cho kinh tế VN phát triển.

Giai đoạn từ năm 2000-2003, khi thực thi Luật DN số 13/1999/QH10 ngày 12.6.1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2000), Thủ tướng CP và CP đã bãi bỏ được khoảng 160 giấy phép kinh doanh (GPKD) các loại không cần thiết, không hợp lý. Cải cách này như làn gió mới, tạo động lực thúc đẩy và phát triển DN trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, sang năm 2004, thời điểm cuối cùng của nỗ lực cắt bỏ những GPKD không cần thiết, một “rừng” GPKD hoặc điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mới bắt đầu mọc lên một cách nhanh chóng.

Kể từ năm 2004 đến trước khi ban hành Luật Đầu tư và Luật DN năm 2014, gần như không có thêm một cải cách đáng kể nào được thực hiện thành công đối với quy định về ĐKKD, để từ đó các bộ ra sức “hành” các DN bằng các GPKD, các cuộc thanh tra, kiểm tra tốn nhiều chi phí cho DN.

Từ chính sách thực hiện nhiều năm qua dễ dàng nhận thấy, DNNN đã tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất, nhưng hiệu quả thì thấp nhất lại luôn nhận được nhiều ưu đãi về nguồn vốn, thuế, đất đai, lãi suất, bảo lãnh từ Chính phủ... Tiếp theo đó là các DN FDI. Trong khi đó, DNTN phải chịu nhiều thiệt thòi, ngoại trừ các DN thân hữu, có quan hệ với nhóm lợi ích hoặc là sân sau của các DNNN. Đây chính là nghịch lý với các thể chế của các quốc gia có nền kinh tế thị trường, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế đất nước.

Ngoài những khó khăn do tính thiếu công bằng đối với các loại hình DN từ những chính sách của NN, DNTN hiện nay phải đối mặt với khó khăn lớn là tình trạng các cơ quan NN không hiểu luật, hoặc hiểu khác so với tinh thần của luật. Các chính sách hỗ trợ DNTN hiện nay rất thiếu tính thực tế, khiến không đi vào cuộc sống. Đã có nhiều chính sách được ban hành, nhưng chẳng có một giải pháp triển khai nào cụ thể, khiến cho tiến trình thực hiện vẫn dậm chân tại chỗ. Do đó, phải có tiêu chí chung. Ưu đãi phải dựa trên hiệu quả, không phân biệt đó là DN nào. Từ những tiêu chí cụ thể sẽ có những ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho từng DN, từng lĩnh vực.

Số liệu thống kê năm 2018 cho thấy, DNTN  lại là khu vực có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước với 407,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,7% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 22,2% so với năm 2016.

Dù có lợi nhuận cao nhất với nhiều ưu đãi vượt trội về hỗ trợ giá đất, miễn giảm thuế, song khu vực doanh nghiệp FDI năm 2018 lại chỉ đóng góp được 27,9% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp và chỉ tăng 6% so với năm 2016.

So sánh về mức đóng góp ngân sách giữa các khu vực DNNN, DN FDI, DNTN có thể thấy rằng, các chính sách của Nhà nước chưa công bằng, ưu ái cho DNNN và DN FDI.

2

 

Tại thời điểm 31/12/2018 số doanh nghiệp đang hoạt động cả nước đã đạt tới con số 714.755 doanh nghiệp, đặc biệt số lượng doanh nghiệp thành lập mới cả nước đã tăng nhanh trong thời gian qua. Ba năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều trên 100 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay (năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp; năm 2017 có 126.859 doanh nghiệp và năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp).

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt kỷ lục mới với gần 102.300 doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Khu vực nhà nước có 2.486 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, khu vực tư nhân có 541.753 doanh nghiệp, khu vực FDI có 16.178 doanh nghiệp.

Khu vực DNTN thu hút 17,5 triệu tỉ đồng vốn, chiếm 53% tổng vốn, khu vực DNNN thu hút 9,5 triệu tỉ đồng, chiếm 28,8%, khu vực DN FDI thu hút khoảng 6 triệu tỉ đồng, chiếm 18,1%.

Hơn ba thập niên với nhiều sự thay đổi, từ sự tập trung vào khối DNNN để rồi kết quả là nhiều doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thậm chí một số trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng, đến nay vai trò kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định. Trong một vài năm gần đây bắt đầu xuất hiện một số DNTN có sức phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng tiếp cận nhiều ngành sản xuất, dịch vụ quan trọng và trở thành những công ty có sức cạnh tranh hàng đầu. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực với các thương hiệu như Vingroup, TH Truemilk, Hòa Phát, Vietjet Air, FLC...

DNTN Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có một triệu DNTN và nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế này lên đến 50-60% GDP.

Thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là dư địa và động lực quan trọng bậc nhất cho sự phát triển kinh tế ở Việt Nam.

3

 

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ (CP) đã ban hành nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020. Tiếp đó, ngày 16.5.2016, chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo đó doanh nghiệp nhất là DNTN, được xác định là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, một số bộ, ngành chưa có quan điểm, nhận thức đúng đắn về sự khác nhau giữa điều kiện kinh doanh ( ĐKKD) và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Do đó còn lúng túng trong việc xác định loại văn bản phải nâng cấp thành nghị định, trong bối cảnh số lượng thông tư phải nâng cấp thành nghị định là rất lớn mà công việc tập hợp, rà soát các ĐKKD chỉ mới tiến hành trong vài tháng gần đây. Thêm nữa, các quy định về ĐKKD còn nhiều khiếm khuyết như nhiều ĐKKD không rõ ràng, không minh bạch, không nhất quán, không đồng bộ, không ổn định, không khả thi và không thể đoán trước, nhằm quản trị rủi ro về chính sách đối với các DN.

Chẳng hạn như dự thảo nghị định về ĐKKD trong lĩnh vực công thương, do Bộ Công Thương soạn thảo yêu cầu những thương nhân nhập khẩu xe từ 9 chỗ trở xuống phải “Được chỉ định hoặc ủy quyền bằng văn bản của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, trong đó nêu rõ là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó”. Đây thực chất là một quy định của Thông tư 20/2011, vốn đã làm cho hàng trăm DN nhập khẩu ôtô con bị phá sản từ năm 2011 đến nay. Thậm chí có DN còn bị kẹt tới 8 triệu USD ở nước ngoài do thông tư này. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ôtô thường chỉ cần một đại lý ở VN nên các DN thương mại không thể lo được giấy ủy quyền chính hãng như quy định tại Thông tư 20/2011. Các DN phải kinh doanh xe cũ, còn DN nước ngoài ung dung đặt đại lý ở VN.

Đáng lưu ý là trong quá trình nước rút rà soát ĐKKD hiện nay, nhiều bộ, ngành không những không loại bỏ ĐKKD trái thẩm quyền mà còn “sáng tạo” thêm. Cụ thể là tờ trình dự thảo kinh doanh mũ bảo hiểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, ngoài việc nâng cấp các nội dung từ thông tư lên nghị định còn bổ sung nhiều ĐKKD khác như: DN phải có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất… Như vậy, DN chưa có giấy phép hoạt động đã phải tổ chức hệ thống phân phối là quy trình rất ngược. Thậm chí, tờ trình của Bộ GTVT về kinh doanh vận tải biển còn siết thêm về ĐKKD. Tờ trình này nêu “trong thời gian qua, do ĐKKD đơn giản, nhiều DN vận tải biển được thành lập với năng lực khai thác của các chủ tàu rất hạn chế, kinh doanh khó khăn, nợ quá hạn kéo dài, thu không bù được các chi phí… Do đó, cần thiết phải bổ sung một số điều kiện nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh vận tải biển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển.

Ngoài ra, dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT chủ trì soạn thảo, vốn là sự tích hợp 39 thông tư có những quy định rất “choáng váng” như “Địa điểm cửa hàng là nhà kiên cố, khô ráo, thoáng gió”; “tường, nền phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi”… Những ĐKKD này là rất vô lý. Nhiều DN xuất khẩu gạo đã đề nghị bãi bỏ quy định về điều kiện DN phải sở hữu kho gạo có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất 10 tấn thóc/giờ mới được quyền tham gia xuất khẩu gạo. Đây rõ ràng là một quy định không có căn cứ, luận chứng khoa học. Tại sao buộc phải có kho chứa lớn, trong khi việc kinh doanh không đòi hỏi?

Đâu là giải pháp?

Hiện nay, cần phải giải quyết gấp rút và triệt để trong lĩnh vực ĐKKD là làm hài hòa những băn khoăn giữa 2 nhà quản lý và nhà DN. Nhà quản lý thì luôn phàn nàn là đề ra nhiều ĐKKD như vậy cho dễ quản lý, nhưng vẫn không nắm được tình hình chấp hành ĐKKD của DN. Do vậy, thời gian qua đã nhiều DN lách luật, làm tổn hại lợi ích kinh tế của quốc gia. Ngược lại, DN phản ánh rằng, hiện nay có quá nhiều ĐKKD rất khó để DN tuân thủ và chấp hành đầy đủ. Việc xin được đầy đủ các ĐKKD là rất khó khăn, nhiều khi phải có chi phí mới được, làm giảm năng lực cạnh tranh, có khi còn mất đi cơ hội kinh doanh.

4

 

Hiện nay, đã có 50 dự thảo nghị định đệ trình CP. Giải pháp ở đây là cùng với việc chủ động, tích cực cắt giảm các ĐKKD không cần thiết. Nhà nước cần công bố thật rõ ràng, minh bạch các ĐKKD bắt buộc phải duy trì, không thể xóa bỏ được để DN chủ động tiếp cận, cân đối năng lực và mức độ phù hợp của DN để đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Theo đó, các dự thảo nghị định phải công khai các thông tin như bao nhiêu ĐKKD được nâng cấp, sửa đổi, bãi bỏ và thêm mới. Yêu cầu này là chính đáng, bởi có thế người dân và DN mới đánh giá được mức độ, chất lượng của cải cách, đánh giá được sự liêm chính của các bộ, ngành. Nếu không đáp ứng được điều này, DN và người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ những nỗ lực của cải cách.

Theo đó, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp.

Sau hơn ba thập niên phát triển, nền kinh tế Việt Nam đang vào lối rẽ mà tăng cường năng lực của các doanh nghiệp là lẽ sống còn. Năng lực của nền kinh tế hiện nay có phần phụ thuộc nhiều việc phát triển, đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ của khối kinh tế tư nhân. Việc tạo sức mạnh cho nền kinh tế chính là việc phát triển các DNTN đạt hiệu quả cao.

Do vậy, Nhà nước phải tự đổi mới mình bằng cách đổi mới cơ chế quản lý các DNNN và đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN ở những ngành, những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ toàn bộ để đẩy lượng tài sản, năng lực sản xuất sang khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng mới ở khu vực tư nhân. Từ đó giúp cho khu vực này lớn lên và liên kết với nhau trở thành những dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị nhằm tạo ra được những thực thể kinh tế tư nhân có tầm vóc, có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, kinh tế tư nhân phải được xác định là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế, dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ những lợi ích nhóm trong chính sách và hoạt động của DNNN bằng việc bãi bỏ các thông tư của các Bộ, nâng cấp lên thành nghị định của CP từ sau ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, sự chấn chỉnh trên mới chỉ là giai đoạn đầu, cần có thời gian lắng nghe và cải tiến liên tục mới có sự hoàn thiện.

Giải pháp quan trọng nữa là “Cần những giải pháp công bằng với 3 loại hình DN”. Theo thông lệ thế giới, việc Nhà nước thực thi chính sách công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế, không phân biệt loại hình DNNN hoặc DNTN trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai...và đầu tư kinh doanh, được xem là động lực phát triển kinh tế cho quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đã có một thời gian dài, Nhà nước đã quá ưu ái cho những DN độc quyền của Nha nước, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI)..., đã đẩy mọi nỗ lực tồn tại và phát triển của các DNTN vào chỗ khó khăn.

Hiện nay, Nhà nước vẫn nắm độc quyền và ấn định giá ở những yếu tố đầu vào như viễn thông, năng lượng, đất đai... Điều này khiến DNTN khó gia nhập vào các thị trường này, bởi những giấy phép kinh doanh có điều kiện, không đủ quy mô và nguồn lực để cạnh tranh sòng phẳng. Thực trạng này, đã và đang tạo ra sự méo mó của nền kinh tế thị trường với sự điều chỉnh cung – cầu, gây ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế, nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Do vậy, vấn đề cần giải quyết là phải ưu tiên chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ nên thu hẹp các lĩnh vực Nhà nước cần đầu tư, nhằm tạo ra khu vực rộng lớn, để các DNTN có thể tham gia đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong cung cấp dịch vụ và hạ tầng.

Ví dụ điển hình là hình thức đối tác công tư (PPP) từng được kỳ vọng là giải pháp gỡ nút thắt về hạ tầng hàng không, huy động được nguồn lực của khối tư nhân để phát triển hạ tầng.

Tuy nhiên sau 5 năm, tất cả dự án lớn được kỳ vọng sẽ do DNTN lĩnh xướng là nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất hay siêu sân bay Long Thành đều được chỉ định thầu cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp có 95,4% cổ phần thuộc sở hữu Nhà nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng tắc nghẽn về hạ tầng hàng không ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể tháo gỡ nếu Chính phủ có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa đầu tư hạ tầng sân bay ở Việt Nam.

Cần biến từ lời nói thành hành động trên thực tế vì nếu nói về xã hội hóa đầu tư sân bay thì Việt Nam đã bàn luận 10 năm nay rồi, không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, sự chuyển hóa thành dự án trên thực tế lại không được nhiều.

Những diễn biến gần đây về nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để giải cứu sân bay này 4-5 năm gần đây, loay hoay rồi cuối cùng lại giao cho DNNN làm. Rồi đến siêu dự án sân bay Long Thành, trước đây có chủ trương xã hội hóa, nhưng gần đây cũng giao về cho ACV làm.

Các chuyên gia cho rằng, nếu dự án T3 Tân Sơn Nhất mạnh dạn giao cho tư nhân thì nhà ga này đã có từ lâu rồi, đã đi vào hoạt động rồi. Chúng ta có nguồn vốn nước ngoài, có nguồn vốn tư nhân. Về tư nhân, các tập đoàn của chúng ta đã ngang ngửa với thế giới rồi. Nhiều sân bay lớn trên thế giới 100% do tư nhân đầu tư và hoạt động rất hiệu quả.

Việc loay hoay trong xây dựng cơ chế đã khiến 7 năm qua ACV không xây dựng được sân bay mới nào cũng như khiến những dự án lớn sau thời gian dài lập đề án, mở thầu, chỉ định thầu rồi lại quay về lựa chọn ACV làm nhà thầu chính.

Nhà nước không nên trực tiếp đầu tư hạ tầng hàng không mà nên là bên đóng vai trò tạo môi trường thuận lợi cho các bên có nguồn lực được đầu tư xây dựng sân bay, đường băng mới.

Cả Vietjet Air, Bamboo Airways và nhiều DNTN khác đều bày tỏ nguyện vọng được xây dựng sân bay, thậm chí khẳng định có thể hoàn thành công trình trong 1 năm nếu được giao mặt bằng sạch. Tuy nhiên đến nay sân bay Vân Đồn vẫn là sân bay tư nhân duy nhất đi vào hoạt động, trong khi dự án sân bay Phan Thiết do Công ty CP Rạng Đông đóng vai trò chủ đầu tư theo hình thức BOT vẫn đang nằm trên giấy.

Mặt khác, Nhà nước cần tách các DNNN công ích khỏi các DNNN hoạt động thương mại. Buộc các DNNN hoạt động thương mại phải tuân thủ kỷ luật thị trường, để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng đối với các DNTN, nhằm giúp DNNN làm ăn hiệu quả hơn.

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực tháo gỡ những lợi ích nhóm trong chính sách và hoạt động của DNNN bằng việc bãi bỏ các thông tư của các Bộ, nâng cấp lên thành nghị định của CP từ sau ngày 1.7.2016. Tuy nhiên, sự chấn chỉnh trên mới chỉ là giai đoạn đầu, cần có thời gian lắng nghe và cải tiến liên tục mới có sự hoàn thiện.

5

 

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của nền kinh tế là mục tiêu cốt lõi của quốc gia trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Và, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia là nền tảng tăng trưởng. Do vậy, cần hạn chế tư duy đề cao DNNN là chủ đạo của nền kinh tế, bởi thời gian qua, có khá nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, bất động sản nằm bất động, nợ xấu lên cao... Bên cạnh đó, cần xem lại những ưu ái quá nhiều từ các địa phương cho DN FDI. Bởi, có quá nhiều bài học cho các DN FDI, từ việc trốn thuế đến các việc xã hội, môi trường...,  mà Nhà nước và nhân dân phải gánh chịu hậu quả.

Lâu nay, những tư duy kinh tế nhằm ưu ái cho DNNN thành “quả đấm thép” hay DN FDI sẽ tạo động lực đã len vào chính sách làm cản trở phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt là khi có cơ hội làm ăn, thì các DN không liên kết với nhau để thành chuỗi giá trị cho nền kinh tế, mà mạnh DN loại hình nào được ưu ái, thì liền tạo lợi ích cho riêng mình, bỏ mặc lợi ích kinh tế của quốc gia. DNNN thì tạo ra những sân sau để chia chác, còn DN FDI thì dùng phần lớn nguồn cung từ các DN của họ trong khu vực hoặc từ công ty mẹ, nhằm chuyển giá, né thuế... Thực tế, trong nhiều năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng sự lan tỏa, tính liên kết giữa DN FDI với DN trong nước gần như không đạt được kết quả như kỳ vọng.

Do vậy, giải pháp tạo sự phát triển kinh tế bền vững bằng cách phân bổ nguồn lực công bằng đối với 3 loại hình DN, là một vấn đề quan trọng rất cần được Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách quan tâm.

TS Nguyễn Văn Khanh

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 3 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.