Phố cổ Gia Hội và những làng nghề chỉ còn trong ký ức
Trong lòng Gia Hội, lớp nghệ nhân tuổi cao như những cây đề già, vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống. Nguyễn Thị Kiều Trâm - cô gái làm du lịch người con phố cổ - cho biết: “Người dân ở đây thân thương đặt các tên xóm bằng tên nghề. Gia Hội có kiệt 2 – 3 nghề truyền thống: xóm Bánh Bao, xóm Chùa Ông Đèn Lồng, xóm Bún, xóm Quạt, xóm làm Gáo và các nghề độc đáo: Phấn nụ, kim hoàn, đóng giày, pháp lam, hàng mã…”
Nghề còn, nghề mất
Heo may về, trẻ em chộn rộn bắt đầu mùa đoàn viên với những tốp tập múa lân sư rồng, người lớn tất bật theo chuẩn bị đèn lồng. Trong căn nhà mặt tiền số nhà 401 phố Chi Lăng, ông Nguyễn Tân đang mang những chiếc đèn hình cá chép, con thỏ, con bướm, con rồng… làm bằng giấy bóng truyền thống treo lên cao rực rỡ, gợi nhớ về thủa Trung thu thịnh vượng của phố cổ Gia Hội - nơi từng diễn ra lễ hội rước đèn Trung thu đầu tiên tại Việt Nam.
Chiều muộn, ông Tân vẫn cặm cụi chẻ tre, làm khung, còn vợ ông thì tô vẽ, dán giấy, tua rua trang hoàng cho chiếc đèn lộng lẫy theo đơn đặt hàng. “Giờ đây, người trẻ không còn ưa làm nghề nhưng tôi làm đèn lồng không còn vì đồng tiền mà vì tôi thực sự thấy rất vui thích”, ông Tân nói.
Nghề làm đèn lồng như tia lửa sắp tàn “bùng cháy” trở lại. Những năm gần đây, các trường học ở Huế tổ chức nhiều cuộc thi làm đèn lồng, những đơn hàng đang giúp ông Tân lại được làm nghề. Theo ông Tân, ở Chi Lăng có xóm Chùa Ông, xưa hàng chục gia đình theo nghề đèn lồng. Ban đêm, xóm náo nức chuẩn bị chặt, chẻ tre từ nhiều tháng và nhộn nhịp khi Trung thu cận kề.
Năm 1963, phong trào Phật giáo xuống đường chống Ngô Đình Diệm nổ ra tại Huế - miền Trung, đèn lồng bị vứt bỏ. Nhà nhà không ai còn treo đèn, trẻ em không còn được rước đèn lồng. Ông nhớ những người hàng xóm cả cuộc đời xem đèn lồng là sinh kế ngậm ngùi bỏ nghề, có người phá sản phải bán nhà đi đến nơi ở mới.
Năm 1990, đất nước thanh bình, ông Tân bày đồ ra làm lại chiếc đèn lồng chơi, phong trào làm đèn lồng trở lại và bán được.
Theo nghệ nhân, thịnh suy của nghề không chỉ do biến động lịch sử mà còn bởi thời tiết. Chất liệu giấy bóng gặp mưa ướt dễ hư hỏng. “Bây giờ, mỗi mùa Trung thu, tôi bán được vài ngàn chiếc, họ thích đèn truyền thống trở lại vì nó thật sự đẹp”, ngắm ngía đèn lồng ông tự hào chia sẻ.
Dù trước nhà nhiều người dừng xe chụp ảnh, khảo giá, mua, đặt để trang trí, để tặng, ông Tân vẫn bùi ngùi: “Ít hay nhiều người làm nghề nói đúng ra cũng là vì đồng tiền, vì kinh tế, cả khi nghề chưa nuôi sống được nghệ nhân”.
Ở kiệt 399 còn nổi tiếng bởi làm đèn lồng, đèn ú phục vụ mùa Phật Đản. Ông Tân thường làm không kịp phải khoán cho người trong xóm. Người nghệ nhân chiêm nghiệm, để người dân trang hoàng nhà cửa bằng đèn lồng cần chỉ ra vẻ đẹp, khơi dậy tinh thần để họ thích và chọn treo. Nhớ kỳ Festival Huế 2014, thành phố đề nghị, khuyến khích treo đèn lồng người dân chỉ treo được một mùa còn sau đó bỏ.
Gia đình bao đời sống ở Chi Lăng, ông Tân chứng kiến đổi thay, nở rộ, tàn phai của những nghề truyền thống: “Tôi lớn lên, khi đồ nhựa chưa tràn lan, xóm tôi còn có nghề làm gáo dừa. Dừa khô mua từ miền Nam ra cưa, đục lỗ làm gáo, muỗng bán. Nhưng giờ không có ai làm nữa”, ông Tân kể lại.
Chúng tôi đi sâu vào con hẻm. Cánh cổng mở sẵn số nhà 7/399, dưới tán cây khế cổ thụ có cặp vợ chồng già đang cặm cụi với tre và giấy trong sân. Bà Lê Thị Tuyết niềm nở cho biết kiệt nhỏ 399 Chi Lăng lắm nghề, 5 - 6 nhà xóm Quạt, xa xưa họ còn gọi là xóm Bún. Trong ký ức của bà, xóm Bún Chi Lăng rất có tiếng vì hương vị đặc biệt khi nhuộm màu bằng trái vả.
Bà Tuyết thốt lên tiếc nuối: “Tên xóm Bún thôi đừng nhắc lại làm chi nữa vì xa xưa rồi”.
Theo bà Tuyết, nghề làm quạt bằng giấy trông đơn sơ ấy là sinh kế của gia đình bà, nuôi 5 người con khôn lớn. Cả xóm giờ còn 3 người giữ làm nghề phụ. Dưới tán cây khế già, người nghệ nhân chẻ lạt, uốn tre… Chiếc quạt gồm 15 nan như cánh chim xèo rộng, gợi nhớ thời chưa có quạt điện đã dìu người ta qua mùa hè oi ả.
Càng đi vào Gia Hội, càng mê đắm chuyện đời, chuyện nghề, với cảnh và người phố cổ. Về bên chùa Diệu Đế, giữa ngã ba đường Ngự Viên - Tô Hiến Thành, chúng tôi gặp bà Trần Thị Ái Thu, người kế thừa thương hiệu phấn nụ Bà Tùng.
“Nghệ nhân phấn nụ hứng giọt nước từ trời đem chưng cất, Cao Lanh loại hảo hạng làm từ 20 vị thuốc Bắc, chủ yếu là rễ các loại cây dưỡng da và một số loại hoa thơm, rồi đưa vào phòng kín giữ bí mật pha chế. Sau nhiều giờ nhào nặn, những ngày phơi nắng phơi sương mới thành hình nụ phấn, dùng trang điểm và dưỡng da tươi trẻ, an toàn, không bao giờ dị ứng”, bà Thu thoa cho tôi lớp phấn dịu mát và nói.
Phấn nụ khác biệt với mỹ phẩm nhập ngoại, trông như lớp lớp cánh hoa nhài mịn nhẹ, âm thầm tỏa hương bền bỉ với thời gian. Viên phấn trần nén bột như hình búp hoa trắng được đóng gói tinh tế.
Tương truyền, phấn nụ ra đời từ hàng trăm năm trước, phục vụ nhu cầu làm đẹp, bảo vệ da cho các bậc mẫu nghi, cung tần mỹ nữ chốn hậu cung. Bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, cả đời dùng phấn nụ, thọ 104 tuổi vẫn giữ được làn da không tì vết. Khi triều Nguyễn không còn, người thị nữ Trần Thị Hường mang bí quyết pha chế phấn nụ ra sản xuất, bán mưu sinh lưu truyền ra dân gian.
Phấn nụ thương hiệu Bà Tùng là của bà Trần Thị Tùng - một trong 9 người con gái ruột của người thị nữ đó. Năm 1993, bà Tùng theo chồng định cư tại Mỹ, truyền nghề lại cho em gái út Trần Thị Ái Thu. Bà Thu tiếp quản, giữ lại thương hiệu phấn nụ Bà Tùng.
Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận độc quyền nhưng theo bà Ái Thu, nhiều nơi làm giả nhái, bà đi thưa kiện rất nhiều cuộc. Bà Thu bày tỏ mong phát triển thương hiệu du lịch phố cổ để du khách về Gia Hội, ghé qua phấn nụ bà Tùng để có được hàng phấn nụ chính hãng.
Nhìn qua công viên Ngự Viên, nơi Vua thường dạo bước sau khi lễ chùa là nhà thờ tổ nghề Kim Hoàn đầu tiên của Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Dũng trông coi nhà thờ cho hay nhà thờ tổ nghề Kim Hoàn đông nhất vào ngày 7 và ngày 27/2. Đó là ngày giỗ nghề, thợ kim hoàn trên cả nước về dự, nay nhiều người đã chuyển nghề, đi nước ngoài.
“Xưa thợ kim hoàn học làm thủ công mất ít nhất 4 năm để thành thạo nhẫn, lắc, dây chuyền, khảm… Còn giờ đây họ làm bằng máy học chỉ từ 3 - 6 tháng, ai làm làm gì chuyên đó không biết làm thứ khác nên sản phẩm không tinh xảo bằng”, ông Dũng nói.
Đánh thức Gia Hội để nâng tầm nghề truyền thống
Gia Hội có nhiều nghề ngay trong trung tâm thành phố, bao bọc đường, kiệt bởi đậm đặc di sản văn hoá nghệ thuật truyền thống. Để Huế nói chung, Gia Hội nói riêng thành công về mặt kinh tế trong thời đại hiện nay cần tận dụng tối đa lợi thế bản sắc văn hoá - phẩm chất phân biệt Huế với các thành phố khác. Kết hợp giữa sản xuất truyền thống và tổ chức kinh doanh văn hoá khám phá trở lại, nỗ lực đột phá tư duy sản xuất, kinh doanh làm hồi sinh nghề.
Dẫu vậy, quy mô sản xuất nhỏ, mẫu mã chưa đa dạng đang khiến nghề truyền thống ở Gia Hội gặp nhiều thách thức. Dùng du lịch kích cầu quảng bá kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán kinh tế cho nghề thủ công.
TS.KTS Đặng Minh Nam - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Phát triển Thừa Thiên Huế đau đáu nỗi niềm về không gian văn hoá của phố cổ Gia Hội. Nơi có nhiều hoạt động thương mại vào các khoảng thời gian khác nhau trong ngày nhưng còn thiếu kinh tế đêm. Ông đề xuất: “Đường Chi Lăng cần tổ chức mô hình phố đêm mua sắm sản phẩm thủ công truyền thống trục đường từ đầu cầu Gia Hội đến đường Nguyễn Du”.
Ông Nam đưa ý tưởng khu vực này bày bán sản phẩm thời trang, thủ công truyền thống với mẫu kios theo quy định; treo đèn lồng tại tuyến phố chính; tổ chức hoạt động đêm hội ánh sáng, đèn lồng vào các ngày rằm trong tháng (14 âm lịch); rước đèn vào Tết Trung thu hàng năm tái hiện đêm rằm Trung thu xưa; lễ hội rước mặt nạ tuồng vào ngày giỗ tổ nghề tuồng hàng năm.
Di sản văn hóa Gia Hội là duy nhất, khác biệt với nếp sống đô thị riêng. Huế phục hồi lại đô thị Gia Hội sầm uất là làm tròn trịa mảng màu không thể thiếu, biểu đạt với du khách về "nơi đáng đến thăm bậc nhất", “Huế đẹp như tranh vẽ” như lời ca tụng của Trưởng ty giáo dục An Nam H.DeLétie.
Bảo Hòa