SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 09/04/2024
  • Click để copy

Du lịch làng nghề: Hướng phát triển mới đầy thách thức

14:58, 09/04/2024
(SHTT) - Mô hình du lịch làng nghề của nước ta hoạt động suốt nhiều năm qua đã đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để có thể phát triển mô hình này một cách bền vững, khai thác triệt để tiềm năng du lịch của các làng nghề thì vẫn cần nhanh chóng giải quyết những bất cập còn tồn đọng.

Du lịch là “bạn tốt” của làng nghề

Tính đến nay, nước ta có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó 1.748 làng nghề được công nhận và hơn 4.000 làng nghề truyền thống, với hơn 53 nhóm nghề. Trong đó, nhiều làng nghề truyền thống đã bắt đầu chuyển mình sang làm du lịch, song song thu được hiệu quả kép: kinh tế nâng cao, những giá trị văn hóa của dân tộc được tôn vinh và phát huy.

Phát triển mô hình du lịch làng nghề có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho địa phương về kinh tế ở nhiều mặt. Kết hợp với du lịch làng nghề tức là địa phương bắt đầu chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Điều này giúp các làng nghề đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện để thu nhập của người dân được nâng cao, chất lượng cuộc sống ổn định, đồng thời là cách giải quyết bài toán về nguồn lao động địa phương.

Có thể nói, du lịch làng nghề còn là cách thức giới thiệu khéo léo, sinh động về mỗi vùng miền, qua đó nâng cao công tác gìn giữ và phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc. Du lịch làng nghề hiện nay không chỉ “vẽ đường” cho khách du lịch đến mua sắm, tham quan và xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm. Trong mỗi chuyến thăm của những đoàn khách du lịch, các làng nghề còn “chỉ lối” cho người phương xa được mày mò, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của địa phương. Đây chính là cách bảo tồn, tôn vinh và gây ấn tượng cho du khách về những giá trị nhân văn, phi vật thể được lưu truyền qua ngàn năm.

du lich lang nghe 1

Mô hình du lịch làng nghề khai thác triệt để tiềm năng cũng như là cơ hội để các   làng nghề được phát triển (Ảnh: Internet) 

Đi hết dọc chiều dài của đất nước, qua những non xanh hay vùng biển dạt dào sóng vỗ, đâu cũng có những làng nghề truyền thống mang dấu ấn đặc trưng vùng miền. Điều đáng mừng là những làng nghề có lịch sử ngàn đời của dân tộc ta khi kết hợp với mô hình du lịch đã tự định vị được một vị trí vững chắc và nhiều tiềm năng để phát triển trên thị trường trong nước và quốc tế. Ở đất Kinh Kỳ, Bát Tràng - làm gốm lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam hiện đang là điểm hẹn của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Theo thống kê, Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Gắn với mô hình du lịch làng nghề, làm gốm Bát Tràng đã đa dạng trong hoạt động du lịch: tìm hiểu bảo tàng gốm Bát Tràng, trải nghiệm nặn gốm, ăn cỗ Bát Tràng, mua quà lưu niệm,... Kết quả cho thấy, gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán vào khoảng 200.000 lượt/ năm, bao gồm nhiều đối tượng tham gia. Cụ thể, khách quốc tế chiếm khoảng 20%, học sinh, sinh viên và thanh niên chiếm khoảng 40%.

Sau một ngày được trải nghiệm làm “nghệ nhân” gốm Bát Tràng, chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc (Từ Sơn - Bắc Ninh) hạnh phúc chia sẻ: “Du lịch làng gốm Bát Tràng có rất nhiều điểm thú vị. Thay vì chỉ tham quan đơn thuần, mình và mọi người còn được tự tay nặn gốm để đem về. Điều này giúp mình hiểu được sự khéo léo, tỉ mỉ và cầu kỳ ở người nghệ nhân Bát Tràng để làm ra được sản phẩm gốm nức tiếng khắp đất Bắc”.

Không chỉ làng gốm Bát Tràng thành công với mô hình du lịch, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng nghề mỹ nghệ non nước, làng nghề làm muối Tuyết Diên,.. và vô số làng nghề khác đang trở thành điểm sáng trên tấm bản đồ du lịch.

Giải quyết khó khăn để làng nghề “vươn mình”

Du lịch phát triển, lợi nhuận và công việc cho người lao động được giải quyết, giá trị truyền thống được lan tỏa chính là những kết quả đáng mơ ước cho lối đi gắn làng nghề với du lịch. Tuy nhiên, thực tế không phải làng nghề nào làm du lịch cũng thành công. Những hạn chế còn tồn đọng ở các làng nghề và khâu quản lý, xây dựng khiến nhiều nơi có tiềm năng nhưng vẫn lao đao, khó mà “phất lên” khi chuyển sang gắn liền với du lịch.

Những khó khăn, thách thức cụ thể được đề cập đến qua khảo sát nhiều làng nghề tập trung chủ yếu ở một số phương diện. Có thể kể đến như kiến thức, kinh nghiệm phát triển du lịch nông nghiệp chưa nhiều; số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông thôn còn thấp. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề còn yếu; mối liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân với các doanh nghiệp lữ hành còn lỏng lẻo. kinh phí dành cho phát triển du lịch một số làng nghề nhiều nơi vẫn là “chữ nằm trên giấy”. Ngoài ra, một trở ngại khác là bản thân làng nghề chưa phù hợp với du lịch do công đoạn sản xuất còn gây ô nhiễm, năng lực của người lãnh đạo để phát triển du lịch làng nghề còn yếu kém.

du lich lang nghe 2

 Khó khăn chồng chất, các làng nghề mong mỏi được giúp đỡ để bắt đầu và phát triển mô hình du lịch. Ảnh: Internet

Để hướng tới phát triển bền vững du lịch làng nghề cũng như tạo điều kiện để các làng nghề tận dụng lợi thế làm du lịch thì cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp. Đó là xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề. Đồng thời đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du khách, đào tạo kỹ năng làm du lịch do người dân làng nghề. Nhà nước cần có chính sách với các vùng nguyên liệu có sẵn các vùng nguyên liệu mới tại địa phương; đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề. Đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, tạo ra hoạt động du lịch xanh, sạch và hấp dẫn.

Có lẽ, giải pháp cốt yếu để phát triển du lịch làng nghề lại ở chính quá trình bảo tồn các giá trị đặc sắc và có chính sách để hoạt động tại các làng nghề ngày càng hiệu quả. Suy cho cùng, cái thu hút du khách đến với các làng nghề vẫn là những nét văn hoá, những nét tinh hoa mang đậm hồn cốt của một dân tộc.

Viết Sơn

Tin khác

Kinh tế 1 phút trước
(SHTT) - Mô hình du lịch làng nghề của nước ta hoạt động suốt nhiều năm qua đã đem lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, để có thể phát triển mô hình này một cách bền vững, khai thác triệt để tiềm năng du lịch của các làng nghề thì vẫn cần nhanh chóng giải quyết những bất cập còn tồn đọng.
Kinh tế 5 phút trước
(SHTT) - Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội Quý I, UBND phường Ninh Sơn đã đạt đước nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra vào Quý II/2024.
Kinh tế 9 phút trước
(SHTT) - Quý I/2024 hoạt động thương mại, dịch vụ (TMDV) trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, hàng hóa dồi dào, đa dạng... Các doanh nghiệp, nhà phân phối đã tổ chức đa dạng các giải pháp kích cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, khuyến mại để tăng sức mua bán.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Không ruộng đồng, không thể canh tác cây lương thực, nhưng bằng tinh thần chịu thương chịu khó cùng đôi bàn tay tài hoa của người dân Thổ Hà, ngôi làng cổ của trấn Kinh Bắc vẫn duy trì tốt những nghề thủ công truyền thống vang danh một thời.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Ngày nay, tự động hóa quy trình kinh doanh BPA (Business Process Automation) không những là xu hướng mà còn đóng góp rất quan trọng trong thời kì kinh tế số. Việc tận dụng công nghệ để tự động hóa các hoạt động, quy trình chức năng giúp nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.