Hang cá thần Văn Nho - Điểm đến không thể bỏ qua khi tới Thanh Hóa
Theo những người cao niên trong làng, họ không biết đàn cá có từ bao giờ, lớn lên đã thấy có hang cá này. Cá ở đây bình thường ít khi ra khỏi hang cá thần ở huyện Cẩm Thủy, khi có tín hiệu của con người như vỗ tay hay rải thức ăn thì chúng mới bơi ra. Những con cá đủ mọi kích thước, to có, nhỏ có.
Những con cá ra khỏi hang có cân nặng chủ yếu 4-5kg, tuy nhiên dân địa phương tin rằng, nhiều con cá lớn vẫn ẩn thân đâu đó trong lòng núi, chưa bao giờ xuất hiện.
Cũng theo người dân, kỳ lạ là đàn cá có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết, báo hiệu trời nắng hay mưa. Khi cá đổi thành màu xanh đen thì báo hiệu trời sắp mưa bão, khi cá có màu xanh vàng, vây cá có màu vàng hồng, xanh đỏ thì trời rất đẹp, nắng vàng. Nhờ vậy, nhân dân trong làng có thể nhìn cá để chọn ngày xuống đồng, lên nương.
Đặc biệt, có những năm nước lụt tràn lên cả mặt đập nhưng lạ là đàn cá vẫn không ra khỏi đập. Xung quanh suối cá hiện vẫn còn nhiều câu chuyện khó lý giải, mang đậm sắc màu thần thoại.
Không ai dám đánh bắt cá ở suối này vì họ cho rằng đây là "cá thần" và gắn với giai thoại người con gái bản Chiềng Ban. Tương truyền, xưa kia, người con gái ấy vốn nổi tiếng xinh đẹp, dịu dàng, làm nương, dệt vải giỏi.
Một hôm, nàng đến hang chơi. Khi đang dạo bên ngoài, giông gió bỗng nổi lên, cuốn nàng vào trong lòng núi. Dân bản đồn rằng nàng đã bị thuồng luồng bắt làm vợ.
Đến ngày mẹ mất, nàng cùng chồng trở về chịu tang mẹ. Chồng nàng do thuồng luồng biến thành, tướng mạo dị thường, khôi ngô, tuấn tú. Viếng mẹ xong, giông bão lại nổi lên, nàng và chồng biến mất, từ đó không về bản nữa.
Câu chuyện có nhiều dị bản, song đều kết luận rằng, "bà cá chúa" trong hang là do người con gái Chiềng Ban hóa thành. Có người còn khẳng định, đã từng nhìn thấy "bà cá chúa", với chiếc vảy màu vàng lấp lánh gần mang, tựa như chiếc khuyên vàng ngày xưa nàng đeo.
Cũng bởi câu chuyện linh thiêng truyền đời ấy, mà người dân địa phương tôn thờ loài cá sống trong hang. Người ta tin rằng, nếu ai làm hại cá thì đều không tránh khỏi họa lớn trong đời. Có lẽ vì thế, suốt hàng trăm năm qua, khắp cả vùng Mường Ký, không một ai dám bắt cá về ăn.
Được biết, 3-4 năm trở lại đây, đàn cá có dấu hiệu sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều. Qua khảo sát nghiên cứu thì cá ở đây cũng tương tự như loài cá được phát hiện tại hai xã Cẩm Liên và Cẩm Lương của huyện Cẩm Thủy.
Từ hang cá thần, men theo những bậc thang để lên lưng chừng núi, cách mặt đất chỉ khoảng vài chục mét, ăn vào vách núi đá là một hang nông, nơi đặt ban thờ nhỏ thờ tự các lãnh tụ của phong trào Cần Vương.
Điểm đặc biệt nhất trong hang đá này là có một bọng đá nhỏ nhô ra, rỗng bên trong, chỉ vừa một người ngồi. Theo lịch sử địa phương, đó chính là nơi thủ lĩnh phong trào Cần Vương Tống Duy Tân ẩn mình.
Khi phong trào khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân lãnh đạo thất bại, thực dân Pháp đàn áp dữ dội, cho quân vây ráp khắp vùng Mường Ký để lùng bắt Tống Duy Tân. Ông tìm về đây, giấu mình trong hang đá với sự bao bọc, che chở của người dân Mường Ký, chờ thời cơ khôi phục lại cuộc khởi nghĩa.
Nhưng vì nội phản, quân Pháp cuối cùng cũng lần ra nơi ông ẩn náu. Bắt được Tống Duy Tân, chúng tìm mọi cách khuất phục ông nhưng đều không thành, bèn đem xử tử.
Di tích hang cụ Tống Duy Tân góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp lịch sử bi tráng hào hùng cho hang cá thần Văn Nho, tạo nên một quần thể du lịch nổi bật, giàu ý nghĩa.
Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, hang cá Văn Nho được gìn giữ qua năm tháng, qua bao thăng trầm của xứ Mường. Ngày nay, cùng với thác Hiêu, hang Cổ Sinh, Di chỉ Mái Đá Điều, hang cá thần Văn Nho cũng là điểm nhấn thúc đẩy du lịch của huyện Bá Thước.
Bảo Bình
TIN LIÊN QUAN
-
Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc giữa lòng thành phố Thanh Hóa
-
Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá năm 2024
-
Thanh Hóa: Lễ hội Sết Boóc Mạy được công nhận nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
-
Phụ nữ Thanh Hóa thời kỳ chuyển đổi công nghệ thông tin và công cuộc chuyển đổi số