SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 10/05/2024
  • Click để copy

Phát huy nhãn hiệu tập thể 'Thịt Bò Vàng A Lưới' đâu thể ‘ngày một ngày hai’

16:10, 07/09/2023
Trước tình trạng thịt bò ngoại siêu rẻ áp đảo thị trường, nhu cầu bò nội có nhưng nguồn cung hạn chế, chăn nuôi theo tập quán cũ, đơn vị quản lý còn thiếu kinh nghiệm là những thách thức khó phát huy giá trị chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Thịt Bò Vàng A Lưới" trong thời gian ngắn.

Nhiều du khách có dịp đến A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) thưởng thức thịt bò bản địa đều cảm nhận được sự đặc biệt của đặc sản Thịt Bò Vàng A Lưới. Thế nhưng ngay cả khi mua thịt bò tại A Lưới, tình trạng bò lai ngoài địa phương và bò ngoại nhập không chỉ làm cho người tiêu dùng băn khoăn mà còn khiến những người dân chăn nuôi lo lắng khi bấp bênh, mất giá.

Để bò không “khát” cỏ

Qua đèo A Co, cổng chào đến với A Lưới rộng mở. Về với Hồng Thượng - một trong những xã nuôi nhiều bò vàng nhất huyện vùng cao phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Trời xế chiều, ông Nguyễn Văn Ốp (68 tuổi) lật đật lùa đàn bò về chuồng trước khi hoàng hôn buông bóng.

47d21d092599f7c7ae88

"Thịt Bò Vàng A Lưới" là đặc sản nổi danh được chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Ông Ốp hồ hởi: “Những con bò vàng này đang thời kỳ phát triển tốt. Tôi nuôi bò bán thâm canh. Mùa này, ban ngày chúng tôi vẫn đưa bò thả ra đồng ăn cỏ dưới tán keo tràm, chiều tối lùa bò về chuồng. 2 -3 hộ thường thay phiên nhau cử mỗi ngày một người trông nom để đỡ công”.

Gần 20 năm trước, ông Ốp mua được con bò giống đầu tiên với giá “hời”, chỉ 800.000 đồng/con trong lúc giá trị trường lúc đó 1 – 1,2 triệu đồng/con. Đến nay, đàn bò của gia đình đã tăng lên 13 con.

“Năm 2017, huyện A Lưới có đề án phát triển đàn bò, tôi được Ngân hàng Chính sách hỗ trợ 30% vốn nên mua thêm 2 con bò giống để tăng đàn”, ông Ốp nhớ lại.

Ông Ốp xây được nhà mới rộng rãi, thoáng mát một phần nhờ nuôi bò vàng. Thế nhưng, bà con tái định cư ở xã Hồng Thượng lại rất chật vật, khó khăn vì bò “khát" cỏ từ khi nhường đất ruộng, đồng cỏ cho thủy điện. “Từ 12 năm nay, sau khi có thủy điện, chăn bò phải đi vào các rừng tràm xa mà diện tích cỏ cũng không còn được như trước”, ông Ốp bần thần nói.

a6286b402cd0fe8ea7c1

Ông Nguyễn Văn Ốp chia sẻ nhiều nỗi niềm buồn, vui khi nuôi bò vàng.

Ông Lê Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng - cho hay nguồn kinh tế chủ yếu của người dân nơi đây chính là trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Đây vốn là công việc có từ lâu đời, bò là “đầu cơ nghiệp” của nhiều gia đình Tà Ôi, Pa Cô nơi đây.

Trước đây, ở xã Hồng Thượng, chủ yếu bò được chăn thả tự nhiên, mỗi nhà chỉ nuôi 1 – 2 con chứ không nhiều, nhưng nhờ các dự án hỗ trợ mà xã Hồng Thượng dần tăng số lượng đàn. Toàn xã hiện có 85% người dân sống dựa vào trồng rừng, chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, dê, riêng chăn nuôi bò có 38 hộ với tổng đàn 1.005 con.

A Lưới được xem là “Đà Lạt thu nhỏ” của Huế, vùng đất có khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 22 – 25°C. Khí hậu phù hợp chăn nuôi bò song khó khăn do điều kiện thổ nhưỡng, diện tích đồng cỏ thu hẹp, cùng lối chăn nuôi thả rông khiến bò thiếu thức ăn đang là thách thức đáng kể.

“Tôi nhớ năm 2009, lúc đó tôi chỉ mới là Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, mùa đông ở A Lưới kéo dài, xã có hàng trăm con bò chết rét”, ký ức của ông Vinh nhớ như in năm có số lượng bò chết rét nhiều nhất. Còn giờ đây khi chuồng trại đã kiên cố, tình trạng bò chết hàng năm vẫn diễn ra, số lượng từ vài con đến vài chục con vì thiếu thức ăn.

9760b948fed82c8675c9

 Ông Ốp là một trong số ít người dân có trồng cỏ để nuôi bò tại Hồng Thượng.

30b77aa93c39ee67b728 (1)

 

Giống bò vàng bản địa có thớ thịt nhỏ, mịn và được chăn nuôi tự nhiên, không dùng bột. Còn thịt bò Thái Lan, bò Mỹ, bò Úc sẽ có màu trắng, thịt mềm. Ông Ốp không ăn thịt bò lai, bò ngoại, vừa là vì không ưa và cả vì không tin “bò nuôi bằng gì mà rẻ và to thế”. Đó là tâm lý e ngại chung của nhiều người tiêu dùng trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan.

 

“Tập huấn trồng cỏ sau một thời gian không phải ai cũng duy trì. Một số người mua thêm rơm từ các vùng khác để ủ ấm, tăng thức ăn nhưng đa số người dân để mặc cho đất trời nên bò ốm bệnh. Ngày xưa, để tuyên truyền không “chặt, cốt, đốt, trỉa” mất gần 30 năm mà đến nay vài người vẫn còn làm theo lề cũ. Thay đổi tập quán chăn nuôi “mưa dầm thấm lâu”, họ có thay đổi nhưng chậm, không thể làm trong ngày một ngày hai”, ông Vinh nói.

Đợi giải pháp từ cấp trên

Nay ông Ốp có chuồng trại, dành hẳn 200m2 đất vườn trồng cỏ nuôi bò. Theo ông Ốp, nhiều người dân trong làng đang nản chí với chăn nuôi bò là vì giá bò bấp bênh. Có người đã “giải nghệ”, bán bò để làm việc khác. Không nhanh lớn như bò lai, bò vàng A Lưới phải nuôi 2,5 năm – 3 năm nhưng giá thành bây giờ rất thất thường. Từ chỗ mua bò giống 15 - 16 triệu/con nay bán chỉ 12 triệu/con; bò thịt bán 6 - 7 triệu/con.

“Giá bò vàng lên xuống bấp bênh. Năm 2020 – 2023, những người chăn nuôi bò mà tôi biết đều giảm sức chiến đấu. Có nhà còn bán bò đổi heo để nuôi”, ông Ốp chùng giọng kể, rồi bất giác bật cười nhắc lại “đổi bò lớn như vậy để nuôi heo” vì heo nhanh có tiền hơn.

Theo ông Ốp, thương hiệu "Bò Vàng A Lưới" là thịt bò ngon nhất trong tỉnh nhưng ra chợ chưa chắc mua đúng bò địa phương. “Ở đây (ý nói ở A Lưới), lòng bò nhiều khi cũng không có để mua, hầu hết được đóng về TP Huế tiêu thụ. Chúng tôi là dân chăn nuôi, là người địa phương nhìn là biết, đi ăn cưới họ soạn ra cũng không ăn”, ông Ốp phân trần.

Sắp tới, xã Hồng Thượng quy hoạch vùng trồng cỏ trong tự nhiên ở lòng hồ thủy điện, chuyển đổi trồng cây ăn trái không hiệu quả để có diện tích trồng cỏ, tạo thức ăn cho gia súc theo hướng có áp dụng khoa học kỹ thuật. Xã xác định tăng cường đảm bảo chất lượng đàn bò ngon, béo phải có đồng cỏ đủ dinh dưỡng.

Ông Lê Quang Vinh cũng trăn trở khi người chăn nuôi đang chịu thiệt vì bị thương lái ép giá. Bà con nuôi bò xã Hồng Thượng đã nhận thông báo về việc mới được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn chưa được hướng dẫn để tham gia, quản lý, phát triển tài sản trí tuệ chung này.

“Thời gian qua, việc mua bán bò vàng A Lưới đang dựa vào thương lái tự do, họ tự trao đổi, mua bán mà chưa có trung gian liên kết thành chuỗi giá trị. Xã đang loay hoay, trăn trở về việc làm sao để có chuỗi giá trị nâng tầm thương hiệu "Bò Vàng A Lưới". Hiện xã chưa tìm ra giải pháp đó, sắp tới sẽ xin ý kiến, chờ giải pháp từ huyện”, ông Vinh nói.

e51efe2fb8bf6ae133ae

“Thịt bò A Lưới ngon, nhu cầu có nhưng cung còn hạn chế. Nếu họ chở bò nơi khác về sẽ ảnh hưởng thương hiệu chung của A Lưới”, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng băn khoăn.

Năm 2021, Thịt Bò Vàng A Lưới được công nhận OCOP 3 sao. Năm 2021, Hội Nông dân huyện A Lưới được giao làm chủ đơn, đăng ký và làm hồ sơ trình xin cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể và logo biểu trưng cho "Thịt Bò Vàng A Lưới". Tháng 2/2023, "Thịt bò Vàng A Lưới" được Cục Sở Hữu Trí Tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận.

Nhãn hiệu tập thể vốn là cơ hội đẩy mạnh quảng bá ra thị trường, thúc đẩy hoạt động chăn nuôi theo quy hoạch, mang lại hiệu qủa cao cho các hộ dân, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ này còn ngổn ngang việc phải làm.

“Chúng tôi rất vui mừng khi có nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, đơn vị được giao chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu tập thể "Thịt Bò Vàng A Lưới" chỉ có 4 người, không có chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kinh doanh", ông Hồ Văn Liên - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới - thẳng thắn nhìn nhận khó khăn.

Theo ông Liên, phát triển thương hiệu vươn ra được ngoài huyện, ngoài tỉnh là mục tiêu quan trọng. Nếu mạnh ai nấy làm, không giữ, không quản lý tốt nhiều khi có nhãn hiệu chính là lúc mất luôn thương hiệu.

934ce398a50877562e19

 Quầy thịt bò vàng "nổi" nhất chợ A Lưới của bà Trần Thị Tư.

“Nếu chuối để được vài ngày, vải dèzng có thể để vài chục năm cũng được thì thịt bò chỉ bán trong ngày. Trong khi chúng tôi chỉ có thể quản lý bằng mắt thường, cảm quan, không có máy móc hỗ trợ”, ông Liên nói. Sắp tới, Hội Nông dân huyện A Lưới dự định đề xuất huyện làm tủ đông để bảo quản thịt từ 7 – 10 ngày tại một địa điểm gần chợ, phục vụ khách ngoại tỉnh.

Để giúp người tiêu dùng nhận biết "Thịt Bò Vàng A Lưới" chính hiệu, hiện nay, ở chợ A Lưới đã có 1 quầy được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ bao, bì, nhãn, mác và lắp đặt pano quảng bá.

Trong phiên chợ chiều, quầy bán thịt bò “nổi” nhất chợ A Lưới là quầy của bà Trần Thị Tư. Quầy hàng của bà Tư được gắn bảng quảng cáo rất lớn khiến người tiêu dùng dễ tìm và ấn tượng. Bà cho biết từ khi có nhãn hiệu tập thể và được cấp pano, rất nhiều người làm Tik ok, Youtube khắp nơi từ Huế, Hà Nội, Đà Nẵng đến để quay phim và giới thiệu.

Bán thịt bò vàng 20 năm, bà Tư rất vui khi tham gia Hội Bò Vàng. “Mình bán bò A Lưới họ mới mua nhiều, nếu bán bò Thái Lan họ quay đi ngay. Giá sau khi có nhãn hiệu tập thể không lên không xuống, vẫn 250.000 VNĐ/kg”, bà Tư phấn khởi.

DSC03721

 Thịt bò khô được giới thiệu tại các hội chợ tại TP Huế.

Hiện tại huyện A Lưới, chỉ có 2 hộ kinh doanh tại chợ A Lưới có đăng ký, có dấu của trạm thú y xác nhận nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh bà Tư, có 1 quầy nữa dù cùng bán thịt "Bò Vàng A Lưới" nhưng hiện chưa đặt bảng pano.

“Bước đầu, thấy người dân, du khách có sự tin tưởng, hiểu biết về thịt bò vàng A Lưới chính gốc.

Chúng tôi đã tính đến phương án nhập bò từ địa phương khác nhưng nuôi tại địa phương 6 tháng trở lên cũng sẽ được xem là bò địa phương. Nếu không tăng đàn, với gần 10.000 con như hiện tại chỉ vài năm đàn bò đó cũng hết”, ông Liên nói thêm.

Được biết, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều đề xuất nâng cao năng lực quản lý tài sản trí tuệ, tăng số lượng thành viên sử dụng nhãn hiệu, tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thịt bò vàng. Đồng thời, tổ chức sản xuất thịt bò an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ nhằm tránh tổ chức/ á nhân lợi dụng, sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể.

Được xác lập tài sản trí tuệ cộng đồng là bước đệm đáng quý, nếu A Lưới phát huy được bằng những bước đi chắc chắn, quan tâm về chính sách đột phá nhãn hiệu tập thể mới thực sự phát huy thêm danh tiếng của đặc sản này. Đảm bảo sản phẩm mang đến người tiêu dùng chất lượng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện A Lưới, tháng 10/2015, tổng đàn bò toàn huyện là 7.072 con; năm 2020 đạt 10.390 con bò. Tuy nhiên do rét đậm, rét hại năm 2020 - 2021, đàn bò bị thiệt hại, số lượng giết mổ hàng năm khá lớn nên đến tháng 6/2022, số lượng đàn bò còn lại hơn 9.500 con. Huyện đã tập huấn 48 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, chế biến phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi...

Bảo Hòa

Tin khác

Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Đây là cuộc thi sắc đẹp hiếm hoi ngay từ đầu đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tránh những rắc rối về pháp lý sau này.
Tài sản trí tuệ 12 giờ trước
(SHTT) - Theo thông tin từ trang tin Deadline, A24 đã mua được bản quyền Bắc Mỹ cho Parthenope, bộ phim mới của nhà làm phim từng đoạt giải Oscar, Paolo Sorrentino, trước khi ra mắt thế giới tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 77.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Ngày 8/5, công ty Pasco Shikishima, Nhật Bản cho biết đã thu hồi 100.000 túi bánh mỳ cắt lát ở Nhật Bản sau khi các bộ phận của một con chuột được phát hiện trong hai túi bánh mỳ loại này.
Tài sản trí tuệ 18 giờ trước
(SHTT) - Nhằm đảm bảo cho sức khoẻ và bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian qua đội QLTT số 3 đã phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh y dược trên địa bàn Hậu Lộc, Hoằng Hoá và đã phát hiện xử lý, kịp thời xử phạt 113,5 triệu đồng.
Tài sản trí tuệ 21 giờ trước
(SHTT) - Qua rà soát, quản lý địa bàn trên môi trường thương mại điện tử, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Ninh Thuận tiến hành kiểm tra, phát hiện Cơ sở kinh doanh Thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử nhập lậu.