SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 13/05/2024
  • Click để copy

Kỳ nhân ‘ươm' hoa trường cửu

11:11, 25/09/2023
Ngắn ngủi và hữu hạn, đời hoa sớm nở tối tàn, lá xanh sang mùa vàng úa rơi rụng, mong manh vô thường là quy luật của tạo hóa. Thế nhưng, bàn tay tài tình của họa sĩ Võ Thị Quỳnh đã giúp lá, hoa trở nên trường cửu, không tuổi, không mùa.

Hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng ghi lưu bút trong triển lãm tranh hoa lá ép của họa sĩ Võ Thị Quỳnh (69 tuổi, 6/147, Phan Đình Phùng, TP Huế) như sau: “Có thể chúng ta không hiểu biết gì về cái thiền trong nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản. Nhưng chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng đã có hơn một lần ngồi trước một bông hoa rửa sạch mọi tục lụy trong tâm tưởng của mình để suy niệm về cái toàn chân, toàn mỹ, toàn thiện. Một giây phút thoát tục hiếm hoi trong đời thường, giây phút mà chúng ta và vũ trụ là một nhất thể”.

Từ đồ chơi ấu thơ đến nghệ thuật

Rung động trước vẻ đẹp tranh hoa lá ép, họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng đánh giá cao những tác phẩm của Võ Thị Quỳnh. Ông viết: “Tác giả Võ Thị Quỳnh suy niệm như thế nào trước bông hoa đó, trước chiếc lá đó? Mãi mãi đó là điều bí mật của chị và của vũ trụ. Chỉ biết, là một tuần sau, một tháng sau và có thể lâu hơn nữa, một tác phẩm của chị ra đời với những bông hoa và chiếc lá đã khô để được gọi là Immortel (loài hoa trường cửu). Đó không còn là hoa lá nữa mà đó là những ý niệm của chị. Là điều bí mật tuyệt đẹp của chị mà chúng ta ai cũng muốn được dự phần vào”.

Những bông hoa, chiếc lá xưa chúng ta từng ép vào trang vở, lưu luyến kỷ niệm thủa áo trắng đến trường. Vậy mà, cô Quỳnh biến trò chơi thời thơ ấu ấy thành một bộ môn nghệ thuật công phu khiến nhiều người phải xuýt xoa, xao xuyến.

cdd5040722c1f79faed0

 Họa sĩ Võ Thị Quỳnh - người "ươm" hoa trường cửu.

Họa sỹ Quỳnh cho biết ba của cô là một thầy thuốc Nam. Cũng như tuổi thơ của bao người, ngày nhỏ bà cũng hay “làm cái đuôi” theo chân ba. Cô bé Quỳnh ngày ấy được ba đưa đi cùng cả khi ông đi tìm cây lá làm thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. “Ba tìm lá làm thuốc, còn tôi lại mải mê nhặt hoa để làm đồ chơi”, bà Quỳnh nói ý nghĩa của hoa, lá với bà đã đặc biệt từ thủa bé.

Mái tóc gợn sóng, khuôn mặt của người phụ nữ 69 xuân trông phúc hậu. Tuy đâu đó vết chân chim vẫn hằn lên nhưng khí chất đài trang trông không gợi nhiều gió sương. Với nụ cười luôn nở như hoa, họa sĩ Quỳnh nhẹ nhàng, kể: Năm 1992, bà bị một trận ốm thập tử nhất sinh.

Từ chỗ bệnh tật, nhờ tình yêu thương của người thân, gia đình cuộc đời họa sĩ Quỳnh như tái sinh. Bà tha thiết muốn làm một điều gì đó để bày tỏ lòng biết ơn sự sống, người thân. Cô giáo dạy văn Võ Thị Quỳnh chưa qua một trường, lớp mỹ thuật nào ấp ủ ý nghĩ mình sẽ tái sinh đời hoa để hoa sống mãi trong hội họa. 

0df75cde6f18ba46e309

 Những cánh hoa ép khô hàng tháng trời để tìm ra mảng màu, hình dáng tạo tác nên bức tranh như ý.

Họa sĩ đính hoa, lá vào tập ép của mình. Từ những tập hoa ép, bà Quỳnh đến với hội họa rất tự nhiên. “Bắt gặp bao buồn vui, cảm nhận bao hình tượng trong cuộc sống, với sắc màu của hoa lá ép, tôi thử thể hiện bằng tranh nghệ thuật”, bà Quỳnh tâm tình nói. 

Không phải bao giờ ép hoa cũng thành công. Có những loài hoa không thể ép. Việc ép hoa, lá rất kỳ công, phải ép nhiều tháng trời, để vào các hộc tủ. Khi đem ra, nhiều lúc cũng không thể làm được do khác màu mình cần, khác dáng họa sĩ cần.

Năm 1993, bức tranh con gà trống đón tết Quý Dậu được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ghé nhà khen: "Đẹp thế này thì làm nữa đi”. 

bf7121920654d30a8a45

 Đặt niềm tin vào những bức họa hoa lá của bà, nhà văn Nguyễn Quang Hà hứa sẽ tặng cho người vợ yêu 20 khung tranh. 

Họa sĩ Quỳnh cho hay: “Đó là lời động viên đúng lúc để bà tiếp tục đi trên con đường trở thành họa sĩ về hoa, lá ép. Bức tranh đó sau này ai mua mấy tôi cũng không bán mà kiên quyết giữ làm kỷ niệm”.

Nhờ 20 chiếc khung được mua từ tiền viết văn đạt giải của chồng, cô giáo dạy Văn đã thực sự bén duyên nợ với nghệ thuật, kiên trì theo đuổi con đường riêng.

“Chồng tôi hứa tặng 20 khung tranh. Khi đạt giải viết văn, ông dùng tiền giải thưởng mua khung và mang 20 chiếc khung tranh sau lưng đến tặng tôi thật. Lúc đó không có xe máy, chỉ có xe đạp mini. Cũng không có máy ảnh để chụp lưu giữ lại khoảnh khắc và hình ảnh đẹp đó", nghĩ đến đây, bà Quỳnh như sống lại tuổi trẻ, bật cười rất tươi vui mà dường như sự xúc động vẫn còn.

Tình cờ, trong một lần cố nhà văn Hồng Nhu - tác giả của “Vịt trời lông tía bay về” - đến nhà họa sĩ Võ Thị Quỳnh chơi. Nhà văn Hồng Nhu nói: “Đưa đây vài ảnh để tôi viết bài đăng tạp chí sông Hương”.

Nhờ bài đăng trên tạp chí Sông Hương, lần đầu tiên tranh hoa lá ép được giới thiệu đến rộng rãi công chúng. Từ đây, bà được một người bạn giúp đỡ tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên về tranh hoa lá ép mang tên mình - Võ Thị Quỳnh - ở TP Đà Nẵng.

Hạnh phúc của người nghệ sĩ

25 bức tranh được chọn từ 30 bức tranh đầu tiên được Nhà Văn hóa thông tin TP Đà Nẵng cho phép trưng bày triển lãm là một sự thể nghiệm dành cho những ai “yêu hoa nên phải đánh đường tìm hoa”.

Lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối, rộn ràng những cuộc gặp gỡ không chỉ tranh hoa, lá ép với văn nhân nghệ sĩ, tao nhân mặc khách, lãnh đạo thành phố, mà điều khiến họa sĩ Võ Thị Quỳnh vui sướng là sự quan tâm của những người lao động tay chân: Xích lô, xe thồ, bán buôn, học trò cũng kéo nhau đi xem hoa, lá ép.

b3e01ad72511f04fa900

 Tác phẩm "Tung bờm".

Lần theo dòng ký ức, cô Quỳnh nhớ: “Tôi yêu người Đà Nẵng lắm, có rất nhiều điều đặc biệt không thể nào quên trong kỳ triển lãm đầu tiên trong cuộc đời tôi”.

Triển lãm được mở cửa cả ngày với sự có mặt của chủ nhân. Từ những người xích lô, xe thồ, người chống nạng gỗ đến người khỏe mạnh, các linh mục, các thầy chùa không phân biệt già trẻ, tôn giáo họ vào xem, họ kháo với nhau: “Bên trong Nhà văn hóa thông tin trung tâm Đà Nẵng có một bức tranh vô giá” nên người xem càng đông.

Đó là bức tranh cô Quỳnh ép hoa lá đề tặng cho những người cựu chiến binh Mỹ với hình ảnh một con chim bồ câu tung bay, đằng sau đó là hàng rào thép gai chằng chịt.

Gần 30 năm trước, cũng tại kỳ triển lãm tại Đà Nẵng này, bà Quỳnh không sao quên được hình ảnh hai mẹ con người thợ may chở nhau trên chiếc xe đạp. Cô bé con mới học lớp 6 đòi mẹ mua bức tranh hoa, lá ép của cô Võ Thị Quỳnh, lúc đó có giá 100 USD.

Trẻ thường sẽ đòi bố mẹ bánh kẹo, quần áo, đồ chơi... cô bé đòi mẹ mua tranh. Bức tranh bé muốn mua là bức "Những con đường thời thơ ấu" rất khó hiểu vì khá trừu tượng. Thấy người mẹ lại quá thương con ngẩn ngơ mãi trước bức tranh, cô họa sĩ nói sẽ giảm giá một nửa, chẳng những giảm giá một nửa mà có thể trả góp 10 năm, 20 năm.

6b8a74ca5d0c8852d11d

 Tác phẩm "Những con đường thời thơ ấu".

“Có lẽ cả cuộc đời tôi không thể gặp ai đáng yêu đến thế. Sau khi triển lãm kết thúc, người mẹ đến chở tranh về, trả trước cho tôi 100 ngàn đồng. Nhiều năm sau, mỗi năm bà mẹ rất mực yêu con ấy lại gửi trả cho tôi một ít. Tôi thi thoảng vẫn quay lại Ngã Ba Huế ở Đà Nẵng để thăm cô giáo mình, nơi tôi đã ở lại để làm triển lãm. Bà mẹ có con thích tranh hoa lá ép một mực nói dẫn tôi đi mua vải và may tặng cho tôi đến ba bộ. 2 chiếc váy mặc cho mùa hạ, mùa thu và 1 bộ vest.

Tôi nói tiền đâu mà tặng tôi nhiều như vậy tôi không thể nhận. Bà mẹ nói em chỉ tặng vải, đồ em tự may tặng như một lời chào tạm biệt chị. Hai mẹ con em sắp qua Mỹ định cư”, cô Quỳnh vẫn còn xúc động.

Dù váy đã lỗi mốt cô Quỳnh vẫn giữ vì kỷ niệm, vì “có lẽ có lúc mốt đó sẽ trở lại”, bộ vest kia vẫn mặc vừa. Khi trở nên có danh tiếng, bán được không biết bao nhiêu bức tranh với giá cao hơn, cô Quỳnh vẫn không quên những vị khách đặc biệt thủa đầu ấy.

Nhiều chuyện nữa từ cuộc triển lãm vào mùa trung thu ở Huế, tại Bảo tàng Phụ nữ Hà Nội, TP.HCM sau này... Bà Quỳnh say sưa kể. Mỗi nơi tranh hoa, lá ép đến đều để lại nhiều kỷ niệm và tiếp thêm động lực cho hoạ sĩ bền bỉ sáng tạo.

8cc09932d6f403aa5ae5

 Bút tích của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Bà nhớ chi tiết những gương mặt đến với triển lãm. Đó là một vị Giáo sư đến từ Nhật Bản mua bức tranh "Huyền ảo" mang về Tokyo khiến khung tranh trống ngay khi triển lãm mới bắt đầu. Bà gắn một bông hoa màu tím lên đó chứ không muốn thay tranh mới. Học trò hỏi: “Thì ra "Huyền ảo" là như thế này, là không có gì cả à cô Quỳnh?”, bà Quỳnh bật cười nhớ đến câu hỏi ngây thơ của trò nhỏ.

“Hôm ấy tôi chuẩn bị khai mạc triển lãm tranh tại Bảo tàng Phụ nữ ở Hà Nội. Buổi sáng tôi đến thấy có một bó hoa đồng nội tươi còn đọng cả sương mai long lanh trên cánh, đề: Một người yêu quý họa sĩ Võ Thị Quỳnh”, bà Quỳnh nhớ lại. 

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cắt băng khai mạc, phát biểu rất trang trọng. Những người xa lạ yêu thương đến dự, ghi những dòng cảm nhận, đứng lại trò chuyện với chủ nhân, khiến cho mỗi cuộc triển lãm là một kỷ niệm. Sau đó, cô Quỳnh làm hồ sơ, tặng lại cho Bảo tàng Phụ Nữ 1 bức tranh mang tên "Tương tư" để nhờ bảo tàng lưu giữ. 

Ngày 11/9/1994, Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại mấy dòng lưu bút: “Với những chất liệu tình cờ nhặt được (Giấy dán, vỏ cây), tôi nghĩ rằng người ta chỉ có thể làm nên một cái gì đó gần giống như nghệ thuật nhưng không bao giờ là nghệ thuật thực sự. Tôi đã xem nhiều và cứ nghĩ như vậy trước khi đến xem triển lãm Võ Thị Quỳnh.

ad6682f0aa367f682627

 Tác phẩm "Huyền ảo".

Hóa ra, với Võ Thị Quỳnh, sự sáng tạo hoàn toàn vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó, bằng lá và hoa ép thôi tác giả vẫn tạo nên chất thanh thoát và tự do của những tác phẩm hội họa. Bây giờ đúng như thế, nghệ sĩ thổi linh hồn của mình lên chất liệu để tạo nên những tác phẩm hội họa Võ Thị Quỳnh đã đi nhặt những lá khô, lá úa của mùa thu để tạo nên một cái gì vĩnh hằng, như tác phẩm “thời gian của chị”.

Với tranh hoa, lá ép Võ Thị Quỳnh, thời gian chẳng những không làm tàn úa mà còn làm cho người ta nhận ra sức sống thực sự của lòng tin yêu con người và cuộc đời luôn thắm tươi, triển vọng. Tình yêu đưa bà Quỳnh đến với nghệ thuật, hoa lá luôn cho bà tâm hồn trẻ trung. Ở tuổi 69, chúng tôi vẫn thấy họa sĩ Quỳnh tìm trong hoa, lá những câu chuyện đời để kể, để thương theo lẽ sống đẹp của riêng mình. 

Bảo Hòa

Tin khác

Giải trí 21 giờ trước
(SHTT) - Tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, UBND TP Hải Phòng long trọng tổ chức đêm hội “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 và đón nhận Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Du lịch Thanh Hóa ngày càng khởi sắc và đột phá trong những năm gần đây, khẳng định được vị trí, thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Sư tử biển California là loài sư tử biển rất đáng yêu và gần gũi với con người. Mùa hè năm nay, người dân Thủ đô có thể gặp gỡ những “người bạn” đặc biệt này duy nhất tại Thủy cung Lotte World Hà Nội.
Giải trí 3 ngày trước
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.