Du lịch xanh - Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Phước Tích
Lưu giữ nghề gốm hơn 500 năm tuổi
Làng cổ Phước Tích được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009, với diện tích khoanh vùng bảo vệ hơn 430.000m2. Làng cổ này còn lưu giữ những di sản vật thể có giá trị cao về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, gồm: 13 di tích tín ngưỡng, 17 nhà thờ họ, 11 nhà thờ nhánh họ và đặc biệt là 26 ngôi nhà rường cổ của dân cư địa phương có tuổi thọ từ 100 đến 300 năm.
Nghề gốm truyền thống làng cổ Phước Tích được hình thành hơn 500 năm. Dù có một số giai đoạn, nghề gốm ở đây không còn được hưng thịnh, song đến năm 2006 gốm Phước Tích được “hồi sinh” và quảng bá nhiều hơn tại chương trình “Hương xưa làng cổ” của Festival Huế.
Từ đó, nhiều người trẻ ở địa phương đã quyết tâm kế tục nghề gốm truyền thống, dần đưa nghề gốm và sản phẩm gốm Phước Tích trở thành nét đẹp văn hóa du lịch độc đáo. Hiện nay, lò gốm tại Phước Tích là điểm tham quan, trải nghiệm không thể thiếu khi du khách đến làng cổ.
Thời điểm hiện tại chỉ còn duy nhất lò gốm còn hoạt động của anh Lương Thanh Hiền. Anh Hiền cho biết: "Tôi đã làm gốm được hơn 20 năm, vì tiếc nghề truyền thống của làng bị mai một. Sau khi học xong tôi quyết định mở lại lò làm gốm”. Cơ sở của anh Hiền có 3 người làm, trong vòng từ 2 đến 3 tháng cơ sở có thể làm ra hơn 1 ngàn sản phẩm gốm tùy theo mức độ phức tạp của mỗi loại sản phẩm.
Muốn làm ra sản phẩm gốm chất lượng ngoài bàn tay mỹ nghệ của người thợ gốm nhào nặn, còn phụ thuộc vào đặc tính của đất dùng làm gốm. Đất dùng làm gốm Phước Tích hiện nay được lấy ở ven sông Ô Lâu - dòng sông chạy quanh làng cổ.
Gốm Phước Tích nay đã cải thiện rất nhiều về chất lượng, mẫu mã. Gốm hiện nay không những là vật dụng dùng trong gia đình mà còn làm đồ trang trí, làm cảnh. Đặc biệt, mỗi sản phẩm gốm ở Phước Tích đều có một tên gọi khác nhau theo kích cỡ. Phổ biến nhất là “trình, bốp, đột” để phân biệt kích cỡ của những sản phẩm chum Phước Tích. Những chiếc đột ở Phước Tích trước đây phổ biến rộng khắp, nên trước đây người ta hay gọi làng Phước Tích là làng Kẻ Đột.
Ông Lê Trọng Diễn, 75 tuổi, tự hào là người đang sở hữu bộ sưu tập các sản phẩm gốm Phước Tích khá đầy đủ. Theo ông Diễn, ít có loại gốm nào chất lượng như gốm làng Phước tích. Đất làm gốm Phước tích trong hơn 500 năm làm nghề, chỉ lấy đất ở làng Diên Khánh (huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị, cách làng 12Km). Sản phẩm làm ra chắc, đẹp, màu đậm rất đặc trưng và có thể chứa cả dầu hỏa.
Năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi đã buộc làng phải làm om để nấu cơm cho vua. Trong món ăn cung đình của vua Triều Nguyễn có 1 món liên quan đến cơm là “Om Phước Tích nấu gạo de làng An Cựu, nước giếng Hàm Long tại chùa Bảo Quốc”. Ông Diễn kể lại om làng Phước Tích đến thời vua Bảo Đại mới làm lại, vì khi có lệnh dâng om tiến vua, trong làng không được giữ bất kì một sản phẩm nào nữa, nếu phát hiện sẽ bị xử chết cả họ.
Ông Diễn mong muốn các thế hệ trẻ sẽ bảo tồn nghề gốm làng Phước Tích, cải thiện mẫu mã trên cơ bản đặc trưng của gốm cổ truyền. Theo ông, gốm Phước Tích ngày càng mai một xuất phát từ yếu tố con người, thiếu nhân lực nên không thể cạnh tranh với các thương hiệu gốm khác.
Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa làng cổ
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực để bảo tồn trước sự xuống cấp của làng cổ. Năm 2015, Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành. Từ năm 2017 đến năm 2019 đã tiến hành trùng tu các ngôi nhà rường cổ với chi phí hơn 13 tỷ đồng, đạt 100% số vốn giải ngân hàng năm.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích. Theo đó, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Làng cổ Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững, tạo sự kết nối, phát triển không gian kinh tế - văn hóa và xã hội
Tại đây xây dựng thương hiệu du lịch riêng với tên gọi “Hương xưa làng cổ” thu hút du khách. Đây là cơ hội để Phước Tích phát triển du lịch mới, gắn với các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ và có mối liên hệ mật thiết với làng cổ Phước Tích.
Đến với Phước Tích, du khách có thể trải nghiệm các làm gốm; tham quan nhà rường cổ, các điểm di tích, trải nghiệm xe đạp, thuyền máy, đi thuyền rồng và sup trên sông Ô Lâu. Đặc biệt là trải nghiệm các món ăn địa phương do tổ ẩm thực làm như món cơm gỏi, khế xâm, các món vả, canh hầm, đặc biệt là nhiều loại bánh truyền thống.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, thời gian qua Ban quản lý Di tích Kiến trúc Nghệ thuật làng cổ Phước Tích cũng đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Phong Điền tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng đón tiếp khách du lịch cho các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích, trang bị các kỹ năng cơ bản về đón tiếp, phục vụ du khách, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ tại cơ sở; từng bước nâng cao hình ảnh du lịch địa phương, hướng tới sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực du lịch
Các hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch tại làng cổ Phước Tích được trao đổi một số kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chào hỏi khách hàng, kỹ năng phục vụ và xử lý tình huống, những kiến thức cơ bản về hoạt động du lịch, tâm lý du khách và nghệ thuật giao tiếp; các yêu cầu và kỹ năng cần thiết của hướng dẫn viên du lịch bản địa trong việc giới thiệu với du khách các điểm tham quan, lưu trú homestay tại làng cổ Phước Tích.
Ngoài ra, sau khi được trao đổi về lý thuyết, các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ tại làng cổ sẽ được thực hành với vai trò là một hướng dẫn viên du lịch, để giới thiệu những nét đẹp của làng cổ Phước Tích đến với đông đảo du khách thập phương.
Phan Hòa
TIN LIÊN QUAN
-
Miễn phí tham quan di tích dịp lễ Quốc khánh góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Huế
-
Thừa Thiên Huế khai phá tiềm năng hệ thống di sản triều Nguyễn
-
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam bị tố trốn thuế
-
Thừa Thiên Huế: Chuyển đổi số văn hóa - di sản thúc đẩy kinh tế số
Tin khác
- Săn vé máy bay Hà Nội Nha Trang
- Đặt tour du lịch Đài Loan tại Gody.vn