SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 29/04/2024
  • Click để copy

Sáng chế là gì? Các vấn đề phổ biến liên quan tới sáng chế

17:18, 18/07/2021
(SHTT) - Cùng với tiến trình hội nhập và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sáng chế và việc đăng ký bảo hộ sáng chế đang là những vấn đề hàng đầu được giới khoa học quan tâm.

Khái niệm về sáng chế và đặc điểm

fotolia95787652m-1404x894-1575012587311281086063-crop-1575013379462401018173

 

Sáng chế là gì?

Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2009: “Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Trong đó, giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật (ứng dụng các quy luật tự nhiên) nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định.

Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

  • Sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc
  • Sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen..., được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
  • Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.

Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Bằng sáng chế là gì?

Theo Công ước Pari 1883, bằng sáng chế là bằng độc quyền sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế.

Thời hạn có hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế sẽ do pháp luật của từng nước quy định và được tính từ ngày đầu tiên nộp đơn yêu cầu bằng bảo hộ sáng chế.

Trong bằng độc quyền sáng chế, tác giả sáng chế có quyền được ghi tên và các tài liệu khoa học kĩ thuật có liên quan sẽ được công bố, nhận thù lao do chủ bằng sáng chế trả theo đúng quy định.

Trong thời gian hiệu lực của bằng sáng chế, nếu các cá nhân, tổ chức, hành động sử dụng sáng chế  không được sự cho phép của chủ bằng thì bị coi như xâm phạm quyền sở hữu của chủ bằng sáng chế.

Các cá nhân, tổ chức Việt Nam được phép yêu cầu bằng bảo hộ sáng chế để được cấp bằng sáng chế ở nước ngoài sau khi được Cục sáng chế chấp nhận nộp đơn ở Việt Nam.

Các cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể yêu cầu bảo hộ sáng chế ở Việt Nam để được cấp bằng sáng chế và hưởng các quyền của chủ bằng sáng chế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia hoặc theo đúng nguyên tắc có đi lại.

Nhà sáng chế là gì?

Nhà sáng chế là những người sáng tạo ra cái mới dựa trên hiểu biết, vận dụng và trải nghiệm của bản thân dựa trên quy luật có sẵn. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng chế nếu tạo ra được các sản phẩm mới đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định về sáng chế.

Những đặc điểm nhận biết của sáng chế

Đặc điểm cơ bản của sáng chế là đặc tính kỹ thuật. Sáng chế có thể được thể hiện dưới dạng sản phẩm (vật thể, chất thể, vật liệu sinh học) hoặc quy trình, cụ thể như sau:

Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người. Ví dụ: máy in (sáng chế của Johannes Gutenberg, người Anh), đồng hồ quả lắc (sáng chế của Christiaan Huygens, người Hà Lan),…

Sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người. Ví dụ: chất làm lạnh Freon (sáng chế của Chrstiaan Neethling Barnard và các đồng nghiệp),…

Sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo. Ví dụ: gene nhân tạo (sáng chế của Har Gobind Khorana, người Mỹ), …

Quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý...) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định. Ví dụ: kỹ thuật cấy ghép tim người (sáng chế của Christiaan Neethling Barnard, người Nam Phi), …

Điều kiện để được và không được cấp bằng bảo hộ sáng chế

2BV-Acharya

 

Các đối tượng không được cấp bằng sáng chế

Điều 8 Luật sở hữu trí tuệ quy định: Nhà nước Việt Nam “không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”.

Bên cạnh quy định chung, tại Điều 59 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) cũng liệt kê các các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế bao gồm:

  • Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
  • Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh;
  • Chương trình máy tính;
  • Cách thức thể hiện thông tin;
  • Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
  • Giống thực vật, giống động vật;
  • Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

Những trường hợp nào được cấp bằng sáng chế

Để được cấp bằng sáng chế, các đối tượng nộp hồ sơ phải đáp ứng theo Khoản 1, Điều 58, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung năm 2009) và không thuộc các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế theo Điều 59.

Theo đó Khoản 1, Điều 58 quy định sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới

Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ ông khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.

Theo quy định của pháp luật thì sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế đó.

Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ còn quy định sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều86 của Luật này;

Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

Sáng chế được người có quyền đăng ký quy định tại Điều86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

  • Có trình độ sáng tạo

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

  • Có khả năng áp dụng công nghiệp

Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Phân loại sáng chế

so-huu-tri-tue

 

Hiện nay, để phân loại sáng chế các cá nhân hoặc tổ chức có thể tham khảo quy chuẩn Phân loại sáng chế quốc tế (IPC).  IPC là một hệ thống phân cấp các kí hiệu ngôn ngữ độc lập để phân loại bằng sáng chế và mô hình tiện ích theo các lĩnh vực công nghệ khác nhau mà chúng liên quan.

Trước hết, Phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xây dựng như một hệ thống để phân loại và sau đó là để truy vấn các tài liệu sáng chế. Mục đích trước tiên của IPC là thiết lập một công cụ tra cứu hữu hiệu.

Với mục đích đó, Phân loại sáng chế quốc tế nỗ lực để bảo đảm rằng vấn đề kĩ thuật bất kì có liên quan đến sáng chế có thể được phân loại càng chi tiết càng tốt và của toàn bộ sáng chế chứ không phải phân loại của từng phần riêng biệt

Bảng phân loại sáng chế quốc tế (International Patent Classification - IPC), được xây dựng trên cơ sở Thỏa ước Strasbourg năm 1971 và hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lí.

Bảng phân loại cung cấp một hệ thống thứ bậc của các kí hiệu ngôn ngữ để phân loại các sáng chế và giải pháp hữu ích theo các lĩnh vực công nghệ khác nhau mà chúng thuộc về.

Cấu trúc

Bảng phân loại sáng chế quốc tế được chia thành 8 Phần với khoảng 70.000 phân nhóm, mỗi Phần được đặc trưng bằng một chữ cái La-tinh, cụ thể:

Phần A - Các nhu cầu đời sống con người;

Phần B - Các qui trình công nghệ - Giao thông vận tải;

Phần C - Hoá học; Luyện kim;

Phần D - Dệt; Giấy;

Phần E - Xây dựng; Mỏ;

Phần F - Cơ khí; Chiếu sáng; Cấp nhiệt; Vũ khí; Chất nổ;

Phần G - Vật lí;

Phần H - Điện.

Các thứ bậc của Bảng phân loại sáng chế quốc tế như sau: Phần - Lớp – Phân lớp – Nhóm chính – Phân nhóm.

Mỗi một sáng chế sẽ được phân nhóm và có chỉ số phân loại sáng chế quốc tế, ví dụ như: A61N1/24 là chỉ số phân loại sáng chế quốc tế đối với "Thắt lưng điện để chữa bệnh nối liền với nguồn điện là dòng điện một chiều được sử dụng bằng các điện cực tiếp xúc". (Tài liệu tham khảo: Cục Sở hữu trí tuệ)

Như vậy, mỗi cá nhân hoặc tổ chức khi muốn đăng ký sáng chế cần xác phân loại chính xác sáng chế để tiến hành thủ tục theo quy định. Tại Việt Nam, nếu chủ sở hữu sáng chế không thể phân loại chính xác, văn phòng đăng ký sáng chế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại lại và cá nhân hoặc tổ chức đăng ký sáng chế sẽ phải trả phí cho hoạt động này.

Hướng dẫn đăng ký, nộp đơn để xin cấp bằng sáng chế

Hiring-a-Patent-Attorney

 

Thủ tục đăng ký sáng chế

Đăng ký trong nước

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, để đăng ký sáng chế trong nước, các tác giả và chủ sở hữu sáng chế cần có bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu sau đây:

1. Tài liệu cần có của đơn

- 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu số 01-SC Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;

- 02 Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích; Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích phải đáp ứng quy định tại điểm 23.6 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN. Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có).

Phần mô tả phải được trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của sáng chế theo các nội dung sau:

     + Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

     + Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích;

     + Những lợi ích (hiệu quả) có  thể đạt được].

Yêu cầu bảo hộ được tách thành riêng sau phần mô tả, yêu cầu bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Yêu cầu bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ.

Hình vẽ, sơ đồ (nếu có): được tách thành trang riêng.

- 02 Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích. Tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không được vượt quá 150 từ và phải được tách thành trang riêng. Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích không bắt buộc phải nộp tại thời điểm nộp đơn và người nộp đơn có thể bổ sung sau;

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

2. Các tài liệu khác (nếu có)

- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);

- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

3. Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký

- Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ và loại văn bằng bảo hộ được yêu cầu cấp phải phù hợp với đối tượng giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn;

- Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại các điểm 7.3 và 7.4 của Thông tư  01/2007/TT-BKHCN thì phải được dịch ra tiếng Việt;

- Mọi tài liệu đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, theo phông chữ Times New Roman, chữ không nhỏ hơn cỡ 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;

- Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;

- Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;

- Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sữa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sữa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;

- Thuật ngữ dùng trong đơn phải thống nhất và là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam);

- Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

4. Phí, lệ phí đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích

- Lệ phí nộp đơn: 150.000VNĐ

- Phí thẩm định hình thức: 180.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

- Phí thẩm định hình thức từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 8.000VNĐ/01 trang;

- Phí công bố đơn: 120.000VNĐ;

- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000VNĐ/hình;

- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000VNĐ/01 đơn ưu tiên;

- Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định: 600.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

- Phí thẩm định nội dung: 720.000VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

- Phí thẩm định nội dung từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 32.000VNĐ/01 trang

Lưu ý: Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC), trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại theo quy định (100.000VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế).

5. Thời hạn xử lý đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích

Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được xem xét theo trình tự sau:

- Thẩm định hình thức: 01 tháng

- Công bố đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích:

  • Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, nếu đơn không có ngày ưu tiên hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
  • Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
  • Đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Để được công bố sớm, chủ đơn cần có Văn bản yêu cầu công bố sớm, trong đó nêu rõ lý do cần công bố sớm. Yêu cầu công bố sớm không phải nộp phí, lệ phí.

- Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.

6. Hình thức nộp đơn

Người nộp đơn có thể lựa chọn hình thức nộp đơn giấy hoặc hình thức nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể:

a) Hình thức nộp đơn giấy

Người nộp đơn có thể nộp đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ cụ thể như sau:

- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Trường hợp nộp hồ sơ đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích qua bưu điện, người nộp đơn cần chuyển tiền qua dịch vụ của bưu điện, sau đó phô tô Giấy biên nhận chuyển tiền gửi kèm theo hồ sơ đơn đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh khoản tiền đã nộp.

(Lưu ý: Khi chuyển tiền phí, lệ phí đến một trong các điểm tiếp nhận đơn nêu trên của Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần gửi hồ sơ qua bưu điện tương ứng đến điểm tiếp nhận đơn đó).

b) Hình thức nộp đơn trực tuyến

- Điều kiện để nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần có chứng thư số và chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện các giao dịch đăng ký quyền SHCN.

- Trình tự nộp đơn trực tuyến: Người nộp đơn cần thực hiện việc khai báo và gửi đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, Hệ thống sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ vào các ngày làm việc trong giờ giao dịch để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí/lệ phí theo quy định. Nếu tài liệu và phí/lệ phí đầy đủ theo quy định, cán bộ nhận đơn sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến, nếu không đủ tài liệu và phí/lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận. Trong trường hợp Người nộp đơn không hoàn tất thủ tục nộp đơn theo quy định, tài liệu trực tuyến sẽ bị hủy và Thông báo hủy tài liệu trực tuyến được gửi cho Người nộp đơn trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.

Đăng ký quốc tế

Đăng ký sáng chế quốc tế là một thủ tục hành chính được thực hiện tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam hoặc tại các quốc gia khác nhằm ghi nhận các quyền sáng chế đang sở hữu thông qua văn bằng bảo hộ. Do đó, khi bạn muốn đăng ký sáng chế quốc tế thì có thể nộp đơn tại quốc gia muốn đăng ký bảo hộ sáng chế hoặc nộp đơn tại Cục sở hữu trí tuệ và có liệt kê ra những quốc gia mà muốn được bảo hộ sáng chế.

Hiện nay, để thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế quốc tế, người nộp đơn có thể lựa chọn một trong các hình thức nộp đơn đăng ký như sau:

  • Đăng ký sáng chế quốc tế theo đơn quốc gia theo Công ước Paris

Với hình thức này, người nộp đơn sẽ nộp đơn đăng ký sáng chế tại từng quốc gia mà khác hàng muốn đăng ký để bảo hộ cho sáng chế của mình. Ưu điểm của hình thức này là sẽ được các Luật sư tại từng quốc gia nộp đại diện tư vấn sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký. Từ đó, hạn chế được những rủi ro và đảm bảo khả năng đăng ký sau khi nộp đơn. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức là sẽ phát sinh thêm chi phí tư vấn do phải ủy quyền cho 1 tổ chức đại diện quyền sở hữu trí tuệ bên quốc gia muốn nộp đơn làm đại diện đăng ký.

  • Nộp đơn đăng ký sáng chế quốc tế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam

a) Đăng ký theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Đơn quốc tế nguồn gốc Việt Nam bằng tiếng Anh (3 bản)

– Nếu chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính thì cần có: Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký sáng chế quốc tế

Hồ sơ đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ. Cục SHTT có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện tại Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước 3: Quy trình xử lý đơn đăng ký

Khi nhận được hồ sơ, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định đơn đăng ký từ phía người nộp đơn. Việc này để:

– Xác định đối tượng mà chủ sở hữu yêu cầu bảo hộ có thuộc diện bí mật quốc gia hay là không

– Thông báo cho người nộp đơn các khoản phí, lệ phí đăng ký sáng chế quốc tế cần phải hoàn thành

– Thông báo cho người nộp đơn để chuyển cho Văn phòng quốc tế

– Gửi một bản hồ sơ đăng ký bằng sáng chế quốc tế có nguồn gốc Việt Nam cho Văn phòng quốc tế và một bản tra cứu cho cơ quan tra cứu quốc tế.

b) Đăng ký bằng sáng chế quốc tế theo Hiệp ước PCT có chọn Việt Nam

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có nguồn gốc Việt Nam bao gồm:

– 2 tờ khai đăng ký sáng chế quốc tế theo mẫu

– Bản dịch ra tiếng Việt của đơn quốc tế: bản mô tả, gồm phần mô tả sáng chế, yêu cầu bảo hộ, chú thích các hình vẽ và bản tóm tắt

– Nếu có yêu cầu thẩm định nội dung đơn thì cần có: Bản dịch ra tiếng Việt của các phụ lục báo cáo xét nghiệm sơ bộ quốc tế

– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Cục SHTT hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính)

– Nếu nộp đơn sáng chế quốc tế thông qua đại diện cần có: Giấy ủy quyền

Bước 2: Nộp hồ sơ bảo hộ sáng chế quốc tế

Hồ sơ nộp tới Cục Sở hữu trí tuệ có trụ sở chính ở thành phố Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng theo 2 hình thức: trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện

Bước 3: Thẩm định đơn sáng chế

Việc thẩm định đơn đăng ký sáng chế sẽ do Cục Sở hữu trí tuệ đảm nhiệm để kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo hộ, dựa vào đó để đưa ra kết luận có đồng ý cấp Bằng độc quyền hay không.

– Thẩm định hình thức: để kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn. Thời hạn thẩm định hình thức là 01 tháng từ ngày nộp đơn

+ Nếu hợp lệ thì Cục sẽ ra quyết định chấp nhận đơn đăng ký sáng chế quốc tế hợp lệ.

+ Nếu không hợp lệ thì thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn, đồng thời nêu rõ lý do không được chấp nhận để người nộp sửa chữa

– Công bố đơn: Đơn bảo hộ bằng sáng chế quốc tế sẽ được đăng công bố trên công báo sở hữu công nghiệp ngay sau khi có quyết định đơn hợp lệ. Thời hạn công bố là 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

– Thẩm định nội dung đơn sáng chế quốc tế: khi nhận được yêu cầu thẩm định từ phía người nộp đơn, việc này để xác định phạm vi bảo hộ bằng việc đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ. Thời hạn thẩm định nội dung không quá 18 tháng từ ngày công bố đơn.

Bước 4: Quyết định cấp/từ chối cấp bằng sáng chế quốc tế

– Quyết định cấp văn bằng bảo hộ nếu đối tượng trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, đồng thời nộp đầy đủ các chi phí đầy đủ và đúng thời hạn. Sau đó sẽ ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

– Từ chối cấp bằng bảo hộ nếu đối tượng nêu trong đơn bảo hộ sáng chế quốc tế không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ

Những hành vi nào được coi là vi phạm sáng chế?

dang-ky-nhan-hieu-3

 

Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế tại Điều 126, theo đó, các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế gồm:

Sử dụng sáng chế được bảo hộ trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu;

Sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

Quyền tạm thời quy định:

Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

Trong trường hợp đã được thông báo như trên mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế được cấp, chủ sở hữu sáng chế có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm sáng chế được quy định trong Nghị định 105/2006/NĐ-CP. Theo đó, Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm khi có đủ các căn cứ sau đây:

  • Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
  • Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
  • Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các trường hợp ngoại lệ.
  • Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.

Thủ tục giải quyết khiếu nại về sáng chế

Bên cạnh việc đăng ký sáng chế, vấn đề giải quyết khiếu mại khi có tranh chấp về sáng chế cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Để có thể tiến hành khiếu nại, bạn cần biết rõ về những yếu tố sau:

1. Quy định chung

1.1.  Quyền khiếu nại

Người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan.

1.2.  Thời hiệu khiếu nại

Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp;

Khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

1.3. Trình tự khiếu nại

Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến sở hữu công nghiệp (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.

1.4.  Hồ sơ khiếu nại

Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan.

2. Nộp đơn khiếu nại

2.1. Thực hiện

- Nộp đơn thông qua đại diện sở hữu công nghiệp hoặc trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ và các Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.

- Qua bưu điện.

2.2. Thành phần, số lượng hồ sơ

- Thành phần hồ sơ, bao gồm:

 Tờ khai (02 tờ theo mẫu);

+ Văn bản giải trình khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại;                    

+ Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ;

+ Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai);

+ Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);

+ Chứng từ nộp phí, lệ phí.

- Số lượng hồ sơ: 02 (bộ).

3. Giải quyết đơn khiếu nại

3.1. Thụ lý đơn khiếu nại

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn hoặc nêu rõ lý do không thụ lý đơn.

b) Đơn khiếu nại không được thụ lý nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người khiếu nại không có quyền khiếu nại;
  • Đơn khiếu nại nộp ngoài thời hiệu quy định;
  • Đơn khiếu nại không đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm 22.1 và điểm 22.2 của Thông tư này.

3.2. Bên liên quan

a) Đối với những đơn khiếu nại đã thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp (“bên liên quan”) và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến.

b) Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu tại điểm 22.6.a trên đây, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại.

c) Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà bên liên quan không có ý kiến thì khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở ý kiến của người khiếu nại.

3.3. Quyết định giải quyết khiếu nại

a) Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của người khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

b) Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo cho người khiếu nại và bên liên quan về những lập luận và chứng cứ của bên kia được sử dụng để giải quyết khiếu nại cũng như kết luận giải quyết khiếu nại.

c) Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

3.4. Công bố

Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

3.5. Hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại

a) Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu sau ngày kết thúc thời hiệu khiếu nại lần thứ hai mà người khiếu nại không khiếu nại lần thứ hai và sau thời hiệu khởi kiện hành chính nếu người khiếu nại không khởi kiện hành chính; hoặc

b) Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai và người khiếu nại không khởi kiện hành chính trong thời hạn quy định hoặc theo quyết định đã có hiệu lực của toà án nếu người khiếu nại tiến hành khởi kiện hành chính.

Tra cứu thông tin sáng chế ở đâu?

tracuusangche

 

Với sự hỗ trợ của công nghệ, hiện việc tra cứu thông tin sáng chế đã trở nên vô cùng dễ dàng. Chỉ cần một thiết bị thông minh và intênt, bạn có thể tìm hiểu về bất cứ sáng chế nào trên các địa chỉ sau:

http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearchPAT.php

Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế thuộc thư viện số về sở hữu công nghiệp của Việt Nam; tại trang web này người dùng tin có thể tìm kiếm thông tin về các đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích đã công bố/được cấp văn bằng bảo hộ tại Việt Nam.

http://digipat.noip.gov.vn/

Đây là thư viện số về bằng độc quyền sáng chế/GPHI của Việt Nam; tại trang web này, người dùng tin có thể tra cứu thông tin toàn văn về các bằng độc quyền sáng chế/GPHI đã được cấp tại Việt Nam.

https://patentscope.wipo.int/search/en/search.jsf

Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do WIPO cung cấp; tính đến 31/12/2017, người dùng tin có thể tra cứu khoảng trên 60 triệu tư liệu thông tin sáng chế của nhiều quốc gia/tổ chức tại website này, trong đó bao gồm thông tin dữ liệu thư mục sáng chế/GPHI của Việt Nam.

https://worldwide.espacenet.com/?locale=en_EP

Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế do EPO cung cấp, tại công cụ tra cứu này, người dùng tin có thể tra cứu gần 100 triệu tư liệu sáng chế, được EPO thu thập từ hơn 90 quốc gia/tổ chức trên thế giới.

http://patft.uspto.gov/netahtml/PTO/index.html

Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của USPTO, tại đây, người dùng tin có thể lựa chọn tra cứu thông tin về các bằng sáng chế đã được cấp dạng toàn văn của Mỹ từ năm 1976 đến nay, hoặc lựa chọn tra cứu thông tin về các đơn sáng chế của Mỹ từ năm 2001 đến nay.

https://www.j-platpat.inpit.go.jp/

Đây là trang web tra cứu thông tin sáng chế của JPO, tại đây, người dùng tin có thể tra cứu thông tin về các đơn/bằng sáng chế dạng toàn văn của Nhật Bản.

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bằng sáng chế

sang-che-696x522

 

- Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 thì: “Chủ sở hữu sáng chế là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.”

- Chủ sở hữu sáng chế có thể là một trong các đối tượng sau:

  • Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình.
  • Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Quyền của chủ sở hữu sáng chế

Quyền của tác giả sáng chế

- Tác giả sáng chế là người trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong trường hợp có hai người trở lên cùng nhau trực tiếp sáng tạo ra đối tượng sở hữu công nghiệp thì họ là đồng tác giả. Tác giả sáng chế có quyền nhân thân và quyền tài sản.

- Quyền nhân thân của tác giả sáng chế gồm các quyền sau đây:

  • Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế.
  • Được nêu tên là tác giả trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế

- Quyền tài sản của tác giả sáng chế: quyền nhận thù lao theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ.

Quyền của chủ sở hữu sáng chế

Chủ sở hữu sáng chế chỉ có quyền tài sản bao gồm:

- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng sáng chế.

  • Sử dụng sáng chế là việc thực hiện các hành vi sau đây:
  • Sản xuất sản phẩm được bảo hộ.
  • Áp dụng quy trình được bảo hộ.
  • Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.
  • Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm quy định tại điểm c khoản này.
  • Nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.

- Ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế trái phép.

- Định đoạt sáng chế.

Nghĩa vụ của chủ sở hữu sáng chế

- Nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng chế

+ Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo quy định, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

+ Mức thù lao tối thiểu mà chủ sở hữu phải trả cho tác giả được quy định như sau:

  • 10% số tiền làm lợi mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế.
  • 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng sáng chế.

+ Trong trường hợp sáng chế được nhiều tác giả tạo ra, mức thù trên là mức dành cho tất cả các đồng tác giả. Các đồng tác giả tự thoả thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.

- Nghĩa vụ sử dụng sáng chế

+ Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ sản xuất sản phẩm được bảo hộ hoặc áp dụng quy trình được bảo hộ để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh, dinh dưỡng cho nhân dân hoặc các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

+ Khi có các nhu cầu trên mà chủ sở hữu sáng chế không thực hiện nghĩa vụ đó thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế.

- Nghĩa vụ cho phép sử dụng sáng chế cơ bản nhằm sử dụng sáng chế phụ thuộc

+ Sáng chế phụ thuộc là sáng chế được tạo ra trên cơ sở một sáng chế khác (sau đây gọi là sáng chế cơ bản) và chỉ có thể sử dụng được với điều kiện phải sử dụng sáng chế cơ bản.

+ Trong trường hợp chứng minh được sáng chế phụ thuộc tạo ra một bước tiến quan trọng về kỹ thuật so với sáng chế cơ bản và có ý nghĩa kinh tế lớn, chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc có quyền yêu cầu chủ sở hữu sáng chế cơ bản chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cơ bản với giá cả và điều kiện thương mại hợp lý.

Trong trường hợp chủ sở hữu sáng chế cơ bản không đáp ứng yêu cầu của chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không có lý do chính đáng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó cho chủ sở hữu sáng chế phụ thuộc mà không cần được phép của chủ sở hữu sáng chế cơ bản.

Thái An

Tin khác

Tài sản trí tuệ 23 giờ trước
(SHTT) - Công ty CP Công nghệ Mới Nhật Hải (OIC NEW) là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, chuyên về lĩnh vực công nghệ nano ứng dụng trong y dược, thủy sản, chăn nuôi, mỹ phẩm. Với những nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu và phát triển, OIC NEW đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế của mình.
Tài sản trí tuệ 2 ngày trước
(SHTT) - Shimano - công ty nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất các bộ phận xe đạp đã tiết lộ một phát minh đột phá. Bằng sáng chế mới cho thấy Shimano đang phát triển một bộ truyền động không dây hoàn toàn mới mang lại hiệu suất tối đa cho các tay đua và người yêu xe đạp.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể trong nước. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy động lực sáng chế và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ cần sự đổi mới trong cách tiếp về sở hữu trí tuệ.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - LG Energy Solution (LGES), nhà sản xuất pin EV lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau CATL của Trung Quốc, mới đây đã có động thái nhằm cảnh báo hoặc thậm chí kiện những trường hợp nghi ngờ vi phạm bằng sáng chế của mình.
Tài sản trí tuệ 3 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, tại Diễn đàn Khoa học và kinh tế toàn cầu 2024, tổ chức tại Dubai, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam đã nhận giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và danh hiệu Viện sĩ Danh dự.