Hà Tĩnh: Chú trọng phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương
Mới đây, Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023 toàn quốc - Sự kiện thường niên được mong đợi do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thừa thiên Huế tổ chức đã diễn ra thành công. Nhiều kinh nghiệm triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ ở các địa phương, doanh nghiệp, viện, trường và vấn đề quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương được chia sẻ cởi mở và thẳng thắn.
Những kết quả tích cực trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Hà Tĩnh
Tại hội nghị, ông Phan Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có bài trình bày về sự đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo ông, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, phát triển tài sản trí tuệ trở thành công cụ đắc lực và hữu hiệu giúp các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khai thác tiềm năng, lợi thế và nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hàng hóa của địa phương.
Nhận thức được vai trò quan trọng đó, trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, chú trọng đến hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm địa phương.
Cụ thể, năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 95/2022/NQ-HĐND ngày 08/11/2022 về một số chính sách khoa học công nghệ đến năm 2025 (trên cơ sở tích hợp các Nghị quyết chính sách về sở hữu trí tuệ, thị trường KHCN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng); Qua đó đã tạo hành lang pháp lý về chủ trương, chính sách và kinh phí để triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn.
Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ cho 19 sản phẩm đặc sản,sản phẩm chủ lực và làng nghề của tỉnh dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như Cam Vũ Quang, Mật ong Vũ Quang, rau, củ, quả Tượng Sơn, Mộc Thái Yên, chè Hồng Lộc, nhãn hiệu chứng nhận như Cam Thượng Lộc, Cam Khe Mây, Cam Sơn Mai, Mật ong Hương Sơn, Cam Bù Hương Sơn, cu đơ Hà Tĩnh, Nước mắm Kỳ Ninh, Mực Thạch Kim, Bánh gai Đức Yên, Gạo rươi Đức Thọ - đang xây dựng và chỉ dẫn địa lý như Nhung hươu Hương Sơn, Bưởi Phúc Trạch, Hành tăm Thiên Lộc và Mai vàng Kỳ Nam – đang xây dựng.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, qua thống kê cho thấy các sản phẩm đặc sản địa phương sau khi được xây dựng thương hiệu, phát triển tài sản trí tuệ đều phát huy vai trò, giá trị sản phẩm được nâng lên từ 10-15% và giữ ổn định qua các năm, thị trường tiêu thụ được mở rộng, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định. Qua đó từng bước xây dựng ý thức xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ trong cộng đồng; đã tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 22 sáng chế/giải pháp hữu ích, 19 kiểu dáng công nghiệp, 2.451 nhãn hiệu trên địa bàn tỉnh. Điều này đã tạo tiền đề thuận lợi cho các cơ sở xây dựng, phát triển thành chuỗi thương hiệu như: Công ty CP Dược Hà Tĩnh, Phở dê Rồng Vàng (nhượng quyền thương hiệu cho gần 10 cơ sở, 300-350 triệu/cơ sở), Cu đơ PhongNga, nhung hươu Chiến Sơn, Nước mắm Luận Nghiệp...
Sở KH&CN Hà Tĩnh thường xuyên đổi mới sáng tạo
Ông Phan Trọng Bình khẳng định, để đạt được một số kết quả trên, ngoài sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền thì công tác tham mưu triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Sở KH&CN Hà Tĩnh thường xuyên có sự đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Một số hoạt động cụ thể như:
Đổi mới trong công tác tham mưu chính sách: Hà Tĩnh là một trong số các tỉnh đầu tiên tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh (Năm 2015, tham mưu ban hành Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND; năm 2020, tham mưu ban hành Nghị quyết 252/2020/NQ-HĐND; năm 2022, tham mưu ban hành Nghị quyết số 95/2022/NQ-HĐND). Qua đó đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Thông qua Nghị quyết đã thúc đẩy, tạo cơ chế cho các địa phương cấp huyện cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chính sách của huyện và tham gia vào hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương.
Ngoài ra, để hỗ trợ đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ, Sở KH&CN Hà Tĩnh còn tham mưu thêm các chính sách về đổi mới, chuyển giao công nghệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa (Nghị quyết số 18/2018/NDHĐN, Nghị quyết số 91/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết số 215/2020/NQ-HĐND nay được tích hợp vào Nghị quyết số 95/2022/NQ-HĐND).
Đổi mới trong công tác tuyên truyền, đào tạo: Ngoài việc tăng cường, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền kiến thức về sở hữu trí tuệ, công tác đào tạo nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ cũng được đổi mới, Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên đề xuất sáng kiến với Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ cho 15 cán bộ phụ trách KHCN cấp huyện. Các nhân tố được đào tạo đã phát huy vai trò tham mưu, triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương, trở thành những tư vấn viên về hoạt động sở hữu trí tuệ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Cục tiếp tục đẩy mạnh, hỗ trợ cho các địa phương về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực như trên.
Đổi mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất nhằm khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, con người để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển tài sản trí tuệ: Hoạt động ứng dụng, chuyển giao KHCN được hỗ trợ đồng bộ, có sự kế thừa nhằm tạo ra kết quả, sản phẩm có giá trị thương mại cao, từ đó từng bước hình thành mô hình liên kết trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN gắn với hoạt động thương mại hóa sản phẩm.
Điển hình là sản phẩm Gạo rươi, cáy Đức Thọ, đây là sản phẩm bà con đã sản xuất từ lâu, nhưng do sử dụng giống lúa chất lượng không cao và chưa ứng dụng tiến bộ KHCN nên sản lượng thấp, chưa phát huy hết lợi thế của sản phẩm. Trong quá trình tư vấn, Sở đã hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng KHCN (du nhập giống gạo chất lượng cao, xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn...) từ đó hình thành lên vùng sản xuất hàng hóa có quy mô để hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm gạo thu hoạch từ ruộng rươi mang thương hiệu “Gạo Đức Thọ”. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất lên 4-5 lần.
Đổi mới một số khâu trong hoạt động triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ: Để đảm bảo tính hiệu quả và thúc đẩy hoạt động quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm địa phương, trong quá trình triển khai, Sở luôn có chủ trương thực hiện nội dung quảng bá, phát triển thị trường phải gắn với các nhân tố là doanh nghiệp, hợp tác xã (chủ thể kinh doanh). Qua đó hình thành được mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay, các nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương đều có nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa dữ liệu theo hình thức Webmap làm tiền đề cho hoạt động quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đổi mới trong công tác phối hợp, lồng ghép nguồn lực: Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm địa phương được lồng ghép, phối hợp chặt chẽ với các Chương trình mục tiêu của Trung ương, của tỉnh và địa phương, như: Chương trình Nông thôn mới, Chương trình OCOP, Chương trình Khuyến Công, các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của cấp huyện... Qua đó đã huy động được các nguồn lực để đồng hành, phát triển.
Công tác đổi mới, nâng cao hoạt động phát triển tài sản trí tuệ của địa phương đã góp phần quan trọng trong hình thành, phát triển sản phẩm hàng hóa, qua đó góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới như:
Tích cực vận động, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn và nguồn lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong công tác triển khai hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Đẩy mạnh công tác tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, qua đó huy động được các nguồn lực của địa phương, góp phần chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ;
Đẩy mạnh và đa dạng hình thức tuyên truyền, đào tạo kiến thức về sở hữtrí tuệ để nâng cao nhận thức, năng lực cho các chủ thể có liên quan đến hoạt động phát triển tài sản trí tuệ;
Thường xuyên đổi mới, gắn kết, hỗ trợ các chủ thể quyền hoàn thiện cáccông cụ phương tiện quản lý, kiểm soát việc sử dụng thương hiệu được bảo hộ trên sản phẩm, từ đó từng bước hình thành ý thức cho các chủ thể được trao quyền tự bảo vệ thương hiệu trong quá trình sản xuất, kinh doanh tạo lòng tin cho người tiêu dùng, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường;
Hỗ trợ hướng dẫn các chủ thể quyền và chủ thể được trao quyền ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu để minh bạch các thông tin đến người tiêu dùng, phát triển thị trường, nâng cao giá trị của thương hiệu.
Đẩy mạnh công tác thực thi quyền, tăng cường sự phối kết hợp của cơ quan thực thi quyền trên bàn toàn tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra;
Nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong việc cung cấp thông tin đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp các ngành về giá trị tài sản sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương để từ đó có những tham mưu đề xuất đối với lĩnh vực quản lý phù hợp góp phần tăng các chủ thể quyền được bảo hộ trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Hương Mi
TIN LIÊN QUAN
-
Mê Linh, Hà Nội: Giải quyết vướng mắc giao đất dịch vụ cho gần 5.700 hộ dân
-
Sớm đưa luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống
-
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường: Nỗi lo tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng
-
Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2023: 'Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn'