Thanh Hóa phát triển sản phẩm OCOP du lịch còn nhiều khó khăn
Trao đổi về vấn đề này, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bùi Công Anh cho biết: Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2023, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP. Mặc dù, bộ tiêu chí đánh giá của nhóm sản phẩm này được quy định cụ thể, rõ ràng, song không phải dễ để xây dựng. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chưa xây dựng được sản phẩm OCOP du lịch bởi lẽ các mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông còn mang tính tự phát nên chất lượng chưa cao. Tại các điểm du lịch sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều, việc duy trì, phát triển nghề truyền thống còn hạn chế, chưa lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng gắn với văn hóa, phong tục, tập quán và sinh hoạt của người dân địa phương. Do đó, chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp trải nghiệm. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự đầu tư bài bản, vận hành linh hoạt của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, những dịch vụ, mô hình du lịch nông nghiệp đã thu hút được du khách, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa tìm được bất cứ sản phẩm OCOP du lịch nào, và tất cả mới dừng lại ở tiềm năng.
Thanh Hóa đã có 2 điểm du lịch, dịch vụ được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương lựa chọn, khảo sát và định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch điểm của Trung ương, gồm: dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông thuộc huyện Bá Thước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có điểm du lịch, sản phẩm du lịch nào của tỉnh được gắn sao OCOP.
xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng, cần được tập trung nguồn lực thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước của người dân. Hơn thế nữa, sản phẩm OCOP du lịch là hình thức quảng bá hữu hiệu về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất đến thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã và đang nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để trong năm 2023 Thanh Hóa sẽ có sản phẩm OCOP du lịch.
Bảo Bình