SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Thừa Thiên Huế khai phá tiềm năng hệ thống di sản triều Nguyễn

11:16, 30/08/2022
Thừa Thiên Huế có hệ thống di sản đồ sộ từ triều Nguyễn, đây là nguồn tài nguyên “đặc hữu” mang nhiều giá trị lịch sử. Thời gian qua tỉnh đã nỗ lực tôn tạo, hướng đến việc xây dựng một sản phẩm du lịch riêng của Huế, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa.

Kho tàng di sản triều Nguyễn độc nhất ở Huế

Các triều đại Tây Sơn và triều Nguyễn đã để lại những di sản có bề dày lịch sử và những nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Trong đó, di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn khẳng định vị thế Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam. Cố đô Huế ngày xưa là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn, nơi có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện để điều hành quốc gia, là biểu tượng ý thức độc lập, tự chủ, sự vững mạnh của nền chính trị thống nhất.

Giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn vừa thể hiện sự kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực,... vừa kết hợp thân thiện với môi trường thiên nhiên và con người xứ Huế, các giá trị đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khẳng định quá trình phát triển đỉnh cao của đất nước trong thời đại ngày nay.

822ade09eef22bac72e3

Miếu Đôi Mới (làng cổ Phước Tích - Thừa Thiên Huế), điểm di tích có lịch sử từ năm Tự Đức thứ 2.

Được biết, ở Huế hiện có hơn 10 ngàn hiện vật thuộc triều Nguyễn, trong đó có 6 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Cửu đỉnh và Cửu vị thần công, chuông chùa Thiên Mụ, ngai vua triều Nguyễn, áo Tế Giao của vua Nguyễn, bia Khiêm Cung Ký và vạc đồng thời chúa Nguyễn.

Một trong những di sản độc đáo của văn hóa cung đình là hệ thống thơ văn trên các kiến trúc cung đình Huế. Có 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Điển hình nhất là ở khu vực Hoàng Thành: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa có khoảng 256 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 676 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 83 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng... Các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và mới đây là Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Kết nối, khôi phục hệ thống di sản triều Nguyễn

Thực tế, khi triển khai các dự án trùng tu di tích, việc tìm kiếm, nghiên cứu nguồn tư liệu lịch sử để làm cơ sở đối chứng, phục hồi di tích gặp nhiều khó khăn. Một số di tích được nghiên cứu trùng tu sẽ gặp những “điểm mờ” về tư liệu cũng như hiện trạng nên việc nghiên cứu trùng tu, phục dựng sẽ gặp khó khăn; quan trọng nhất là giữ được tính khách quan sau khi tham khảo nhiều ý kiến chuyên môn từ các nguồn khác nhau. Để xây dựng hồ sơ một dự án trùng tu di tích đòi hỏi sự chuẩn bị công phu.

Mặt khác, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn tạo nên sự  phong phú các giá trị văn hóa Huế, góp phần thúc đẩy hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa - du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Do đó thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực, vận động nhiều nguồn lực để khôi phục, xây dựng những điểm đến du lịch liên quan đến hệ thông di sản triều Nguyễn.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại Dự án tu bổ mái Khải Tường Lâu - cung An Định (thành phố Huế), với kinh phí hơn 843 triệu đồng.

Dự án do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tài trợ, nhằm mục đích xử lý triệt để thấm, dột từ mái Khải Tường Lâu xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác của di tích, làm sạch đẹp công trình, trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài và phát huy giá trị tổng thể di tích cung An Định, tạo điểm nhấn tham quan du lịch kết nối với các điểm tham quan khác thuộc Quần thể di tích Huế.

Đồng thời, góp phần phục vụ rộng rãi cho cộng đồng địa phương, khách quốc tế, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Khải Tường Lâu - Cung An Định cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa Festival Huế, giao lưu văn hóa nghệ thuật hàng năm của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, ngày 23/8, đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Đồng thời khảo sát và làm việc với các bảo tàng, đơn vị văn hóa của Pháp nhằm tìm hiểu, kết nối các tư liệu di sản về triều Nguyễn và văn hóa Huế tại đây.

Ông Đinh Toàn Thắng - Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết, hiện nay ở Pháp còn lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật lịch sử liên quan đến triều Nguyễn tại Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Cernuschi, Bảo tàng Guimet, Bảo tàng Quai Branly, Trường Viễn Đông Bác cổ… Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc kết nối với các bảo tàng, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và các chuyên gia bảo tồn để tìm kiếm nguồn tư liệu lịch sử mà tỉnh quan tâm; cũng như hỗ trợ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Thừa Thiên Huế với các đối tác của Pháp.

Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế cử đoàn công tác đi Pháp với mục đích tìm kiếm, kết nối thông tin về di sản, về vua Hàm Nghi, về bảo tồn di sản theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Qua đây, sẽ thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Pháp và quốc tế như: UNESCO, Trường Viễn Đông Bác cổ, các chuyên gia Pháp (điển hình như nhà nghiên cứu lịch sử Amandine Dabat, chắt của vua Hàm Nghi) trong công tác tìm kiếm hiện vật, tư liệu lịch sử về Việt Nam, đặc biệt là hệ thống di tích triều Nguyễn tại Pháp.

Thời gian gần đây Thừa Thiên Huế cũng đã tập trung tôn tạo nhiều di tích liên quan đến triều Nguyễn trên địa bàn như: Đàn Nam Giao, Hải Vân Quan, lăng mộ Vua Đồng Khánh,... và nhiều công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Phan Hòa

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 4 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.