Khôi phục lễ hội đền Phố Cát - Nét văn hóa người Việt
Di tích và thắng cảnh Phố Cát trước đây thuộc xã Thành Vân, nay là thị trấn Vân Du (Thạch Thành, Thanh Hóa). Theo sử sách ghi lại, đền Phố Cát được xây dựng dưới triều Vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), là nơi thờ Thánh Liễu Hạnh. Một nữ thần trong quan niệm Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt.
Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Tiên chúa Quỳnh Nương con gái của Ngọc hoàng Thượng đế, xinh đẹp, tài giỏi, vì phạm lỗi làm rơi chén ngọc trong một buổi lễ chầu Thiên đình nên bị phạt xuống trần gian trải qua kiếp người với 3 lần giáng sinh. Trong đó, 2 lần giáng thế đầu diễn ra ở Nam Định với tên gọi là Lê Giáng Tiên và Phạm Tiên Nga.
Tuy nhiên, khi hết hạn trích giáng được Ngọc Hoàng cho gọi về trời thì lòng Tiên chúa lại vấn vương cuộc sống trần gian. Hiểu được nỗi lòng con gái, Ngọc hoàng Thượng đế cho phép nàng hiển thánh lần 3 xuống vùng Phố Cát (Thạch Thành), nơi có phong cảnh đẹp mỹ lệ, địa thế thuận lợi, non cao, nước biếc, sơn thủy hữu tình làm chốn hành thiện, giúp đời. Đây là lần giáng sinh nàng ở lại trần thế lâu nhất.
Tỏ lòng biết ơn, nhân dân lập đền thờ bà để phụng thờ hương khói. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê đến Nhà Nguyễn ban nhiều sắc phong, tôn là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", là vị Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ Đạo mẫu và là một nữ thần trong hệ thống Tứ bất tử của thần linh Việt Nam.
Đặc biệt, trong các đền thờ Thánh Mẫu, đền Phố Cát là nơi đầu tiên trong cả nước được Nhà Vua ban tặng sắc phong thần cho Thánh Mẫu là Thượng đẳng thần. Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phố Cát là một trong những điểm du lịch tâm linh được rất nhiều người đến tham quan, khám phá cũng như cầu bình an, sức khỏe, tài lộc...
Trước đây, lễ hội đền Phố Cát được tổ chức với quy mô rộng rãi từ ngày 15/1 đến ngày 3/3 âm lịch, chính lễ vào ngày 18/2 âm lịch với các hoạt động như, lễ bái, cầu cúng, thượng đồng và các trò chơi dân gian. Trải qua thời gian, nhiều năm qua, lễ hội đền Phố Cát dần bị mai một, chưa được khôi phục tổ chức một cách bài bản, đúng với quy mô, tầm vóc và vị trí quan trọng của đền.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch, hình ảnh đất và người Thạch Thành đến bạn bè trong, ngoài tỉnh, sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thạch Thành và nguyện vọng của nhân dân, du khách, ngày 27/3 UBND huyện Thạch Thành, Thanh Hóa tổ chức Lễ hội đền Phố Cát năm 2024 tại Di tích và thắng cảnh Phố Cát.
Khôi phục, tổ chức lễ hội đền Phố Cát năm 2024 vinh dự có các đồng chí: Phạm Văn Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện Nho Quan (Ninh Bình), Lạc Sơn (Hoà Bình) và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Lễ hội đền Phố Cát năm 2024 được tổ chức trong 3 ngày, từ 27 - 29/3 (từ ngày 18 - 20/2 Âm lịch). với phần nghi lễ trang trọng, thành kính và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề “Linh thiêng Thánh mẫu hội đền Phố Cát”. Hoạt động đặc sắc nhất trong lễ hội đó chính là lễ rước bóng Thánh mẫu.
Ngoài ra, phần hội được tổ chức tại đền Phố Cát và sân vận động thị trấn Vân Du với nhiều hoạt động sôi nổi như thi kéo co, giao lưu văn nghệ, dân vũ, thi đấu bóng chuyền hơi...
Lễ hội đền Phố Cát được khôi phục thể hiện sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thạch Thành và nguyện vọng của nhân dân, du khách, khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc phải được bảo tồn, phát huy và quảng bá.
PV