SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 12/05/2024
  • Click để copy

Sân khấu 5B nhen lại lửa nghề

17:04, 18/07/2023
Trải qua nhiều giai đoạn, từng là thánh đường nghệ thuật cho tới vắng lặng, giờ đây sân khấu 5B vẫn kiên trì cho ra những vở diễn mới để phục vụ khán giả, thỏa niềm đam mê cho các diễn viên cũng như truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là sân khấu 5B (Võ Văn Tần, TP.HCM). Ra đời vào khoảng thập niên 80, trước đây, sân khấu 5B là Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm.

Hơn cả một địa chỉ giải trí, thưởng thức nghệ thuật của người dân Sài Gòn, đây còn là cái nôi của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Nổi tiếng là vậy, thế nhưng đã từng có thời gian sân khấu 5B chìm vào khoảng lặng, không thể sáng đèn trong suốt 3 năm. Là một người gắn bó với sân khấu từ khi còn là một diễn viên trẻ, NSƯT Mỹ Uyên không đành lòng nhìn sân khấu chìm vào quên lãng nên đã nỗ lực đưa sân khấu sáng đèn.

5B1

Khán giả nhí vui vẻ mua vé tại quầy.

Thăng trầm trước làn sóng mới

Có thể nói, đầu thập niên 90, sân khấu 5B là thánh đường kịch nói, nơi quy tụ những tên tuổi nổi tiếng như NSND Việt Anh, NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, nghệ sĩ Minh Nhí,… với nhiều vở diễn được đánh giá cao về chất lượng kịch bản, diễn xuất.

Đã có thời, nhắc đến kịch nói là người ta nói ngay đến sân khấu 5B, những suất diễn lúc nào cháy vé, khán giả chật kín sân khấu. Thế nhưng khi bước sang thế kỷ mới, tất cả các thể loại gameshow hay những chương trình thực tế, truyền hình cùng nhiều chương trình giải trí khác xuất hiện, sân khấu kịch trở nên oằn mình trước những khó khăn. Loay hoay tìm khán giả, nhiều sân khấu, rạp hát buộc phải đóng cửa, sân khấu 5B cũng không ngoại lệ.

Gắn bó với sân khấu kịch 5B từ những năm 90, từ vị trí diễn viên trẻ đến phó giám đốc nhà hát, chứng kiến những thăng trầm của sân khấu, NSƯT Mỹ Uyên không đành để ánh đèn sân khấu 5B lụi tắt. Chị đã tự mình thuyết phục ban chấp hành, ban chủ tịch xin được gây dựng lại sân khấu một lần nữa. Huy động các nguồn vốn cá nhân với mong muốn phục dựng những vở trước đây còn dang dở, Mỹ Uyên cam đoan sẽ để sân khấu sáng đèn trở lại bằng nguồn lực của mình.

HDD_8350

Một vở diễn, nhiều bài học được lồng ghép, có thể nói sân khấu 5B không chỉ chinh phục được khán giả nhí mà còn thuyết phục được phụ huynh đưa con đến sân khấu vào mỗi cuối tuần.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như thế, thứ chị phải đối mặt là toàn bộ nền giải trí mới của thời hội nhập, từ truyền hình đến Internet, trong khi thứ chị có là lòng quyết tâm và sự đồng hành của những bạn diễn yêu nghề, những người ở lại. Trong 3 năm sân khấu đóng cửa, ngày ngày chị đều lên sân khấu, nhìn cảnh quạnh hiu, nhìn mái nhà mưa dột. Chị kêu thợ lợp lại mái tôn để chống dột, chịu những trận mưa, trận nắng làm tốc mái.

Vào ngày 12/8 âm lịch là ngày giỗ Tổ sân khấu, NSƯT Mỹ Uyên cùng mọi người trở về lập bàn thờ, cúng tổ, chính ngày này đã thôi thúc chị làm sao để tiếp tục giữ lửa nghề. Đến tháng 4/2018, sau 3 năm đóng cửa, sân khấu 5B sáng đèn trở lại bằng kinh phí của NSƯT Mỹ Uyên.

Sân khấu “thay da đổi thịt” và những tín hiệu vui

Muốn đưa sân khấu chuyển mình, với vai trò là giám đốc nhà hát, NSƯT Mỹ Uyên ý thức được rằng cần phải có một cuộc làm mới sân khấu. Chị đi tìm lời giải cho câu hỏi làm mới như thế nào? Làm mới bằng cách nào? 

Một trong những cách làm mới đó là vận dụng những câu chuyện xoay quanh vấn đề thời sự, tâm lý xã hội,... của thời hiện đại và tái hiện trên sân khấu, nhưng vẫn phải làm sao để không đánh mất giá trị biểu diễn.

“Cần phải hiểu, người ta ra rạp không để coi hài nhảm, cũng không coi những loại hình giải trí thông thường mà có thể cầm điện thoại trên tay có thể xem được. Nếu khán giả ra rạp xem lại những cái đã xem trên điện thoại thì tác phẩm trên sân khấu sẽ trở nên tầm thường. Vì vậy, mình nhại lại những câu chuyện trên những chương trình giải trí đó nhưng đồng thời mình phải biết khuếch trương ra, xây dựng lại cho hay ho hơn, chất lượng hơn”, NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ. 

Khác với phim ảnh có thể bỏ hàng tỉ đồng để sản xuất bộ phim, dùng xe hơi “xịn” làm đạo cụ, lấy các bối cảnh sang trọng đưa vào cảnh quay, đối với sân khấu tất cả đều phải được tả bằng ước lệ. Làm mới sân khấu với Mỹ Uyên không phải chỉ đơn giản là đi theo xu hướng hài nhảm, chọc cười, đùa cợt mua vui cho khán giả, mà làm mới ở đây là cập nhật nội dung, xu hướng âm nhạc, đầu tư phục trang,…

Thời gian đầu khi mới trở lại, sân khấu đối diện với khó khăn trăm bề, nhất là thời điểm dịch Covid-19 khán giả không đến rạp dù các vở diễn đã được chuẩn bị chỉn chu. Chỉ đến khi đại dịch qua đi, bình thường mới thiết lập trở lại mọi thứ mới dần khởi sắc.

Điều đặc biệt trong lần trở lại này đó là sân khấu 5B đã mạnh dạng khai thác các vấn đề mới, nóng của xã hội như LGBT, thế giới ảo… Mỗi chủ đề khi được đưa lên sân khấu đều truyền tải những thông điệp mới mẻ mang tính giáo dục, cởi mở, đánh động vào nhận thức cộng đồng. Trong số đó có thể kể đến các vở như: “Bồ công anh”, Tía ơi con lấy chồng”, “Tía ơi, chồng con đâu”, “Rồi… mắc cái gì cười”, “Ảo và thật”,…

HDD_8693

Với những vở thiếu nhi, sân khấu 5B được trang trí lộng lẫy, trang phục biểu diễn bắt mắt làm khán giả nhí không thể rời mắt. 

Không dừng lại ở đó, sân khấu 5B còn mang đến “món ăn tinh thần” mới cho các em nhỏ với thể loại kịch thiếu nhi. Chính NSƯT Mỹ Uyên đã thuyết phục các bậc phụ huynh đưa con mình ra rạp, sắp xếp các suất chiếu sao cho phù hợp để các gia đình có trọn vẹn thời gian thưởng thức một vở kịch.

Đối với sân khấu thiếu nhi, 5B không làm theo mùa như trung thu, noel hay hè mà tuần nào cũng có suất diễn. Ngoài ra, sân khấu cũng ký hợp đồng biểu diễn với các trường học, các tiết học ngoại khóa thay vì đưa đi Hồ Con Rùa, Bến Nhà Rồng,... thì các con được đi xem kịch. Các phụ huynh thấy con được xem kịch, tương tác với các nghệ sĩ và học được nhiều điều qua đó. Nhiều bé sau khi đi xem kịch với trường đã được ba mẹ mua vé đi xem riêng, đó là tín hiệu vui cho những cố gắng của sân khấu 5B. 

Thành công với loại hình kịch thể nghiệm vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, vừa qua, sân khấu 5B cho ra vở mới “Ái tình ngoài hôn nhân” do tác giả Lê Thu Hạnh chắp bút, đạo diễn Mỹ Uyên và Quốc Thịnh dàn dựng.

4U5A2503

Vở "Ái tình ngoài hôn nhân" tiếp tục được diễn vào chủ nhật ngày 30/7. 

Theo NSƯT Mỹ Uyên, “Ái tình ngoài hôn nhân” đã quay lại với lối mượn vật tả ý. Trong vở diễn này, NSƯT Mỹ Uyên đảm nhận vai Ngọc - một người vợ xinh đẹp, thành đạt quyết định lùi về phía sau để chăm sóc gia đình. Thế nhưng, điều mà Ngọc nhận lại là sự lạnh nhạt của người chồng (Trọng Hiếu) và sự thờ ơ của hai người con. Mâu thuẫn về quan niệm sống trong cuộc sống hôn nhân, quyết định “sống cho chính mình”, Ngọc dần vượt khỏi ranh giới vợ chồng và đối diện với việc gia đình tan vỡ. 

Mỗi vật dụng trong vở diễn đều được khoác lên mình một màu sắc, một ý nghĩa riêng. Hình ảnh chiếc đồng hồ của gia đình Ngọc từ lành lặn cho đến khi được tách ra từng mảnh cũng nói lên sự đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình. Hay chiếc ghế khô cứng của người chồng (Trọng Hiếu) tả sự khó khăn của ông chồng gia trưởng, khi người vợ muốn thoát khỏi sự độc tài của người chồng, chiếc ghế của người chồng cũng được thay một màu sắc mới.

 Võ Liên

Tin khác

Giải trí 11 giờ trước
(SHTT) - Tại quảng trường Trung tâm Chính trị - Hành chính Bắc sông Cấm, UBND TP Hải Phòng long trọng tổ chức đêm hội “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024 và đón nhận Bằng ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Giải trí 1 ngày trước
(SHTT) - Du lịch Thanh Hóa ngày càng khởi sắc và đột phá trong những năm gần đây, khẳng định được vị trí, thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hóa gia tăng năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế điểm đến trên bản đồ du lịch quốc gia.
Giải trí 2 ngày trước
(SHTT) - Sư tử biển California là loài sư tử biển rất đáng yêu và gần gũi với con người. Mùa hè năm nay, người dân Thủ đô có thể gặp gỡ những “người bạn” đặc biệt này duy nhất tại Thủy cung Lotte World Hà Nội.
Giải trí 3 ngày trước
Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024 diễn ra tại thành phố của những kỳ quan Bukhara – từng là điểm quan trọng trên con đường tơ lụa, Cộng hoà Uzbekistan vừa kết thúc với kết quả một đại diện nghệ nhân ngành Thêu May của Việt Nam vinh dự đoạt giải Ba.
Giải trí 3 ngày trước
(SHTT) - Mường Ca Da cổ với những câu chuyện kỳ bí của người xưa và những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã, đang được biết đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.