Tết quê thời công nghệ
Từ xưa đến nay, Tết luôn là dịp nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc được thể hiện. Ngày xưa, mọi người có nhiều thời gian để thực hiện cái Tết đầy đủ lễ nghĩa, rôm rả cho gia đình. Ngày nay, cuộc sống càng văn minh hiện đại, nhịp sống hối hả, con người bận rộn với nhiều công việc, vì thế việc đón Tết cũng đơn giản và cải tiến khác xưa.
Thường thì các cán bộ, công chức, viên chức, công nhân được nghỉ tết khoảng một tuần lễ. Khoảng 27, 28, 29 tháng Chạp mới được nghỉ. Như thế sẽ không có thời gian chuẩn bị Tết nhiều. Vì vậy, phương án được nhiều gia đình lựa chọn là đặt hàng online.
Tết đã thay đổi nhiều nhưng giá trị của ngày Tết là niềm vui đón mừng năm mới gắn liền với ước vọng hơn hẳn năm qua vẫn được duy trì. Một số phong tục đón Tết có thể chuyển hóa theokhông gian, thời gian nhưng bản sắc riêng của Tết Việt vẫn tồn tại. Kinh tế phát triển, hệ thống các dịch vụ mua sắm Tết đã giải phóng sức lao động, lo toan ngày Tết vất vả của mọi người. Thời gian “làm Tết, ăn Tết” đã chuyển sang “chơi Tết” là chính.
Dù hồn cốt của Tết cổ truyền vẫn không thay đổi nhưng nhiều bình diện Tết truyền thống đang dần thích ứng với văn hóa thời công nghệ và nhịp sống hiện đại. Một cái Tết xưa không thể thiếu dưa hành thịt mỡ, bánh chưng mang đậm văn hóa ẩm thực của người Việt, thể hiện cho ước mong một cái Tết đủ đầy. Ngày nay thịt mỡ dưa hành vẫn còn nhưng đã được “chế biến” phù hợp với chế độ dinh dưỡng hiện đại, nhẹ nhàng và tiện lợi. Việc đêm Giao thừa nấu một nồi bánh chưng, các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa cũng trở nên ít dần trong cuộc sống hiện đại. Bánh chưng được bày bán sẵn, được “ship” đến tận nhà, ở mọi thời điểm.
Tết thời công nghệ, nhiều gia đình đã bớt nặng nề bởi phong tục “xông đất”, thời khắc Giao thừa người người đổ ra đường xem pháo hoa ở các trung tâm lớn, đến nhà nhau vào thời khắc năm mới chớm đến.
Nếu Tết xưa, xa nhà là nỗi niềm qua những lá thư, là tâm sự trào dâng khi xuân xa cách, thì nay Tết thời công nghệ đã rút ngắn, kéo gần mỗi người, mỗi gia đình lại khi xuân đến. Đó là những cuộc gọi video, là tin nhắn hình ảnh, là livestream để gặp nhau trực tiếp trên thiết bị công nghệ.
Mỗi lời chúc, lì xì Tết cũng có thể “số hóa” trên môi trường mạng, với tốc độ cao, đa dạng hình thức, màu sắc, nội dung không giới hạn.
Đón Tết trong thời công nghệ, mọi thứ có thể đủ đầy sau một cú nhấp chuột nhưng đâu đó nhiều người vẫn bùi ngùi hoài cổ, nhớ về vị Tết xưa đầm ấm, bình dị chan chứa nỗi niềm. Gia đình nhỏ của tôi là một trong số đó.
Ngày 28 Tết, tôi gác lại công việc bước vào kỳ nghỉ Tết dài ngày. Khi ánh điện cơ quan phụt tắt, ngoài đường không khí đã tràn ngập sắc xuân. Những cành hoa đào, hoa mai tươi thắm, từng dòng người qua lại tấp nập, tôi cùng vợ ghé qua các cửa hàng sắm Tết. Từ ngày vợ chồng ra ở riêng, thành thử, chúng tôi đón Tết khá đơn giản và gọn nhẹ. Thời gian chủ yếu bên nhà nội rồi nhà ngoại.
Còn nhớ, hồi vợ chồng tôi mới lên nhà mới ở, dịp trước Tết vợ tôi cũng mua sắm đủ gạo, lá bánh, thịt lợn về để gói bánh chưng. Nhưng rồi, nét đẹp văn hoá này cũng chỉ duy trì được một năm. Những năm sau đó, vợ tôi chủ động nhờ bà ngoại chuẩn bị nguyên vật liệu rồi cùng gói chung cho có không khí Tết.
Ngày 29 Tết, ông bà ngoại gọi điện thoại xuống “ăn đụng lợn” và lấy bánh về ăn Tết. Chỉ chờ có thế, bọn trẻ con háo hức cùng bố mẹ về quê.
Nhà ông bà ngoại nằm trên quả đồi thoải. Người dân quê sống lâu đời nơi đây tạo nên làng nên xóm. Đi qua cánh đồng, con đường làng vẫn thơm mùi rơm rạ. Bọn trẻ làng vẫn buộc trâu bò, nướng khoai trên cánh đồng thơm lừng. Hương vị làng quê tỏa ra thật dễ chịu. Khói lam chiều toả ra từ các ngôi nhà. Tiếng lợn từ các gia đình kêu eng éc, tiếng người cười nói vui vẻ.
Nhà ông bà ngoại của tụi trẻ vẫn giữa được nếp nhà cấp 4 từ xưa. Khoảng sân rộng được trải lá chuối, con lợn tết gần 1 tạ đã được mấy anh em ngả ra từ lúc nào. Phần thịt chủ yếu mang ra khu dịch vụ để làm giò, còn lại chia làm 4 phần, nhà tôi nhận một phần. Trong khi đàn ông pha thịt chia ngoài sân, làm lòng, thì các bà các mẹ tất bật ngồi gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ. Lá dong, lá chít được rửa sạch từ trước, thúng gạo trắng ngần, thúng đỗ đã vo sạch, hèm thịt làm nhân bánh được cắt sẵn. Giờ chỉ chờ bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Những chiếc bánh chưng lần lượt được hoàn thành.
Nồi bánh chưng được bắc ngay góc sân. Ngồi bên bếp củi đỏ rực ấm áp, nghe mọi người cùng nhau rôm rả kể chuyện kết quả đạt được trong năm qua mà cảm thấy Tết quê sao bình yên đến lạ.
Ông ngoại bọn trẻ trong bộ quần áo dài, đội khăn xếp cùng bác cả gánh thủ lợn, đuôi lợn lên đình làm lễ
Tết cũng là dịp ông bà vui nhất, con cái về quây quần đây đủ. Ông bà cứ chạy ra chạy vào, khách khứa đến ăn đụng lợn. Mâm cỗ với lòng nóng hôi hổi, đĩa thịt lợn nướng thơm lừng, thịt sống bóp chua, rau thơm, canh khoai mà ngon đến lạ lùng.
Dù rất quý con, quý cháu nhưng ngày cuối năm ông bà ngoại vẫn gói ghém đồ đạc cho con rồi giục về sớm mà chuẩn bị Tết ở gia đình nhỏ. Các cụ vẫn chu đáo như vậy để đầu năm mới con cháu lại líu ríu xuống chúc tết ông bà.
Tết là thời điểm chuyển giao sang năm mới. Đây lại là một cơ hội để chúng ta củng cố lại nền tảng lâu bền của gia đình và dân tộc. Dù bọn trẻ vẫn còn nhỏ nhưng chúng tôi vẫn luôn giáo dục, kể cho các con nghe để các con có thể lớn lên với ký ức trọn vẹn và đúng nghĩa nhất về ngày Tết cổ truyền.
Tết dù ở thời nào, công nghệ có phát triển đến đâu thì trong tâm khảm của người Việt - Tết vẫn là dịp để hướng về cội nguồn, người thân cầu mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc.
PV