SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Quảng Ninh: Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

12:45, 19/03/2024
(SHTT) - Phần lớn các huyện, thị xã, thành phố của Quảng Ninh nằm tiếp giáp biển. Tỉnh có trên 6.100 km2 mặt nước, vùng biển. Với lượng tàu, thuyền của ngư dân khá lớn, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng công tác phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Ngay từ tháng 9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó đến nay, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chỉ thị này gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

1

 Tàu khai thác cá tuyến khơi neo đậu tại Vịnh Hạ Long để tránh bão vào tháng 7/2023.

Trên cơ sở đó, các địa phương đã tích cực vào cuộc trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ... cho đến tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác thủy sản trái phép.

Các ngành chức năng, địa phương thường xuyên tuyên truyền cho hàng nghìn ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng trăm hộ ngư dân làm nghề cấm như: Te xiệp, lồng bát quái, cào nhuyễn thể ven bờ... được chuyển đổi sang làm nghề khai thác khác như lưới rê, câu và những nghề khác. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, chất lượng. Tỉnh tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực tôm, nhuyễn thể. Riêng năm 2023, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 103.418 tấn, tăng 11,1% so với năm 2022.

2

 Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra việc triển khai chống khai thác IUU tại Văn phòng Kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) ngày 5/8/2023. Ảnh CTV

Tính đến cuối tháng 1/2024, trên địa bàn tỉnh có 5.556 tàu cá, trong đó: Tàu cá dưới 6m phân cấp cho cấp xã quản lý là 1.336 tàu; tàu cá từ 6m đến dưới 12m phân cấp cho cấp huyện quản lý là 3.493 tàu; tàu cá cấp tỉnh quản lý là 727 tàu. Trong đó có 1.348 tàu chưa đăng ký theo quy định.

Để đảm bảo tăng cường quản lý hoạt động của các tàu, phòng, chống vi phạm vùng biển nước ngoài; bảo vệ vững chắc nguồn lợi thủy sản; Sở NN&PTNT đã thành lập 4 tổ công tác để tập trung rà soát, lập danh sách xử lý đối với các trường hợp đã đăng ký tạm nhưng chưa chuyển sang đăng ký chính thức và tàu chưa đăng ký theo quy định. Qua rà soát, cho thấy, đến hết tháng 1/2024, toàn tỉnh còn 245 tàu cá từ 15m trở lên; các tàu này đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát, tiếp nhận hướng dẫn các chủ tàu làm thủ tục đăng ký theo quy định.

Định kỳ hàng ngày, thường trực hệ thống VMS của Sở NN&PTNT thông báo tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS ngoài khơi tới các chủ tàu cá và hướng dẫn, hỗ trợ chủ tàu cá khắc phục mất tín hiệu VMS; định kỳ hàng tuần, Sở NN&PTNT lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU và mất kết nối ngoài khơi trên 10 ngày gửi Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, UBND địa phương và các tỉnh/thành để theo dõi, nắm bắt, hỗ trợ, kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

3

 Các lực lượng chức năng của Tổ công tác liên ngành TP Hạ Long ra quân kiểm tra các vi phạm nuôi trồng, khai thác thuỷ sản trái phép và neo đậu không đúng nơi quy định trên Vịnh Hạ Long. Ảnh do đơn vị cung cấp

Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1/2024, đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã tiếp nhận và xử lý 213 tin báo của người dân; qua đó phát hiện và đề xuất xử lý VPHC đối với 42 trường hợp, phạt tiền 502 triệu đồng. Các ngành chức năng và các địa phương đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 706 trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý tàu cá, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước 9.194,2 triệu đồng.

Năm 2023 và tháng 1/2024, các đơn vị chức năng còn kiểm soát 3.604 lượt tàu cập cảng và 3.968 lượt rời cảng; cấp phát 3.262 nhật ký khai thác, thu 4.439 nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; tổng sản lượng thuỷ sản bốc dỡ, kê khai đạt 16.179,34 tấn. Đến nay Quảng Ninh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bẳt giữ, xử lý.

Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, các địa phương, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chống khai thác thủy sản bất hợp pháp... Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, ngăn chặn các sự vụ vi phạm trong khai thác thủy sản tại khu vực quản lý, không để phát sinh thành các điểm nóng về vi phạm trong khai thác thủy sản.

Thu Nguyệt

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Tánh (bút danh Pha Lê) làm Trưởng VPĐD miền Nam.
Tin tức 3 giờ trước
Lần đầu tiên, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế phối hợp Đại học Phú Xuân, Tập đoàn Giáo dục EQuest và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tổ chức buổi Lễ chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2024.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, Thành ủy - Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TVXP), dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin tức 1 ngày trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 1 ngày trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.