'Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại': Đi tìm sự 'chữa lành' bên trong đô thị
Đô thị hóa ngày càng trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Tại Việt Nam, kể từ sau Đổi mới (1986), các đô thị dần có sự chuyển mình. Đặc biệt từ khi bước sang thiên niên kỷ mới đến nay, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các đô thị. Điều này phản ánh được sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như chất lượng đời sống của người dân, tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, trong khi cả xã hội chưa kịp thích ứng dẫn đến bộc lộ nhiều bất cập.
Được mệnh danh là “bác sĩ đô thị”, trong hàng chục năm qua, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn đã “bắt bệnh” cho không ít đô thị trên thế giới và Việt Nam. Ở vai trò kiến trúc sư, ông để lại dấu ấn qua nhiều dự án lớn như đại học Washington tại Seattle (Mỹ), dự án quy hoạch khu nhà ở thương mại cao cấp Lachine ở Montreal (Canada) hay quy hoạch xây dựng phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải - Trung Quốc).
Thế nhưng, sau nhiều năm làm nghề, Ngô Viết Nam Sơn nhận ra công việc vẽ và tư vấn thiết kế không đủ để tác động đến nhận thức xã hội về quy hoạch đô thị. Cũng vì thế, ông muốn mượn sức mạnh của ngòi bút, nhằm lan tỏa tri thức, tạo ra sự cộng hưởng từ mọi tầng lớp để cùng chung tay vì sự phát triển bền vững của một nền văn hóa đô thị. Và quyển sách đầu tay của ông mang tên Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại (Phanbook và nhà xuất bản Dân trí ấn hành) đã ra đời.
Vượt lên trên tính chất của một đầu sách chuyên ngành về quy hoạch, Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại hướng đến đa dạng đối tượng độc giả, từ cơ quan quản lý, nhà đầu tư đến người bình dân. Tác phẩm cung cấp đến người đọc những hiểu biết, tổng quát, chính yếu, cấp thiết trong vấn đề quy hoạch đô thị từ chính trải nghiệm và đúc kết của tác giả, đồng thời đóng góp tiếng nói phản biện thẳng thắn về những bất cập mang tính thời sự ngay trong xã hội đương đại.
Quyển sách được bố cục làm 2 phần chính:
Phần 1 - Không gian và thời gian đô thị, tác giả chia sẻ các vấn đề mang tính lý thuyết lẫn kinh nghiệm được đúc kết thành nguyên lý, giúp người đọc hiểu rõ hơn về cách thức, giá trị, tầm quan trọng của quy hoạch, thiết kế đô thị.
Phần 2 - Thành phố và những hình dung, tác giả đưa người đọc bước vào câu chuyện cụ thể của các đô thị như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, TP. HCM, TP. Thủ Đức, một số khu vực bảo tồn như Mã Pì Lèng, Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ,... thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của tác giả về những điểm nghẽn, những lỗ hổng, nguy cơ trong quy hoạch. Đi sâu vào bản sắc đặc trưng của từng đô thị và góp phần nâng cao bản sắc đó.
Đặc biệt, Ngô Viết Nam Sơn kết lại quyển sách bằng bài viết Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và trường phái Beaux - Arts để tưởng niệm cha của mình, giúp người đọc hiểu biết thêm về vị kiến trúc sư tài ba của dân tộc, người đã giành giải Khôi nguyên La Mã và có nhiều đóng góp cho kiến trúc, quy hoạch của Việt Nam. Cũng qua đó tác giả thể hiện ý hướng tiếp nối lý tưởng phụng sự dân tộc, cống hiến vì sự phát triển của quê hương.
Đi qua Nhận diện đô thị Việt Nam đương đại, mỗi người đọc từ trình độ, vai trò xã hội khác nhau sẽ rút ra cho mình những ý nghĩa khác nhau, nhận ra trách nhiệm của bản thân trong nhiệm vụ kiến tạo và trung hòa lợi ích giữa đô thị.
Có thể thấy, tác giả đặt con người làm hạch tâm của quy hoạch đô thị: Con người chính là chủ thể có quyền quyết định trong các vấn đề cốt lõi của quy hoạch, và ngược lại ý nghĩa của quy hoạch sẽ không gì khác hơn ngoài lợi ích bền vững dành cho con người.
Từ lâu, tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn với những hậu quả của nó đã in sâu và nhận thức của nhiều người rằng đô thị đồng nghĩa với kẹt xe, ngập nước, bê tông, khói bụi, chi phí sinh hoạt, nhà ở đắt đỏ… Nghiêm trọng hơn, ở đâu có quy hoạch ở đó rừng núi lâm nguy, di sản “kêu cứu”. Tóm lại, dần dần người ta thấy rằng đô thị là nơi cần thiết cho cuộc mưu sinh, kiếm tiền hơn là nơi an cư thực sự.
Điều gì đến cũng đến, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, nhiều đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM chứng kiến những dòng người “tháo chạy”, bỏ lại “thành phố sau lưng”. Càng nghịch lý hơn, nơi tập trung những dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tốt nhất lại không thể thực hiện chức năng “chữa lành” cho con người, đó là lý do khiến xu hướng “bỏ phố về quê”, “bỏ phố về rừng” ngày càng trở nên phổ biến.
Nhưng rồi người ta sẽ về đâu khi để đáp ứng cho cuộc “di dân” ấy đến cả núi rừng cũng rơi vào bi kịch bị bức hại? Như một sự hiển nhiên, người phố về quê tự khắc quê cũng lên phố. Và để đáp ứng nhu cầu cục bộ, các dự án quy hoạch manh mún ra đời, người ta “bê tông hóa” Đà Lạt, Sapa, để rồi “Đà Lạt hóa”, “Sapa hóa” trở lại các đô thị khác. Những cuộc trốn chạy sẽ không bao giờ dừng lại nếu con người không tìm thấy được sự “chữa lành” ngay trong lòng đô thị.
Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra rằng sự bùng nổ quá nhanh của các đô thị cùng hệ quả kinh tế thị trường đã kéo theo sự khủng hoảng về mặt giá trị. Những mục tiêu bảo tồn di sản, bản sắc, môi trường sinh thái, không gian xanh… bị đe dọa bởi xu hướng thương mại hóa trong quy hoạch kiến trúc đô thị.
Hệ quả của tất cả những điều ấy là sự ra đời của các đô thị không bản sắc, vô hồn, trùng lặp, khiến con người cảm thấy “thất lạc” với chính nơi mình đang sống.
Từ những kịch bản đã, đang xảy ra và còn có thể lặp lại trong tương lai, tác phẩm của Ngô Viết Nam Sơn không chỉ giúp người đọc nhận diện được đô thị Việt Nam đương đại mà còn chỉ ra giải pháp để hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các bên trong quy hoạch kiến trúc đô thị. Quyển sách này không chỉ là tài liệu cho người làm công tác quy hoạch mà còn là cẩm nang cho tất cả mọi người đang và sẽ trở thành cư dân đô thị nay mai.
Võ Liên