SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 17/03/2024
  • Click để copy

Nhà thơ, Nghệ nhân ưu tú Vân Khanh - Một đời nhả kén vàng thơ

10:54, 25/01/2020
(SHTT) - Tôi vốn mê thơ, lại càng mê nghe chương trình tiếng thơ. Những bài thơ qua giọng ngâm của các nghệ sĩ diễn ngâm không biết từ bao giờ đã thấm đẫm vào tâm hồn tôi và ăn sâu vào từng tế bào. Và trong số ấy, không thể không nhắc đến giọng ngâm trầm ấm, điêu luyện của Vân Khanh.

Một chút niềm riêng

Nghệ nhân ưu tú Vân Khanh, tên thật là Nguyễn Văn Khánh. Xuất thân là một chàng trai xứ Huế, học hết Trung học đệ nhị cấp (THPT ngày nay), anh vào miền Nam và trở thành giáo sinh khóa đầu tiên của Trường Sư phạm Cộng đồng Tân An (Nay là Long An). Năm 1967 anh tốt nghiệp và trở thành thầy giáo dạy tiểu học tại Khánh Hòa. Từ năm 1969 -1972, anh tiếp tục ghi danh học đại học văn khoa Đà Lạt và trở thành nhà giáo dạy Quốc văn tại Sài Gòn.

VK 5

 

Suốt những năm tháng sinh viên, anh luôn hăng hái tham gia ngâm thơ trong các diễn đàn văn nghệ sinh viên. Bên cạnh lửa đam mê, chàng sinh viên Nguyễn Văn Khánh luôn tự tìm tòi, trau dồi kỹ thuật  ngâm thơ, cách nhấn nhá, nhả chữ từ các nghệ sĩ đàn anh thông qua các chương trình “Tao đàn” của Sài Gòn, “Ngâm thơ” của Huế, “Tiếng thơ” của Hà Nội. Có lẽ đó chính là nguyên do mà giọng ngâm của anh có âm vực rộng, nhả chữ rõ ràng, nhấn nhá câu chữ rất nhuần nhuyễn.

Khi trở thành nghệ sĩ ngâm thơ chuyên nghiệp, anh lấy nghệ danh là Vân Khanh. Giới mộ điệu trước đây không ai không biết giọng ngâm của anh.

Anh nổi danh trên sóng phát thanh Sài Gòn từ những năm 1966. Đến khoảng 1979 anh xuất hiện với tần số dày đặc trên sân khấu với cả hai vai trò là nghệ sĩ ngâm thơ và người dẫn chương trình (Master of ceremonies). Thời đó, nói đến Vân Khanh là người ta nhớ ngay đến bài thơ “Hồ Trường” của nhà tư pháp Trụ Vũ do Nguyễn Bá Trác (1881 – 1945) dịch, trích đoạn “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư, “Thề non nước” của Tản Đà, “Tương tư” của Nguyễn Bính, …

Vân Khanh có chất giọng trầm ấm, mượt mà và trí nhớ đáng nể. Anh quan niệm: “Đã lên sân khấu là phải thuộc bài, không bao giờ chờ đợi ai nhắc tuồng”. Bởi theo anh, đó là lòng tự trọng của nghệ sĩ diễn ngâm, là sự tôn trọng dành cho thi sĩ và độc giả. Vả lại, có thuộc bài thơ, ngâm mới nhuần nhuyễn, nhập tâm được. Bởi vậy nên anh ngâm bài thơ nào cũng chứa chan cảm xúc, bài thơ nào cũng cuốn hút người nghe cho đến giai điệu cuối cùng.

Trọn kiếp đam mê

Vân Khanh đến với thơ bằng tất cả đam mê, vô tư và tận hiến. Khái niệm cát sê (Cachet) ít hay nhiều, có hay không có chưa bao giờ xuất hiện trong đầu anh. Chỉ cần có lời mời trân trọng là anh sẵn sàng phục vụ khán giả bất kể xa gần, sân khấu lớn hay nhỏ, chương trình quy mô hay tiệc tùng bè bạn. Anh ngâm thơ một cách say mê, cả đời tận hiến.

Nếu con tằm cả đời rút ruột nhả những sợi tơ vàng óng thì Vân Khanh đã dành cả cuộc đời để ngâm những bài thơ ngọt ngào dâng tặng cho đời. Những cống hiến của anh cũng đã được ghi nhận bằng hàng loạt giải thưởng, bằng khen và cả huy chương vì sự nghiệp văn hóa – thông tin do Bộ VH-TT cấp ngày 13/9/2001. Và gần đây nhất, anh đã vinh dự được nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

VK 4

 

Phải nói cuộc đời anh gắn liền với thơ, từ hơi thở, giọng nói cho đến nếp nghĩ. Bên cạnh việc ngâm thơ, anh cũng là một nhà thơ luôn đắm đuối với từng câu chữ. Sau các tập thơ: “Hồn Huế vẫn đây” - NXB Hội nhà văn - 2015, “Huế tìm trong mắt em” – NXB Hội nhà văn – 2016, Tập thơ “Tiếng thời gian” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019 cũng đã ghi lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng yêu thơ.

Nhà thơ Vũ Quỳnh từng nhận xét: “Đọc “Tiếng Thời Gian” của nhà thơ Vân Khanh tôi được nghe tiếng thời gian trong anh như tiếng tâm tình về cuộc sống hôm nay, nhớ lại thời đã qua. Tiếng thơ của nhà thơ nghệ sĩ vang lên không vội vàng theo thời cuộc ồn ào mà bình lặng trong tiếng thời gian.

“Chim bay qua bốn ngàn năm

Giáo gươm trận mạc như vừa hôm qua

Minh quân xã tắc sơn hà

Ầu ơ huyền thoại ru qua ngàn đời.”

(Trích bài thơ Hà Nội ngàn năm)

Vâng, lịch sử dân tộc mấy ngàn năm văn hiến như được gói gọn trong những câu thơ ấy. Đất nước Việt Nam hiện lên biết bao hùng dũng, biết bao đau thương. Trận mạc, giáo gươm là hình ảnh gắn liền với bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Bao thế hệ cha anh đã xả thân để bảo vệ sự vẹn toàn của non sông xã tắc, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Và tận sâu trong tâm khảm, trong niềm mong muốn tột cùng là câu hát ầu ơ, là mạch nguồn sự sống. Đó chính là giá trị tinh thần cốt lõi đầy nhân văn, ngọt ngào êm ái: “Minh quân xã tắc sơn hà/ Ầu ơ huyền thoại ru qua ngàn đời”.  Để hôm nay:

“… Tôi chầm chậm

Quanh hồ xưa nghe hồn xanh

Truyền thuyết

Mặt nước lăn tăn nỗi nhớ gươm thần

Ba mươi sáu phố phường

Đã già qua thế kỷ

Mà trẻ trung cho du lịch

Năm châu bốn biển hội về…”

(Hà Nội ngày về)

Vân Khanh còn khéo lồng ghép tình yêu đôi lứa vào trong bản tình ca đất nước, lồng ghép những rung động nhảy nhót của con tim gã trai xứ Huế vào bóng dáng yêu kiều của cô gái Hà Thành. “Hà Nội ngày về tôi nhặt mặt trời/ Dưới đáy hồ Tây/ Nhìn bước chân em/ Chầm chạm dưới vòm sấu cũ…” (Hà Nội ngày về)

Năm tháng đi qua, chàng trai Vân Khanh vẫn vẹn nguyên là một chàng nghệ sĩ đào hoa, đa tình. Từ những ngày xưa của thời mới lớn, một thời mộng mơ, anh đã mê mệt dáng  ai nghiêng nón qua cầu Trường Tiền.

“Từ em nghiêng nón qua cầu

Tôi về thương nhớ đâu đâu để rồi

Thời gian như thể ngừng trôi

Lạ chưa tôi cứ đứng ngồi chẳng yên..”

(Ngày Xưa)

Chàng trai đa tình Vân Khanh không chỉ đưa ta đến những bất ngờ trong những mối tình thơ, mà còn là sự bất ngờ trong lối dùng câu chữ: “Chuyện xưa là của chúng mình/ Chuyện nay là của thình lình nhớ nhau/ Nghe thường thường vậy mà đau/ Nụ hôn ngọt đến ngàn sau môi mềm” (Trở lại Thủ Thiêm). Cái cách anh diễn tả nỗi nhớ nhung một người con gái cũng rất khác lạ. Quả thật, khi vừa nghe đã thấy bật cười. Ơ, sao lại có chuyện nỗi nhớ “thình lình”? Vân Khanh đã viết nên những câu thơ giản đơn, mộc mạc nhưng ẩn chứa nét duyên ngầm, nét duyên của kẻ tưởng chừng như không biêt tán tỉnh, ấy vậy mà khiến bao cô gái phải say mê đắm đuối. “Gặp em tôi sẽ bắt đền/ Vết son trên áo hớ hênh một đời/ Ai làm giang dở duyên tôi/ Trái tim bỏ ngỏ đón lời ngày xưa” (Trở lại Thủ Thiêm).

Hay như những câu thơ:

“Mỗi lần tà áo bay lên

 Hai làn mỏng mảnh bắt đền không gian

 Mắt tôi rơi giữa ngỡ ngàng

Đường cong giông bão bàng hoàng hồn tôi

Nhẹ như một tiếng lá rơi

Mà sao động đậy một thời ca dao”

(Hôm nay ra phố Sài Gòn)

Đọc những câu thơ này, tôi thật sự giật mình bởi lối sử dụng từ rất “Vân Khanh”. Từ “ngỡ ngàng”, “bàng hoàng” được anh sử dụng quá đắt giá trong ngữ cảnh này. Tà áo dài Việt Nam vốn được xem là chiếc áo vi diệu nhất. Nó rất kín đáo nhưng vẫn phô diễn tối đa đường cong cơ thể người phụ nữ. Ấy nhưng, qua câu thơ của Vân Khanh, sự quyến rũ chết người ấy lại còn được đẩy lên bội phần qua việc sử dụng các tính từ mạnh như: “ngỡ ngàng”, “bàng hoàng”.

Chàng trai Vân khanh đa tình là vậy, nhưng với Huế thì một mực chung tình. Tập thơ “Tiếng thời gian” như là tập thơ thứ ba về Huế vậy. Quả thật, có tới hơn mười bài thơ viết về Huế, về con gái Huế, về tình yêu với Huế, tất thảy đều toát lên nét dịu dàng, sắt son khôn tả.

“Chiều ra

Đón gió Lăng Cô

Gửi anh chút Huế

Khi mô nhớ nhà

Ngọt mình chớ để phôi pha

Trời Phương Nam

Lắm người ta … Rộng lòng”

(Gió Lăng Cô)

Chàng trai Huế sống ở đất Phương Nam mà trái tim luôn đau đau nhịp đập quê hương, luôn tự răn mình nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Có lẽ đó là sự thủy chung tuyệt đối. “Xin anh Huế/ Đến ngàn sau/ Vẫn chung thủy/ Vẫn ngọt làu môi xưa”.

Nếu như với Huế, anh mê mẫn sắt son qua từng khung cảnh thiên nhiên, qua từng tà áo dài thiếu nữ thướt tha, qua sự âm trầm cổ kính của đền đài lăng tẩm, qua dòng sông Hương thơ mộng và mấy nhịp cầu Trường Tiền nối bờ thương nhớ, thì với vị hôn thê của mình, anh lại dành tất cả sự yêu thương, chân thành như nhất, như yêu thương sinh mệnh của mình. “Đây đó /dày công/ Giữ lòng/ thanh tịnh/Duyên hài/ trời định/ Hợp cảnh hợp tình/Sắt cẩm/ hòa hợp càng xinh/Trăm năm/ gìn giữ gia đình an vui” (Son sắt tịnh cầm).

VK2

 

Tâm hồn gã trai tài hoa, lãng mạn là thế, nhưng trong đạo nghĩa vợ chồng, Vân Khanh luôn tự nhủ phải dày công vun đắp, nhường nhịn, thương yêu để giữ cho tổ ấm gia đình tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc. Anh em văn giới Sài Thành không ai lại không biết về tổ ấm của anh, về người vợ hết mực yêu thương của anh. Đó là nguồn thơ, là động lực để anh thỏa sức sáng tác, thỏa sức tận hiến với thơ. Hơn 40 năm gắn bó, bao nhiêu vui buồn, hờn giận, bao nhiêu yêu thương đong đầy được anh gói gọn trong những câu thơ.

“43 năm sinh nhật tình yêu

43 năm đã nói bao điều

Có dỗi hờn nhau trong khoảnh khắc

Cười lành hạnh phúc biết bao nhiêu.”

(Nghĩa tình sâu nặng)

Đọc đi đọc lại tập thơ “Tiếng thời gian”, nghe anh rút ruột diễn ngâm những bài thơ của mình, ta lại càng thấu hiểu tiếng lòng của nhà thơ Vân Khanh. Tiếng yêu trải dài theo thời gian, từ tình yêu mộng mơ chớm nụ của chàng trai mới lớn đến những dặn lòng ân cần nghĩa nặng tình sâu. Yêu từ tà áo dài mỏng manh tha thướt đến sông núi quê hương.

Bao nhiêu bài thơ là bấy nhiêu cảm xúc yêu thương với muôn vàn cung bậc. Những bài thơ tròn đầy, những tứ thơ chân chất, những câu thơ giản dị như chính con người chân chất mộc mạc mà thắm đẫm nghĩ tình của anh. Cả đời anh chỉ miệt mài với thơ dù là trên phương diện diễn ngâm hay sáng tác, anh đều một lòng tận hiến, vô tư.

 Phạm Phương

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
(SHTT) - Môn Bơi trong Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X được khởi tranh với sự tham gia của 11 đơn vị và 522 học sinh.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - CEO của Qualcomm, ông Cristiano Amon chia sẻ rằng công ty đang hợp tác với nhiều công ty Ấn Độ - trải rộng trong các ngành công nghiệp như viễn thông, ô tô, điện tử công nghiệp và bán dẫn - để nghiên cứu các ngành công nghệ đang trên đà phát triển.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Sau khi lừa được nạn nhân cài đặt dịch vụ công giả chứa mã độc, các tin tặc đã chiếm quyền điều khiển điện thoại, sau đó đánh cắp tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác với tổng số tiền lên tới 800 triệu đồng.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây Bộ TT-TT đã có văn bản yêu cầu các nhà mạng phải rà soát để đảm bảo thông tin chính chủ của thuê bao. Trong đó, yêu cầu nhà mạng kiểm tra người đăng ký từ 4 SIM trở lên và hoàn thành kiểm tra trước ngày 15/4.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Theo kế hoạch đề ra, trong tháng 4/2024, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm thu phí đỗ xe không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ của Công TNHH MTV khai thác điểm đỗ do Thành phố quản lý. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng trên toàn Thành phố.